Nóng với nợ thuế, phòng cháy và trật tự xây dựng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/12, Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội Khóa XIV đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với sự tham gia của toàn thể lãnh đạo UBND TP và các sở, ngành liên quan.

Hàng loạt vấn đề đã làm “nóng” nghị trường từ quản lý nhà tái định cư, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đến nợ thuế, vệ sinh an toàn thực phẩm, nước sạch…
Đại biểu Lê Văn Thành (tổ Thanh Xuân) chất vấn Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.  	Ảnh:  Thanh Hải
Đại biểu Lê Văn Thành (tổ Thanh Xuân) chất vấn Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Ảnh: Thanh Hải
Đây là phiên chất vấn cuối của nhiệm kỳ 2011 - 2016. Đúng như Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh khi khai mạc phiên chất vấn, đây là dịp để TP báo cáo với cử tri và Nhân dân những việc các cấp chính quyền ở TP đã làm được trong nhiệm kỳ, chỉ ra những việc chưa làm được, nguyên nhân, trách nhiệm của từng ngành, từng cấp để chúng ta tiếp tục thực hiện và làm tốt hơn trong nhiệm kỳ tới. Do đó, hình thức chất vấn cũng có những nét đổi mới, sự đeo bám vấn đề được thể hiện ở sự trao đi đổi lại nhiều lần giữa ĐB và người được chất vấn.

Doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, khó kiểm soát

Nêu lại con số 10 tháng đầu năm 2015 có 12.557 DN bỏ địa chỉ kinh doanh (tăng 47% so với cùng kỳ 2014) và phần lớn DN này đều nợ thuế, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (tổ Hà Đông) đặt vấn đề, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ thuế gia tăng, vậy theo thống kê của Cục Thuế TP số nợ thuế luỹ kế đến nay là bao nhiêu và số DN bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh này sẽ bị xử lý như thế nào?. Khẳng định nợ thuế đúng là đang tăng theo cấp số cộng, Cục trưởng Cục thuế TP Hà Minh Hải cho biết, từ năm 2007 (trước thời điểm khủng hoảng tài chính lan rộng), số nợ thuế là trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 5%. Tuy nhiên, đến năm 2014, số nợ thuế tăng lên 18.699 tỷ đồng, chiếm 17% tổng số; tiền chậm nộp cũng tăng lên 5.275 tỷ đồng, chiếm 28%. Tiền chậm nộp 10 tháng đầu năm 2015 tiếp tục tăng lên 7.092 tỷ đồng, chiếm 36,8% tổng nợ. “Qua làm việc với các DN, nhiều đơn vị rất khó khăn và khó có khả năng thu hồi. Trong số nợ thuế, trên 50% là của các DN xây dựng cơ bản. TP và các địa phương đã làm việc rất quyết liệt, nhưng đây thực sự là khó khăn thách thức với cả DN và ngành thuế” - ông Hải cho biết và nói thêm, với số nợ thuế có khả năng thu, Cục đang đánh giá tổng nợ thuế phí, tiền sử dụng đất có khả năng thu trên 13.000 tỷ đồng. Toàn bộ số nợ phải được đôn đốc thu vào ngân sách Nhà nước bằng tất cả các giải pháp theo đúng quy trình. Trường hợp đang chờ xử lý tiếp tục kiến nghị để xử lý.

Cục trưởng Cục Thuế TP thừa nhận, việc đơn vị kinh doanh thành lập công ty rồi bỏ địa chỉ kinh doanh tăng lên rất nhanh. Theo thống kê, hiện có gần 2.500 tỷ đồng nợ thuế của các đơn vị này. “Trong đó, nguy hiểm nhất là nhóm thành lập công ty buôn bán hóa đơn. Nhóm này hầu hết mượn chứng minh thư, thuê người làm giám đốc. Khi công an vào cuộc tìm hiểu phải mất rất nhiều thời gian mới làm rõ được những người được thuê làm giám đốc đang hành nghề xe ôm, có người đang trong tù, hoặc mất chứng minh thư nên xử lý rất khó. Thường hầu hết muốn phát hiện cơ quan công an phải bắt quả tang để xử lý” - ông Hải giải trình.

Cũng về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Thùy (tổ Gia Lâm) chất vấn: Cơ quan thuế có tổ đội, có cán bộ chuyên quản mà tại sao các DN mới đăng ký, không hoạt động mà không theo dõi được, để nợ thuế lớn?. ĐB Lê Văn Thành (tổ Thanh Xuân) cũng cho rằng, việc thất thu thuế, thành lập công ty để xuất hóa đơn trái phép là vấn đề rất nghiêm trọng. Để công bằng giữa các DN, cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an phải làm đến nơi đến chốn, không được làm dở dang. Cùng với đó, phải xem xét việc thành lập công ty thật thận trọng.

