Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng, người đầu tiên "đăng đàn" đã nhận được 15 lượt chất vấn và tái chất vấn. Trong đó, vấn đề nợ xây dựng cơ bản (XDCB) có xu hướng tăng được các ĐB nêu lên với nhiều lo lắng. Theo thống kê, hiện tổng số nợ là 990,7 tỷ đồng với 1.547 dự án, năm 2013 mới giải quyết được 200 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng cho biết: Việc nợ XDCB chỉ có ở cấp quận, huyện, xã, không có ở cấp TP. TP đã yêu cầu các quận, huyện bố trí cho các dự án nợ XDCB trước rồi mới đến các dự án khác, nhưng các quận, huyện chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo.
Đưa ra những con số nợ XDCB ở các xã xây dựng nông thôn mới, ĐB Nguyễn Thị Thùy (huyện Gia Lâm) đặt vấn đề, đây có phải là nguồn phát sinh nợ đọng? Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng cho biết: TP đã yêu cầu các huyện phải xử lý theo đúng nguyên tắc để tránh nợ XDCB, không được bố trí vốn dàn trải và không được triển khai xây dựng dự án khi chưa có nguồn.
Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XIV. Ảnh: Đức Giang
ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh (huyện Chương Mỹ) nhận xét: Phần trả lời của Phó Chủ tịch vẫn chưa rõ trách nhiệm của UBND TP. Năm 2009, TP đã có nợ XDCB và đã bố trí vốn để xóa nợ, nhưng đến cuối năm 2012, lại phát sinh nợ mới, hiện đã lên đến 990 tỷ đồng. ĐB Lê Văn Hoạt (huyện Mê Linh) cũng cho rằng, nợ XDCB đã tồn tại từ lâu, TP cần có biện pháp chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn. Cùng với đó, hiện đang có phong trào cho tạm ứng vốn trong triển khai xây dựng nông thôn mới đang là thực trạng cần chấn chỉnh.
Tiếp thu những vấn đề này, Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng khẳng định: TP đang tập trung giải quyết nợ đọng XDCB trong 3 năm, mỗi năm giải quyết khoảng 30% và sẽ tăng cường chấn chỉnh lại không để phát sinh mới. Từ năm tới, trong nguồn vốn phân cấp, nếu giao cho huyện, sẽ đề rõ dùng bao nhiêu để trả nợ XDCB, nếu huyện không tuân thủ cũng sẽ không giải ngân được và sẽ quyết liệt hơn trong kiểm tra, xử lý nghiêm.
Tạm thu thuế không có nghĩa là “hợp thức hóa”
Trả lời chất vấn của các ĐB về dự án xây trường học tại khu đất trước đây của Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân di chuyển ra khỏi nội thành, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Sở QH - KT đã đồng ý phê duyệt 2 ô đất để xây dựng trường Tiểu học Lê Ngọc Hân và Tiểu học Ngô Thì Nhậm. TP đã giao quận Hai Bà Trưng đôn đốc, phối hợp nhà đầu tư và các sở, ngành sớm hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng các ô đất trường học nêu trên để triển khai dự án đầu tư xây dựng trường trong quý III và quý IV/2013 và sẽ báo cáo cụ thể HĐND TP trong kỳ họp tới. |
Từ thông tin Cục Thuế Hà Nội đưa ra: Hiện có 2.896 tổ chức, doanh nghiệp (DN) đang sử dụng 3.633 lô đất mới được tính tạm nộp tiền thuê đất. Trong đó, có những lô đất TP phải ấn định mức thuế tạm thu. Bày tỏ băn khoăn về tính hợp pháp trong việc tạm tính thuế sử dụng đất, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (quận Hà Đông) đặt vấn đề: Có đến hơn 1.000 tổ chức đã thuê đất tạm tính tiền sử dụng do chưa có giấy tờ hợp pháp. Vậy việc tạm tính này có đúng quy định hay không và dựa trên cơ sở nào? Nhìn ở một khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Văn Nam (huyện Thanh Trì) cho rằng, số lô đất tạm tính thuế hiện chiếm gần 50% tổng số dự án, như vậy sẽ rất phức tạp trong quản lý, trong khi mức tạm tính thường áp thấp hơn quy định, vậy DN không có giấy tờ lại lợi hơn DN có đủ giấy tờ, không khuyến khích được các DN nỗ lực hoàn thiện giấy tờ.
Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng khẳng định, căn cứ để thu thuế đối với các trường hợp này đều thực hiện theo đúng quy định pháp luật là: Nếu khoản thu nào DN không chứng minh được thì cơ quan thuế có quyền ấn định. Mặt khác, bản thân DN cũng đang sản xuất kinh doanh trên mảnh đất đó và đã tự kê khai nên cơ quan thuế sẽ áp dụng đúng mức thu đất với đơn vị sản xuất kinh doanh. "Việc tạm thu này không đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa mảnh đất đó cho DN mà Nhà nước thu thuế vì DN có sử dụng đất, có sản xuất kinh doanh" - Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, đơn giá để tính thuế đều theo đúng quy định của TP, không có chuyện DN có giấy tờ hợp lệ thì thu mức cao hơn DN không có giấy tờ hợp lệ.
