Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

NSND Lan Hương luôn nghĩ mình là người “cổ”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngoài đời hay trên phim, Hương “Bông” vẫn vậy: “Đóng khung” trong sự giản dị, khiêm nhường và bao dung. Giữa nhịp sống hiện đại, chị vẫn luôn nhận mình là người… “cổ” và không hề có ý định thay đổi điều đó.

Vẫn mái tóc bông quen thuộc, chiếc áo khoác tối màu giản dị, nụ cười hiền hậu cùng giọng nói nhỏ nhẹ, trầm ấm, Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương như vừa bước ra từ một cảnh phim. Mái tóc đặc trưng làm nên thương hiệu Hương “bông” và bạn bè cũng quen gọi chị bằng cái tên thân mật đó, để phân biệt với Lan Hương “Em bé Hà Nội.”

“Lấn sân” MC

- Cuối năm thường là dịp các nghệ sỹ rất bận rộn với các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Ấy vậy mà người ta vẫn thấy Lan Hương vừa đóng phim vừa làm MC đều đặn?

NSND Lan Hương: Không chỉ dịp gần Tết mà gần như bất cứ thời điểm nào trong năm, tôi cũng luôn bị cuốn vào “vòng xoáy” công việc.

Ở đâu, khán giả cũng có thể gặp Hương “Bông”: Trên sân khấu kịch, trong các tác phẩm điện ảnh, truyền hình hay trong các câu chuyện truyền thanh,…

Thời gian này, sân khấu kịch khá trầm lắng nên khán giả thấy Lan Hương xuất hiện nhiều hơn trên màn ảnh nhỏ.

Song song với đó, tôi vẫn cộng tác thường xuyên chương trình “Chuyện kể lúc 0 giờ” trong vai người dẫn chuyện. Tuy bận rộn nhưng chương trình chỉ thực hiện 5 số/tháng nên tôi vẫn có thể bố trí thời gian tham gia.

- Khán giả vốn quen với hình ảnh một diễn viên Lan Hương giản dị, đằm thắm trên phim, kịch, chắc hẳn khá bất ngờ khi gặp một MC Lan Hương ở “Chuyện kể lúc 0 giờ”?

NSND Lan Hương: Với “Chuyện kể lúc 0 giờ,” tôi không hẳn đã là MC. Công việc của người dẫn chuyện đơn giản hơn bởi mình kể nhưng không có đối tượng khán giả trực tiếp tham gia; tức là không có sự tương tác trực tiếp và những tình huống yêu cầu phản ứng nhanh, tức thời.

Song, làm sao để khán giả hiểu và nhớ đến câu chuyện sau khi chương trình kết thúc lại không phải là điều đơn giản. Nó đòi hỏi người dẫn phải thực sự “cảm” được nội dung câu chuyện và phải thể hiện được bằng diễn xuất.

Trong cái lạ, công chúng vẫn có thể thấy những nét rất quen của Lan Hương, đặc biệt là giọng nói.

 
NSND Lan Hương luôn nghĩ mình là người “cổ” - Ảnh 1

 
Khán giả quen thuộc với hình ảnh Hương "Bông" trong vai những người mẹ, người vợ giản dị, đảm đang

- Phải chăng chị còn có “tham vọng lấn sân” sang làm quản lý, giảng dạy khi mở lớp dạy lồng tiếng như thời gian gần đây, người ta đồn đoán vậy?

NSND Lan Hương: Tôi không mở lớp dạy lồng tiếng nào cả. Tôi chỉ hướng dẫn, giúp đỡ các bạn trẻ như một sự truyền nghề bằng tình cảm, chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước thôi chứ hoàn toàn không phải là đào tạo trường lớp gì hết.

Lồng tiếng là sáng tạo nhân vật thêm một lần nữa bằng tiếng nói. Bởi vậy, nó cũng đòi hỏi người diễn viên phải biết diễn.

Hiện nay, nhiều bạn trẻ diễn theo bản năng, diễn theo kiểu “ăn xổi” và như thế thì không phải là nghệ thuật thực sự. Bất cứ ai làm việc với tôi cũng có thể nhận được sự giúp đỡ nếu họ cảm thấy cần.