Tiếp tục lý giải việc xác minh hóa đơn của các DN bỏ trốn, Cục đã xử lý nhiều vụ việc, có trường hợp khi DN vừa thành lập, cơ quan thuế đến kiểm tra thì DN đã không có, có trường hợp 5 - 7 DN cùng thuê một phòng ở chung cư để thành lập. Cục trưởng Cục Thuế TP cho rằng, Nhà nước tạo sự thông thoáng cho DN trong hoạt động nhưng cũng cần có cơ chế xác minh nhân thân. Nếu DN thành lập mà không có vốn, chất xám, nhân lực thì không thể có khả năng triển khai hoạt động.

Với nhận xét, mặc dù các cơ quan chức năng của TP có nhiều nỗ lực trong thu hồi nợ, có các giải pháp "cứng", nhưng số nợ còn tồn đọng vẫn là trên 21.000 tỷ đồng, chiếm 15%, trong khi khuyến nghị chỉ nên ở mức 5%, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng: TP cần có những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn, tập trung hơn vào phân loại nợ, từ đó có những giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể từng cấp, từng ngành nhằm giải quyết tồn đọng nợ, trước hết tập trung vào nợ có khả năng thu, công khai các DN có nợ đọng thuế, phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành có giải pháp mạnh hơn để giải quyết tình trạng DN gian lận trong sử dụng hóa đơn, trốn khỏi nơi kinh doanh...

Có không “kẽ hở” trong phối hợp kiểm soát trật tự xây dựng

Vi phạm trật tự xây dựng tại các khu đô thị, tòa nhà cao tầng là một trong những vấn đề được các ĐB đặt ra với Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục. ĐB Bùi Huyền Mai (tổ Đông Anh) quan tâm đến kết quả khắc phục sai phạm tại 18 dự án khu đô thị đã được TP thanh tra. Hầu hết các dự án này đều có vi phạm ở những mức độ khác nhau, kết quả khắc phục đến đâu, đặc biệt tại dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (Tả Thanh Oai, Thanh Trì).

Trả lời về kết quả khắc phục sai phạm tại 18 dự án khu đô thị được UBND TP thanh tra năm 2015, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, các chủ đầu tư đã tuân thủ khá tốt và cam kết thực hiện các mức xử phạt hành chính.

Đặt vấn đề việc sai phạm tại các dự án cao tầng, khu đô thị nhiều có nguyên nhân từ sự phối hợp giữa các sở, ngành trong quản lý trật tự xây dựng còn kẽ hở, ĐB Nguyễn Hoài Nam (tổ Hai Bà Trưng) đặt câu hỏi, vậy vướng ở cơ chế hay chính sách, khiến các ngành chức năng không thể ngăn chặn ngay từ đầu. Giải pháp của TP tới đây để có thể kiểm soát ngay từ khi chủ đầu tư có vi phạm?. Câu hỏi này ĐB đề nghị Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thế Hùng, người đã có nhiều năm làm Giám đốc Sở Xây dựng trả lời.

Cho rằng các đánh giá, giám sát của HĐND TP và người dân về trật tự xây dựng rất chính xác và TP đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, Giám đốc Sở QH - KT Nguyễn Thế Hùng cho biết, các sai phạm tại các khu đô thị, nhà cao tầng trước tiên có nguyên nhân là do thái độ chấp hành pháp luật không được tốt của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc giám sát của các cơ quan chức năng, cán bộ, công chức cũng chưa hết trách nhiệm, chưa đến nơi đến chốn. Trước kia, Sở Xây dựng có lực lượng quản lý trật tự xây dựng hoạt động 24/24 giờ trên toàn địa bàn, nhưng khi Luật Thanh tra ra đời, lực lượng thanh tra giờ chỉ còn ở cấp TP, các quận, huyện mất đi lực lượng trực tiếp, khi hoạt động theo mô hình hợp quản, năng lực hoạt động của thanh tra xây dựng yếu hẳn đi, việc quản lý trực tiếp có vấn đề. TP cần tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét lại mô hình này. Về mặt chính sách trong xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, ông Nguyễn Thế Hùng chia sẻ: Sở rất muốn xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng nhưng các quy định mới của Chính phủ lại cho phép các sai phạm không ảnh hưởng đến quy hoạch thì vẫn cho tồn tại. Quy định này không phù hợp với đặc điểm của Hà Nội. Ngoài ra, việc quản lý các công trình trên địa bàn giữa T.Ư và Hà Nội cũng có vấn đề. Giải pháp thời gian tới là phải làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật thật sâu rộng; tăng cường củng cố lực lượng, bộ máy quản lý, đặc biệt là Thanh tra xây dựng; tăng cường và sử dụng toàn bộ kết quả của giám sát cộng đồng, xã hội để giúp bộ máy chính quyền sớm có thông tin, không để sai phạm phát triển lớn, khó xử lý.