Cũng liên quan đến vấn đề giãn, hoãn tiền sử dụng đất, nhưng lại gắn chặt với người dân, ĐB Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng) đưa ra một vấn đề nóng: Hiện có rất nhiều dự án người dân đã tham gia góp vốn cho các chủ đầu tư, có khi đến 70% dự án, nhưng do khó khăn về tài chính, TP có tạm hoãn, giãn. Nếu không giải quyết được vấn đề người dân góp tiền nhưng không có nhà ở, thì TP thất thu tiền thuế đất. Vậy TP có nắm được các trường hợp này không? ĐB cũng lưu ý đến một vấn đề trong lựa chọn chủ đầu tư có năng lực tài chính. Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, theo quy định của Chính phủ, DN lỗ được xem xét giãn tiền sử dụng đất và dựa trên cơ sở kê khai của DN, Cục Thuế sẽ là cơ quan xem xét. Nhưng ĐB Nguyễn Hoài
Tiếp thu vấn đề này, Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng đề nghị các ĐB cùng giám sát và chuyển tới TP các dự án cụ thể để kiểm tra, xem xét. Đồng thời khẳng định, sẽ đơn giản hóa TTHC để hỗ trợ DN, đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra các DN chây ì không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Ý kiến đại biểu nhận xét về phiên chất vấn và trả lời chất vấn
ĐB Nguyễn Xuân Diên (huyện Ứng Hòa):Có lĩnh vực trả lời vẫn thiếu giải pháp Theo tôi, về cơ bản, phần trả lời đã đi vào các nội dung chính. Tuy nhiên có những lĩnh vực chưa đưa ra được giải pháp, cũng chưa đi vào những nội dung cử tri đang cần, quan tâm. Như phòng cháy chữa cháy, chưa nêu rõ được sẽ xử lý như thế nào về tồn tại hiện hữu của những cây xăng trong nội thành. Đối với vấn đề chợ, trả lời chưa đề cập sâu, chưa làm rõ các giải pháp phát triển TTTM và chợ. Một điều nữa tôi rất quan tâm là đánh giá hiệu quả xây dựng nông thôn mới, trong đó có chợ nông thôn lại trả lời rất sơ sài, thiếu những con số cụ thể.
ĐB Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế:Trách nhiệm quản lý chưa rõ Nhiều dự án người dân góp vốn mua nhà, nhưng chủ đầu tư không có trách nhiệm hoàn thiện và bàn giao, thực trạng này đang nhức nhối và không chấp nhận được. Theo tôi, cơ quan quản lý không thể nói là chỉ quan tâm tới việc cho giãn hoãn theo chủ trương còn đầu ra thế nào là việc của người ta. Trách nhiệm quản lý Nhà nước ở đây chưa được trả lời rõ. Tôi đề nghị TP phải rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các dự án, chủ đầu tư. Thứ nhất là về năng lực đầu tư; thứ hai là danh sách của những chủ dự án nằm trong diện được giãn hoãn, nợ đọng tiền thuế đất. Nếu không, khi xảy ra tranh chấp sẽ trở thành một vấn đề lớn. Tóm lại, câu trả lời chưa làm tôi hài lòng.
ĐB Vũ Cao Minh - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Xuân: Chúng tôi sẽ luôn bám sát các vấn đề đã nêu Các câu trả lời đã phần nào đáp ứng được vấn đề ĐB nêu. Tuy nhiên, chúng ta nên quan tâm tới định hướng, chiến lược sâu hơn và tôi tin TP sẽ có nghiên cứu kỹ hơn về những vấn đề ĐB nêu, để chỉ đạo, điều hành tốt hơn. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ luôn đeo bám các vấn đề đã nêu ra, bởi đây đều là những vấn đề dân sinh, sát sườn mà cử tri rất quan tâm. Nếu giải quyết tốt, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
ĐB Nguyễn Thị Thùy - Trưởng Ban Văn hóa – xã hội: Phải rà soát giải quyết rốt ráo Mục đích của chất vấn không phải trả lời một lúc hết ngay, bởi thực tế vấn đáp tại chỗ rất khó. Câu hỏi hóc búa, số liệu chưa chuẩn bị kịp, rất khó cho người trả lời. Các vị trả lời chất vấn hôm nay cũng trả lời tương đối rõ nhưng để rõ ràng hết mọi việc phải cần thêm thời gian, tài liệu. Quan trọng là việc tiếp thu, lời hứa giải quyết các nội dung đưa ra chất vấn của các vị trả lời chất vấn. Tôi nghĩ, các vấn đề đã được các ĐB nêu lên, UBND TP phải rà soát lại để giải quyết rốt ráo, các vị ĐB cũng sẽ tiếp tục giám sát, theo dõi tại các kỳ họp sau.
ĐB Hồ Quang Lợi - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy: Chất vấn đã trao đổi thẳng thắn Các nội dung đưa ra chất vấn đều là những vấn đề dân sinh bức xúc, được đông đảo cử tri quan tâm. Các ĐB nêu câu hỏi rất rõ ràng, thẳng thắn. Chất vấn và trả lời chất vấn đã có sự đối thoại, trao đi đổi lại thẳng thắn để làm rõ vấn đề, giải pháp khắc phục. Tôi thấy về tổng thể, các vị đại diện cho UBND TP, sở ngành đã trả lời có trách nhiệm, tương đối rõ. Tất nhiên, có những vấn đề đặc biệt khó, mang tính khách quan như phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng, di dời trạm xăng sát khu dân cư... không dễ gì có thể giải quyết một sớm một chiều, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp hữu hiệu hơn. Hà Bình thực hiện |