Hơn nữa, tiếp xúc, hướng dẫn các bạn trẻ, tôi cũng học được rất nhiều điều: những tư duy mới, nhanh nhạy, sự tự tin của tuổi trẻ,… để không quá lỗi thời.

Sống sao, diễn vậy

- Nhìn đi nhìn lại thì Lan Hương của công chúng và Lan Hương của gia đình dường như không có sự khác biệt lắm về mặt tính cách?

NSND Lan Hương: Tính cách các nhân vật tôi diễn và tính cách con người thật của tôi đa phần có những điểm tương đồng.

Có những diễn viên sợ vào những vai người vợ, người mẹ như thế bởi sẽ rất dễ bị… già đi. Nhưng Lan Hương thì không! Tôi thích những vai diễn đó và thấy chúng thực sự hợp với mình.

Nhiều người nói rằng, những vai diễn của tôi “đóng khung” trong một sự an toàn với hình ảnh những bà mẹ, người vợ chịu thương chịu khó. Thế nhưng, diễn nhiều nhân vật thuộc cùng một tuýp người như vậy cũng không phải là điều đơn giản, nhất là khi muốn nhân vật để lại ấn tượng với người xem.

- Vậy bí quyết nào để mỗi nhân vật của chị có được một gương mặt riêng?

NSND Lan Hương: Thực ra, tuy thuộc cùng một tuýp người nhưng mỗi nhân vật có một hoàn cảnh, tính cách và cuộc sống khác nhau. Bởi vậy, mỗi nhân vật sẽ có một đời sống tâm lý riêng. Theo đó, họ sẽ thể hiện tình thương yêu gia đình, chồng con theo những cách khác nhau.

Tôi chỉ còn cách khai thác thật sâu tâm lý nhân vật để khán giả nhận ra nét khác biệt ấy. Một vai diễn muốn đọng lại trong lòng khán giả thì vai diễn có chiều sâu, khiến khán giả tin và yêu nhân vật. Những thứ bề ngoài bóng bẩy có thể tạo được sự “ồn ào,” sức hút trong một thời gian nhưng nếu không sâu sắc thì sẽ không bền.

Còn nếu kết hợp được cả hai yếu tố ấy thì với nghệ thuật, đó là một điều tuyệt vời!

- Đã từng đóng cặp với không ít những nghệ sỹ tên tuổi của Việt Nam nhưng người ta vẫn nói: Vai diễn của Hương “bông” và Nghệ sỹ ưu tú Đỗ Kỷ trong phim “Nếp nhà” vẫn là “ngọt nhất!” Phải chăng, sự ăn ý ấy xuất phát từ tình cảm vợ chồng hơn 20 năm gắn bó?

NSND Lan Hương:
Đúng là sau “Nếp nhà,” Lan Hương nhận được sự chia sẻ, bày tỏ lòng yếu mến từ nhiều khán giả, trong đó có không ít khán giả trẻ. Điểm thuận lợi nhất của hai vợ chồng tôi khi tham gia đóng bộ phim đó là: Cả hai đã quá hiểu nhau rồi sẽ biết cách diễn thế nào cho ngọt ngào.

NSND Lan Hương luôn nghĩ mình là người “cổ” - Ảnh 2

 
Sự kết hợp cùng NSƯT Đỗ Kỷ trong "Nếp nhà" được coi là vai diễn "ngọt" nhất của NSND Lan Hương

Cuộc sống gia đình cũng như tính cách của hai chúng tôi cũng có nhiều điểm tương đồng với nhân vật mình thể hiện.

Nhưng cũng có cái khó là đôi khi, mình không thích tình cảm cá nhân được đưa lên màn hình, trước công chúng. Làm sao để giấu được sự ngượng ngập, riêng tư trong tình cảm cá nhân khi diễn cũng là một thử thách lớn.

- Vậy sau sự kết hợp hiếm hoi này, anh chị có định cùng “tái xuất” trong một dự án phim nào khác nữa không?

NSND Lan Hương: Hiện nay cũng có một dự án phim mới đang mời chúng tôi tham gia đóng vai một cặp vợ chồng nhưng tôi không nhận. Nếu có tham gia thì chúng tôi cũng sẽ không vào vai vợ chồng nữa.

Trừ những trường hợp hy hữu, vì lý do khách quan không từ chối được thì chúng tôi mới kết hợp trong phim với vai vợ chồng.