Tiếp tục “nóng” vấn đề tái định cư

Đã được đưa ra chất vấn tại không ít kỳ họp, nhưng những bất cập trong quản lý, vận hành chung cư tái định cư vẫn là vấn đề khiến ĐB rất băn khoăn. ĐB Nguyễn Đình Dương (tổ Chương Mỹ) liệt kê hàng loạt những tồn tại trong quản lý nhà chung cư tái định cư, từ chất lượng nhà, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà chậm, quản lý và vận hành thiết bị chung, diện tích chung còn gây bức xúc... Và đặt câu hỏi: Vậy có biện pháp gì để giải quyết sớm hơn tình trạng này? Các ĐB cũng đặt vấn đề trước việc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, trực tiếp quản lý hơn 112 tòa nhà, nhưng hầu như không duy tu, bảo dưỡng.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục chỉ điểm lại các con số về các toàn nhà chung cư tái định cư, đồng thời cho biết, đến nay, Sở Xây dựng đã tham mưu đầy đủ văn bản pháp quy và đang chờ Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 08 về quản lý nhà chung cư tái định cư, khi đó sẽ có “thuốc” cho các “căn bệnh” của nhà tái định cư. Tuy nhiên, những phần trả lời này của Giám đốc Sở Xây dựng khiến các ĐB chưa hài lòng và cho rằng, với các vi phạm kéo dài nhiều năm, HĐND TP đã kiến nghị nhiều lần, trả lời như vậy thì hầu như bóng dáng quản lý Nhà nước của Sở Xây dựng đối với quỹ nhà tái định cư, nhà chuyên dùng mà Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đang gây ra là không có.

Phòng cháy chữa cháy:

Không thể bằng lòng

với cái đã có

Trước câu hỏi của các ĐB Bùi Huyền Mai (tổ Đông Anh), ĐB Nguyễn Nguyên Quân về thực trạng cháy nổ đang nghiêm trọng, vấn đề đầu tư cho lĩnh vực PCCC đã tương xứng với nhu cầu thực tiễn hay chưa?, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, đây là vấn đề nóng, đang gây bức xúc, lo lắng trong Nhân dân. TP lấy phòng ngừa là chính và đây là biện pháp lâu dài, bền vững. Khi xảy ra cháy thì dù trang bị hiện đại, đông đảo lực lượng thì cũng khó mà cứu chữa kịp thời. Phó Chủ tịch UBND TP thừa nhận: Ở nhiều công trình, do nể nang, tiết kiệm chi phí, các thiết bị PCCC đều được thi công cuối cùng. TP đã ký nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính về PCCC. Nhưng cũng có phần nguyên nhân khách quan là phát triển đô thị, hạ tầng và ý thức giữ gìn PCCC của mỗi người dân, tổ chức chưa thật sự cao. Trước thực trạng này, ngoài các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt, TP đã tăng cường đầu tư trang thiết bị cho lực lượng PCCC. Thời gian qua, TP đã chi gần 1.200 tỷ đồng hỗ trợ trang thiết bị cho lực lượng PCCC và đã có 2 gói thầu thiết bị được bàn giao. TP đang tổ chức đấu thầu trang thiết bị cho PCCC một số quận, huyện với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Đặc biệt, TP cũng đã có quy hoạch tổng thể phát triển cơ sở PCCC trên địa bàn, tất cả các quận, huyện đều sẽ có trụ sở của lực lượng PCCC. Dự kiến trong tháng này quy hoạch sẽ hoàn thiện và được phê duyệt. "So với hơn 20 địa phương có thành lập, riêng Cảnh sát PCCC thì Hà Nội là một trong những địa phương trang bị hiện đại, đầy đủ, đáp ứng được cơ bản yêu cầu PCCC" - Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định.

