Theo đó, người vi phạm có thể đến bưu điện nơi mình cư trú để nộp tiền phạt và nhận lại giấy tờ thay vì đến Kho bạc và nơi ra quyết định xử phạt. Giảm thủ tục hành chính Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục CSGT, nếu như trước đây, một người sinh sống ở Hà Nội mà vi phạm giao thông và bị xử phạt tại Quảng Ninh hay các tỉnh khác thì sau đó sẽ phải xuống tận nơi mình vi phạm để nộp phạt và nhận lại giấy tờ. Điều này gây tốn công sức, chi phí của người dân và bản thân ngành công an, Kho bạc cũng thêm áp lực trong quá trình xử lý các thủ tục vi phạm hành chính cho từng người vi phạm. Vì vậy, việc nộp phạt và nhận giấy tờ qua đường bưu điện sẽ góp phần hạn chế số lần phải đi lại, qua đó giảm lưu lượng giao thông trên đường và chi phí xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Vietnam Post cho biết, người dân khi bị CSGT tạm giữ giấy tờ do vi phạm luật giao thông nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ có thể đăng ký trực tiếp với cơ quan công an bằng cách ghi yêu cầu vào mặt sau của tờ biên bản. Hoặc người vi phạm có thể tới bưu cục gần nhất để đăng ký và nộp tiền. Mọi vấn đề chuyển phát các loại giấy tờ tạm giữ này sẽ được bưu điện thực hiện theo phương thức ưu tiên, đảm bảo chính xác, an toàn trong thời gian ngắn nhất. Theo đó, nếu người vi phạm ở trung tâm các tỉnh, TP lớn thì sẽ nhận lại giấy tờ trong vòng tối đa 2 ngày. Nếu ở các huyện vùng xa thì thời gian sẽ từ 3 - 5 ngày. Băn khoăn về việc mất tính răn đe Trao đổi với phóng viên, một số tổ trưởng tổ công tác 141, Công an TP Hà Nội cho rằng, đối với vi phạm luật giao thông, ngoài yếu tố phạt nặng thì việc yêu cầu người vi phạm, đặc biệt là các đối tượng “đầu xanh, đầu đỏ”, ngổ ngáo… đi nộp phạt tại Kho bạc, đến tận trụ sở đơn vị ra quyết định xử phạt làm việc, nhận lại giấy tờ cũng là một hình thức răn đe. Bởi hiện nay, nhiều người tham gia giao thông do nhận thức hạn chế chỉ nghĩ nếu có vi phạm thì nộp phạt mà không nghĩ đến những hậu quả của hành vi vi phạm đối với bản thân và xã hội. Do đó, nếu các đối tượng trên sử dụng hình thức nộp phạt qua bưu điện thì sẽ giảm đi phần nào sức răn đe của những biên bản xử phạt hành chính, tính thượng tôn pháp luật, thậm chí lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật. Trong khi đó, theo luật sư Hoàng Văn Hướng - Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nếu áp dụng hình thức thu hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì chỉ có lợi cho những người cư trú ở một tỉnh nhưng vi phạm ở tỉnh khác, chứ chưa chắc đã tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho người cư trú và vi phạm ở cùng địa phương. Bởi, để bưu điện có thể thay người vi phạm đi nộp phạt, làm việc với đơn vị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm phải có hợp đồng ủy quyền cho bưu điện. Ngoài ra, cần phải làm rõ đây là hình thức ủy quyền gì, ủy quyền giữa cá nhân với cá nhân (người vi phạm với nhân viên bưu điện), hay giữa người vi phạm với bưu điện địa phương, vùng nào đó.
Cảnh sát giao thông Hà Nội lập biên bản xử phạt lái xe vi phạm trên đường Kim Mã. Ảnh: Phạm Hùng |