- Có khi nào chị thấy mình quá “cổ” và cứng nhắc không?

NSND Lan Hương:
Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người… “cổ” đấy chứ! Tuy nhiên, tôi không thấy điều đó có gì là không hay, nhất là khi điều đó nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ rất nhiều người xung quanh. Vậy thì tại sao chúng ta phải thay đổi nhỉ!

Từ xưa, các cụ đã có những lời răn dạy mà nếu không để ý, sẽ chỉ nghe cho “vui tai” thôi. Ví dụ những câu như: “Có công mài sắt, có ngày nên kim,” hay “Lạt mềm buộc chặt”… Thế nhưng, nếu chúng ta áp dụng vào cuộc sống, để rồi một thời gian sau ngoảnh đầu nhìn lại, sẽ thấy nó vô cùng sâu sắc. Qua những trải nghiệm của bản thân, tôi vô cùng thấm thía điều này.

Nhiều bạn trẻ cũng sẽ không đồng ý với quan điểm “cổ điển” đó bởi họ cho rằng trong xã hội hiện đại, cái “tôi” cá nhân là vô cùng quan trọng. Còn Lan Hương thì vẫn quan niệm: Sống là phải biết cho đi thì mới có thể được nhận lại!

- Phải chăng vì thế mà cuộc sống của Hương “bông” luôn tránh xa những scandal?

NSND Lan Hương:
Đúng vậy! Cũng giống như cha mẹ mình, tôi luôn tâm niệm, trong cuộc sống, mình phải là tấm gương cho con cháu.

Nhiều người thích cuộc sống ồn ào và cho những lối sống truyền thống là lỗi thời. Nhưng tôi lại thích cuộc sống bình yên, kín đáo hơn và không muốn làm phiền người khác.

Mỗi người có một lựa chọn riêng. Thế mới là cuộc sống!

“Tết của tôi rất Việt Nam

- Công việc bận rộn như vậy, thời gian nào chị dành cho gia đình?

NSND Lan Hương:
Thời gian dành cho gia đình của mình thường là vào các bữa cơm. Tôi có thói quen, nếu làm việc ở Hà Nội thì thường về nhà ăn cơm trưa và cơm tối.

Những lúc công việc “ngập đầu,” tôi luôn có đại gia đình bên cạnh động viên, giúp đỡ. Bởi vậy, mọi khó khăn trong cuộc sống, tôi đều có thể vượt qua.

Ở nhà mình, công việc được phân chia khá rõ ràng, ai bận sẽ được ưu tiên! Hai cậu con trai của mình cũng vậy, mọi thứ đều phải rất tự giác từ chuyện học tập tới giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Những sự chia sẻ đó sẽ giúp mọi người hiểu nhau hơn và mang lại sự ấm áp rất lớn trong gia đình.

Hơn nữa, khi mình cảm thấy yêu công việc và biết cách sắp xếp mọi thứ thì sẽ không thấy mệt. Tôi luôn cảm thấy rất thoải mái với công việc của mình.

Vào dịp Tết Nguyên đán, hầu như tôi không bao giờ phải đi công tác xa nhà nên sẽ dành toàn bộ thời gian đó chăm sóc gia đình.

- Việc đón Tết ở một gia đình nghệ sỹ như gia đình chị có khác gì với một gia đình bình thường không?

NSND Lan Hương: Tôi nghĩ là không (cười)! Cả tôi và ông xã đều rất thích những giá trị, phong tục truyền thống. Bởi vậy, việc đón Tết ở gia đình tôi cũng rất Việt Nam!

Thường thì, tối 30 Tết, sau khi chuẩn bị xong xuôi đồ lễ thắp hương đêm giao thừa, cả nhà sẽ đi xem bắn pháo hoa ở Bờ Hồ. Chúng tôi sẽ mua một cành lộc đầu xuân với hy vọng năm mới sẽ có nhiều tài lộc, niềm vui, may mắn.

Sau đó, cả gia đình sẽ về nhà cùng đón giao thừa. Khoảnh khắc thiêng liêng đó, mọi người sum vầy bên nhau; nhất là trong gia đình có ông bà, tất cả con cháu đều có mặt đông đủ để chúc phúc cho ông bà, cha mẹ.

- Trân trọng cảm ơn chị!