Làm rõ thêm về vấn đề này, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hoàng Quốc Định dẫn ra nhiều hoạt động của lực lượng PCCC từ khi thành lập đến nay. Và cho biết, về trụ nước và họng nước chữa cháy, việc này đang được giao cho Sở Xây dựng. Sở đã triển khai dự án 500 trụ nước, đã hoàn thành 202 trụ, tiến tới hoàn thành quy chuẩn là đảm bảo toàn TP có hơn 1.000 trụ nước.

Vấn đề này tiếp tục “nóng” khi ĐB Nguyễn Hoài Nam (Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP) cho rằng, việc TP quan tâm đầu tư cho PCCC đã rõ và đây là sự cố gắng lớn. Tuy nhiên, có cảm giác chúng ta đang thỏa mãn với những gì đã làm được. Qua giám sát của Ban, tại các chung cư tái định cư, ngoài khâu quản lý, vận hành còn nhiều bất cập, hệ thống PCCC ở những tòa này cũng đang ở mức “3 không là không có hệ thống chữa cháy tự động, không hệ thống chữa cháy vách tường, không có báo cháy”. Nếu xảy ra cháy sẽ là thảm họa. ĐB đặt câu hỏi: Vậy các ngành chức năng của TP có biết việc này? Bao giờ và ai sẽ phải làm, sẽ khắc phục. ĐB Vũ Mạnh Hải (tổ Sóc Sơn) cũng chung nhận xét: TP đã quan tâm rất sâu sắc về PCCC nhưng thực tế, nhu cầu xây dựng nhà chung cư  tái định cư phục vụ GPMB ngày càng cao, các trung tâm thương mại ngày càng có quy mô lớn... Vậy việc PCCC ở các nơi này ra sao? Giải pháp của TP về khắc phục vấn đề giao thông khi triển khai lực lượng PCCC như thế nào cho hiệu quả, bởi thực tế, nhiều khi xảy ra cháy, để phương tiện tới ứng cứu kịp thời cũng không đơn giản.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho rằng, TP đã chỉ rõ về trách nhiệm của các chủ đầu tư. Trong thời gian qua, đặc biệt là vụ cháy tại Khu chung cư Xa La xảy ra, chúng ta đang cố gắng khắc phục. Trước hết trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và trách nhiệm liên đới của đơn vị giám sát thi công, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công và trách nhiệm của cơ quan phê duyệt, cấp giấy phép. TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Cảnh sát PCCC chủ trì phối hợp kiểm tra, rà soát hồ sơ xây dựng thiết kế của các khu chung cư. Nếu ở vào trường hợp "3 không" như ĐB nói, Cảnh sát PCCC sẽ tham mưu cho TP có những giải pháp khắc phục. “Về các giải pháp căn cơ, lâu dài, bền vững, theo chúng tôi suy nghĩ thứ nhất vẫn là tuyên truyền cho từng người dân hiểu được quy định pháp luật về PCCC, trách nhiệm của từng người dân trong phong trào PCCC. Giải pháp này vẫn là hàng đầu mà chúng tôi thường xuyên thực hiện. Những cuộc diễn tập, tập huấn nghiệp vụ thường xuyên được thực hiện ở các khu dân cư, những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Thứ hai là giải pháp 4 tại chỗ gồm lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Thứ ba phòng là chính với nhiều giải pháp đi kèm như trách nhiệm người đứng đầu, cơ quan tổ chức. Thực tế vẫn nhiều cơ quan coi nhẹ vấn đề này, bình cứu hỏa quá hạn, họng nước không có nước...” - Phó Chủ tịch UBND TP cho biết và xin tiếp thu ý kiến của các ĐB, đây là vấn đề TP rất quan tâm.

Kiểm soát an toàn thực phẩm chưa đạt yêu cầu

 An toàn thực phẩm là nội dung tiếp theo được các ĐB tái chất vấn, ĐB Lê Văn Thành (tổ Thanh Xuân) dẫn ra câu chuyện gia đình có 4 người ung thư và cho rằng, nếu hiện nay tội giết người thường bị kết án ở mức chung thân hoặc tử hình thì việc đưa chất độc hại vào thực phẩm là giết người thầm lặng lại không được xử lý thích đáng. Những năm qua, TP đưa ra nhiều biện pháp, chế tài nhưng vi phạm vẫn tràn lan và không kiểm soát được. Có phải nguyên nhân do chế tài quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe? Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền thừa nhận: Dù đã có cố gắng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trong lĩnh vực VSATTP. Về các biện pháp để tăng cường quản lý VSATTP năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội đã thành lập thí điểm lực lượng thanh tra chuyên ngành về y tế tại 5 quận, huyện trên địa bàn. TP cũng đã ban hành chương trình truyền thông chung tay vì ATTP. Trong thời gian tới, với trách nhiệm của cơ quan tham mưu cho TP, Sở tiếp tục tập trung quyết liệt các nội dung, từ tuyên truyền cho người tiêu dùng về VSATTP và kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của các cơ sở kinh doanh, buôn bán thực phẩm.

Trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Trung Hai (tổ Mỹ Đức) về việc lưu thông sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên địa bàn TP, có DN nào sử dụng chất cấm hay không?, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, trên địa bàn TP có 64 cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và 400 cơ sở kinh doanh. Chất lượng thức ăn chăn nuôi được nhiều cử tri quan tâm vì nó đặc biệt ảnh hưởng đến giá thành và chất lượng sản phẩm chăn nuôi. TP đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tiến hành các đợt kiểm tra với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Sở hàng năm lấy trung bình 1.000 mẫu. Kết quả cho thấy với một số chất cấm, không được khuyến khích sử dụng đều âm tính. Các đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT đã lấy 70 mẫu, cũng cho kết quả tương tự. “Gần đây, dư luận rộ lên về chất tạo nạc, nhưng thực tế không phải cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trộn vào mà nhóm buôn bán nhỏ lẻ "rỉ tai" người sử dụng tự ý trộn vào nên rất khó kiểm soát” - Phó Chủ tịch UBND TP giải trình.

Trong phiên chất vấn, các vấn đề về quản lý đất đai, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp TP, nước sạch nông thôn… cũng là những vấn đề được các ĐB đặt ra.
Phó Bí thư Thành ủy, Giám đốc Công an TP Nguyễn Đức Chung: 

Xử lý nghiêm việc thành lập công ty khống bán hóa đơn

Trả lời các ĐB về việc Công an vào cuộc xử lý các trường hợp lập công ty bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, mua bán hóa đơn giả, Giám đốc Công an TP Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, Công an TP đã phối hợp với ngành thuế xác minh hơn 300 công ty bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh và truy thu thuế bỏ trốn của các công ty này. Đáng chú ý, năm 2014, Công an đã phát hiện 16 công ty do một người tên Nguyễn Trường (địa chỉ thường trú tại phường Thanh Nhàn) thành lập từ năm 2008 - 2014. Trong một thời gian ngắn Trường đã cùng một người tên Chu Thị Ngọc Thảo (kế toán trưởng) và Nguyễn Thị Thu Hương (cũng ở Hà Nội) lên Sở KH&ĐT xin đăng ký thành lập 16 công ty TNHH kinh doanh các ngành nghề khác nhau. Lợi dụng cơ chế tự in hóa đơn do Nhà nước ban hành, công ty này đã vào TP Hồ Chí Minh để thuê in hóa đơn, sau đó bán những hóa đơn khống này cho các công ty khác để phục vụ thực hiện các công trình xây dựng cũng như chi tiêu. “Qua điều tra, đến nay, đã chứng minh Trường đã bán hóa đơn cho 2.295 DN với số tiền 5.428 tỷ đồng với thủ đoạn sau khi ký hợp đồng mua hóa đơn, các công ty chuyển tiền qua ngân hàng thì Trường cùng thủ quỹ của các công ty mua hóa đơn ra ngân hàng rút ngay tiền mặt. Sau khi rút sẽ thực chia ngay với tỷ lệ Trường nhận 12%, các công ty nhận lại 88%. Hiện Công an TP Hà Nội đang phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân TP hoàn tất hồ sơ truy tố 3 đối tượng này trước pháp luật” - Giám đốc Công an TP cho biết.

Qua thực tiễn này, Giám đốc Công an TP cho biết, hoạt động quản lý các DN đang bộc lộ những sơ hở: Việc xác minh nhân thân với các đối tượng thành lập công ty là chưa chặt chẽ; cơ chế quản lý tiền mặt trong hệ thống ngân hàng còn lỏng lẻo, để DN rút tiền mặt quá quy định; việc quản lý hóa đơn do DN tự in còn sơ hở. Sắp tới, khi Hà Nội có mạng dùng chung để quản lý hóa đơn của các DN, sẽ giúp việc quản lý DN chặt chẽ hơn và các vi phạm cũng sẽ giảm. Giám đốc Công an TP Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, các hành vi vi phạm liên quan đến việc thành lập công ty khống để bán hóa đơn sẽ bị xử lý nghiêm túc và sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian tới.