Chiều 31/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên chủ trì buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7 để thông tin về những vấn đề mà báo chí và nhân dân quan tâm; trả lời các câu hỏi liên quan.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2015.
|
Thông tin về kết quả phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2015 vừa kết thúc, người phát ngôn Chính phủ cho biết, tại phiên họp các thành viên Chính phủ đã thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2015 tiếp tục đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. CPI tháng 7 tăng 0,13% so với tháng trước. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng đều từ đầu năm, đến 20/7 tăng 7,32%. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 8,8% . Vốn ODA giải ngân ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 10,1%.
Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển, công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng tăng 9,9%. Qua đó cho thấy tín hiệu tốt về phục hồi sức mua và tổng cầu của nền kinh tế. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 tăng 12,1% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2014, chấm dứt sự giảm liên tiếp 2 tháng vừa qua. Vận chuyển hàng hóa ước tăng 5,8%, luân chuyển hàng hóa tăng 1,8%.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2015 cho chúng ta thấy triển vọng nếu phấn đấu quyết liệt và không có gì đột biến thì có khả năng đạt kết quả đề ra cho cả năm 2015”. Thủ tướng cũng yêu cầu, từ nay đến cuối năm, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, mỗi ngành, lĩnh vực chọn khâu đột phá để phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Sản xuất nông nghiệp vẫn gặp khó
Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta đối diện một số khó khăn, thách thức, đáng chú ý là khu vực nông nghiệp và thủy sản tiếp tục khó khăn do thiên tai, hạn hán, mưa, lũ và khó khăn về thị trường, giá xuất khẩu giảm ảnh hưởng mạnh đến thị trường xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của nước ta, xuất khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ, chưa đạt kế hoạch đề ra...
Thừa nhận một số khó khăn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát bày tỏ: “Vấn đề ở đây vẫn là thị trường, vẫn là khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp hết sức chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương nhằm tìm các giải pháp hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường cho nông lâm thủy sản”. Đồng thời, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, Bộ cũng đang rất quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp với những giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của ngành nông nghiệp.
Trả lời các câu hỏi tại cuộc họp báo Chính phủ chiều muộn ngày 31/7 xung quanh việc giá gà nhập khẩu từ Mỹ rẻ bất thường so với giá gà trong nước khiến nhiều nông dân điêu đứng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, nếu giá bán của gà nhập khẩu từ Mỹ quá thấp thì cơ quan chức năng sẽ phải tiến hành quy trình điều tra, xác minh rõ ràng xem đây là hiện tượng đơn lẻ hay hiện tượng có tính chất đồng bộ, gà loại gì? Sau khi điều tra và có kết luận, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thủ tục để kết luật phá giá hay không bán phá giá.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo.
|
Pháp luật không cấm việc NHNN hỗ trợ ngân sách nhà nước
Liên quan tới câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo về việc gần đây Bộ Tài chính có đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho ngân sách nhà nước vay 30 nghìn tỷ đồng chi đầu tư phát triển và đảo nợ, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, các quy định của pháp luật hiện hành, quản lý nợ công không cấm vệc NHNN hỗ trợ cho ngân sách nhà nước.
Cũng theo bà Hồng, trong điều kiện ngân sách nhà nước có thời điểm cần hỗ trợ, trên cơ sở đề xuất này ngân hàng xem xét đánh giá với mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô, nếu hỗ trợ thì thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nếu đề nghị này được chấp thuận thông qua thì NHNN sẽ thục hiện giải pháp đồng bộ điều tiết lượng tiền hợp lý, phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế và các mục tiêu chung. Người phát ngôn của NHNN nhấn mạnh: “Cung ứng dự trữ bắt buộc là kỹ thuật, khi NHNN hỗ trợ cho ngân sách là hỗ trợ tạm thời”.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã lý giải: Tình hình ngân sách khó khăn chủ yếu do giá dầu thô giảm. Tuy nhên, kết quả thu ngân sách 7 tháng đạt 59,8% dự toán, cao hơn 6-7% so với 2-3 năm trở lại đây. Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, Bộ quyết tâm chỉ đạo công tác thu đạt và vượt dự toán năm 2015 mà Quốc hội đã giao.
Chia sẻ thêm, bà Hồng cho rằng, số tiền 30 nghìn tỷ đồng mà Bộ Tài chính đề nghị NHNN cho ngân sách vay chỉ là thời điểm nhất thời trong quá trình điều hành, phù hợp với quy định và nếu vay sẽ trả trong năm. “Với dự kiến thu của Bộ Tài chính thì không khó khăn gì trong việc hoàn trả khoản vay này”.
Cơ sở áp dụng giá điện theo bậc thang rất rõ ràng
Liên quan tới vấn đề giá điện, tại buổi họp báo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, cơ sở của việc áp dụng giá điện theo bậc thang, một là để khuyến khích sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả. Hai là, trong quá trình hoạt động của hệ thống nhà máy điện, khi nhu cầu thấp thì sẽ sử dụng các nhà máy điện có giá thấp, nhu cầu lên cao thì từng bước sử dụng những nhà máy điện có giá cao tăng dần. Vì vậy sử dụng điện càng nhiều thì giá điện sẽ cao hơn nhiều. Tương đương như vậy, nếu chúng ta có một thị trường điện theo giờ như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, thì giờ thấp điểm, giữa điểm và cao điểm có giá cả khác hẳn nhau, theo bậc thang của nhu cầu tăng lên.Ba là giá điện theo bậc là để tương ứng với thu nhập của các đối tượng khác nhau trong xã hội. Ví dụ, chúng ta có 6 bậc giá điện, bậc 1-2 là dành cho hộ có thu nhập thấp, bậc 5-6 dành cho hộ thu nhập cao hơn. Như vậy việc xác định bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt có cơ sở rất rõ ràng về kinh tế, kỹ thuật, xã hội và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Thời gian qua, Bộ Công Thương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, rà soát, xem xét đề xuất để có bổ sung thích hợp hơn. Bất cứ điều chỉnh nào đều có một bộ phận chịu tác động, do đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng việc này để có bậc thang phù hợp hơn so với tình hình thực tế hiện nay.
“Trong các khâu bổ nhiệm, quan trọng hàng đầu là công tác đánh giá cán bộ và đây cũng là khâu khó khăn nhất. Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện cơ chế cán bộ ngày càng chặt chẽ hiệu quả hơn” (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên) “Theo thống kê chưa đầy đủ, trong cơn mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh đã có 17 người chết và mất tích là 6 người. Tổng thiệt hại đến giờ này khoảng 1.500 tỷ đồng. Trước mắt, chúng ta tập trung khắc phục hậu quả trước, còn nguyên nhân để xảy ra thiệt hại như vậy thì các cơ quan chức năng, các ngành sẽ có trách nhiệm làm rõ, rút kinh nghiệm” (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên). |