Nóng vấn đề nợ xấu và lãi suất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 21/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xung quanh các vấn đề nợ xấu, hạ lãi suất cho vay…

Đến cuối năm, nợ xấu giảm bao nhiêu?

Tại phiên chất vấn chiều 21/8, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là nợ xấu. Nhiều đại biểu thắc mắc về việc con số nợ xấu nào là đáng tin cậy nhất trong những con số đã được nhiều tổ chức công bố. Theo số liệu tổng hợp từ các tổ chức tín dụng là hơn 117.700 tỷ (khoảng 4,47% dự nợ) nhưng số liệu của Thanh tra NHNN lại lên tới 202.000 tỷ đồng (tương đương 8,6%). Phát biểu tại Quốc hội hồi tháng 3, bản thân Thống đốc cũng đã khẳng định nợ xấu toàn ngành khoảng 10%. Trong khi đó, một tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế lại cho rằng nợ xấu của Việt Nam cao hơn những con số này rất nhiều. 
 
Theo Thống đốc NHNN, sở dĩ có sự khác nhau về con số nợ xấu là tình trạng phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu trong báo cáo tài chính thấp hơn thực tế để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Ngoài ra, một số ngân hàng điều hành tín dụng bất cập, năng lực thanh tra, giám sát của NHNN trong một thời gian dài còn hạn chế, để nợ xấu tăng cao. "Số liệu của NHNN là xác thực nhất và NHNN điều hành theo con số đó" - Thống đốc nói. 
Nóng vấn đề nợ xấu và lãi suất - Ảnh 1
Giao dịch tại một chi nhánh của Maritimebank. Ảnh:Thanh Hải

Sau khi thanh tra 9 tổ chức tín dụng yếu kém, con số nợ xấu tại các ngân hàng này vô cùng đáng lo ngại. "Theo báo cáo của bản thân các tổ chức tín dụng, nợ xấu của họ đều không quá 2,5% và đều có lãi. Nhưng khi NHNN thanh tra, có tổ chức tín dụng nợ xấu lên 30% và thậm chí tới 60%. Có ngân hàng mất hết cả vốn tự có và vốn điều lệ"; Nợ xấu tăng cao có nguyên nhân từ kinh tế vĩ mô, từ phía ngân hàng, doanh nghiệp... 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và cá nhân Thống đốc khi để xảy ra nợ xấu cao và một số sai phạm trong hệ thống, ông Bình thừa nhận một trong những nguyên nhân nợ xấu cao có xuất phát từ NHNN khi chưa thanh tra giám sát hiệu quả. "Tôi xin nhận trách nhiệm của NHNN và với tư cách là Thống đốc hiện nay, tôi cũng xin nhận trách nhiệm về các lĩnh vực đó" - Ông Bình khẳng định.

Tuy nhiên, người lãnh đạo NHNN cho rằng tình trạng nợ xấu của Việt Nam chưa đến mức "quá nguy kịch" nếu so với các nước trong khu vực ở thời điểm họ đứng ra xử lý vấn đề tương tự. 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đưa ra các phương án xử lý nợ xấu. Đó là xử lý nhanh các tài sản thế chấp; mua bán lại nợ giữa các TCTD; đàm phán với DN biến nợ thành cổ phần. Hiện, NHNN đã nghiên cứu xong Đề án xử lý nợ xấu và đang trình Chính phủ và các cơ quan liên quan. Bởi vậy, trả lời về công ty mua bán nợ xấu, ông Bình cho rằng, hiện Đề án xử lý nợ xấu mới chỉ đưa ra xem xét và báo cáo, chưa được thẩm định nên chưa có thông tin gì để báo cáo. 

Một câu hỏi được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đưa ra là từ nay đến hết năm, Thống đốc quyết tâm đưa nợ xấu về con số bao nhiêu, giảm bao nhiều phần trăm?
Câu trả lời theo kiểu cam kết đến hết nhiệm kỳ của mình, Thống đốc sẽ đưa nợ xấu về chuẩn quốc tế khiến nhiều đại biểu Quốc hội không hài lòng vì quá chung chung. 

Không hạ chuẩn cho vay

Về lãi suất, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, việc giảm lãi suất về 15% chỉ là một lời hiệu triệu nhưng các ngân hàng đã nỗ lực thực hiện. 
 
Nóng vấn đề nợ xấu và lãi suất - Ảnh 2
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Việc có hạ tiếp lãi suất không, đang được dư luận và các chuyên gia kinh tế bàn đến. Tuy nhiên, việc hạ tiếp lãi suất nếu có phải hết sức thận trọng. "Chúng ta vẫn đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định lên hàng đầu, nếu lãi suất hạ quá sâu, VND mất sức hấp dẫn, người dân sẽ quay sang vàng, ngoại tệ. Vị thế của VND mà chúng ta đã tạo dựng được nếu không khéo sẽ mất đi" - ông Bình nói.

Thống đốc cũng cho rằng, giảm lãi suất, hỗ trợ DN và nền kinh tế là mục tiêu nhưng không vì thế mà ngân hàng hạ chuẩn cho vay. Đây là điều tối kỵ.

  Vấn đề có khả năng ngân hàng lách trần lãi suất cho vay 15% cũng được các đại biểu nói đến. Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, "việc phân loại khách hàng cho vay khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp phải gửi lại ngân hàng 1/3 phần được vay dưới hình thức tiết kiệm lãi suất 9%/năm. Như vậy họ phải trả lãi 18%/ năm. Đây là hợp đồng dân sự và không vi phạm Luật nhưng bản chất vẫn là lách luật. Thống đốc có biết việc này không và có giải pháp gì để kiểm tra"?

Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, nếu có đây không phải là hiện tượng phổ biến bởi các ngân hàng đang thiết tha cho vay. Do vậy họ bằng mọi cách bán được hàng, thậm chí là phải giảm giá. Thống đốc đề nghị đại biểu Huỳnh Nghĩa nếu có trường hợp như vậy sẽ bố trí ngay một ngân hàng khác sẵn sàng cho vay nếu doanh nghiệp đó tốt. Tuy nhiên, ông Bình lo ngại có sự thông đồng giữa ngân hàng và doanh nghiệp trong trường hợp này. 

 
"Thống đốc nói, 30 năm hoạt động trong ngành ngân hàng, việc nợ xấu có nhiều số liệu là việc mà Thống đốc đã chứng kiến. Vậy, trách nhiệm NHNN ở đâu, trách nhiệm Thống đốc ở đâu cần xác định rõ và nghiêm túc. Nếu không nghiêm túc thì 30 năm trong nghề của Thống đốc và 30 năm sau nữa chắc chắn tình trạng này vẫn sẽ lặp lại". - Ông Nguyễn Ngọc Phương - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình