NSND Thu Hiền: Tôi hát bằng cả trái tim những ca khúc về Bác
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước cùng hướng về dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giọng ca của NSND Thu Hiền lại vang lên sâu lắng, dạt dào cảm xúc. Bà là một trong những nghệ sĩ thể hiện thành công nhiều tác phẩm về Bác.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Lao Động, NSND Thu Hiền xúc động kể lại những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về lịch sử dân tộc và những ca khúc đi cùng năm tháng.
Trong những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NSND Thu Hiền thể hiện nhiều ca khúc về Bác. Cảm xúc lớn nhất của bà khi hát về Bác?
- Tôi có may mắn được hát những bài ca ghi lại dấu mốc lịch sử của dân tộc. Khi đến gần những ngày lễ lớn, tôi vinh dự được cất cao tiếng hát ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi Đảng, ca ngợi sự hy sinh cao cả của thế hệ đi trước đã ngã xuống vì hòa bình dân tộc. Tôi luôn cảm thấy tự hào, xúc động.
Tên tuổi NSND Thu Hiền gắn liền với những tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau ngày đất nước giải phóng, cảm xúc của bà khi hát về Người có gì thay đổi?
- Thời gian đi qua, tôi càng thêm nhớ Bác, không thể nguôi ngoai. Ngày 30/4 là ngày chiến thắng, đất nước thống nhất. Đất nước hòa bình, đổi thay, cảm xúc trong tôi khi hát vẫn không hề vơi cạn. Phải có cảm xúc, tôi mới có thể truyền tải đến khán giả, về những năm tháng lịch sử không thể quên, từ đó khơi gợi lòng tự hào trong mỗi người dân Việt Nam.
Tôi sống trong giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, có lẽ vì thế mà tôi luôn hát say sưa. Tôi đi vào chiến trường từ rất sớm, không có may mắn được gặp Bác. Tôi có viết một bài thơ về Bác vào ngày Bác mất như thế này:
"Cả nước đau buồn nghe tin Bác mất
Không tin được dù đó là sự thật
Con đứng lặng nhìn ảnh Bác
Bác Hồ ơi!
Ôi đôi mắt mênh mông như ôm cả đất trời
Vị lãnh tụ người cha già yêu quý
Bác lại lên đường đi tìm chân lý
Cả một đời vì nước vì non
Bác, Bác ơi...…
Cả núi sông đất Việt vẫn đang còn
Lời Bác dặn chúng con ghi nhớ
Sự thật rồi sao con cứ ngỡ Bác vẫn còn
Ôi đó chỉ là mơ!
Kìa dải băng đen đã quấn quanh cờ
Con chết lặng với bao hàng nước mắt
Bác, Bác ơi...…
31 triệu chúng con xin siết chặt
Biến đau thương bằng sức mạnh thần kỳ
Vượt Trường Sơn con lại tiếp bước đi
Vì miền Nam - nửa trái tim ngày đêm Người thương nhớ".
Mỗi ca khúc viết về Bác có một giai điệu, nội dung, cảm xúc khác nhau. Tôi thường thể hiện những ca khúc mang màu sắc dân gian vùng miền, vì vậy tôi nắm rõ về văn hóa từng nơi, hiểu rõ từng danh từ, cách phát âm để thể hiện thành công mỗi tác phẩm. Tôi luôn hát bằng cả trái tim.
Năm 16 tuổi, NSND Thu Hiền hát bên bờ Hiền Lương. Ở độ tuổi đôi mươi, bà đi dọc Trường Sơn và các chiến trường ác liệt để hát cho bộ đội, đồng bào. Nhìn lại tuổi trẻ, có điều gì khiến bà nhớ mãi?
- Cách đây 3 ngày, tôi quay lại thăm cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. Khi tôi đi thuyền qua vĩ tuyến 17, tôi gặp một đoàn thiếu nhi cũng đang đi tham quan. Tôi đã kể cho các cháu câu chuyện tôi đứng hát bên bờ Hiền Lương, thôi thúc chiến sĩ lên đường chiến đấu. Sau khi gặp gỡ các cháu, tôi đi sang bên kia bờ và gặp một đoàn cựu chiến binh. Họ lại gọi: “Chị Thu Hiền ơi, chị hát một đoạn để chúng tôi nghe”. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi, như thể mọi ký ức năm xưa vẫn còn nguyên vẹn trong chúng tôi.
Khi xưa hát bên bờ Hiền Lương, tôi vẫn nhớ mình cầm cái loa hát sang bờ bên kia, phải hát thật to, thật hào hùng. Tôi hát hết bài này sang bài khác, có khi hát không đầu không cuối. Khi hát cho bộ đội nghe, tôi hay hát "Đường cày đảm đang", "Tiễn anh lên đường"... Ở chiến trường, chỉ cần 1 cây đàn, có khi chỉ hát cho 1 người lính, tôi vẫn hát miệt mài.
Những nghệ sĩ đi qua chiến tranh, thực sự chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh sẽ hát nhạc Cách mạng một cách sâu lắng, cảm xúc hơn. Đó có phải chất liệu làm nên tiếng hát của NSND Thu Hiền, khiến bà nhiều lần chưa hát đã bật khóc vì xúc động?
- Thời chiến tranh ác liệt, tôi hát nhiều cho bộ đội và cả thương binh. Có những người lính bị thương điều trị mà không có thuốc tê. Tôi hát để họ vượt qua cơn đau, thậm chí mổ sống. Có khi họ may mắn vượt qua được, có khi họ mất ở chiến trường. Dù đau đớn thế nào, trên môi họ vẫn nở nụ cười khi được nghe hát. Nhiều người lính nói rằng cứ nhìn thấy văn công đến hát, bao nhiêu vất vả mệt mỏi đều tan biến. Năm 1973, tôi hoạt động ở Quảng Trị, sau đó ra Cửa Việt, ra địa đạo Vịnh Mốc. Có lần, khi tôi đi có rất đông chiến sĩ, khi tôi về thì chẳng còn ai nữa, bị san phẳng hết rồi. Lúc ấy, tôi lại đứng khóc.
Thế rồi đoàn quân cứ nối tiếp. Đó là hình ảnh tôi không bao giờ quên.
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, NSND Thu Hiền từng là người chiến sĩ văn công, đi hát ở nhiều chiến trường, địa đạo. Có phải nhờ vậy mà bà luôn có cảm xúc mãnh liệt, nghẹn ngào khi hát về chủ đề Cách mạng?
- Những ca khúc ấy đã gắn liền với lịch sử, và nghệ sĩ là người chắp cánh những ca khúc đó. Để rồi đến hôm nay, khi nghe lại, mỗi người dân Việt Nam đều có cảm xúc khó tả. Đi qua chiến tranh, giờ đây tôi đã ngoài 70, đi hát hơn 60 năm, tôi không thể kể hết niềm vinh dự khi vẫn được đứng trên sân khấu. Năm 1975, tôi đứng ở Dinh Độc Lập hát mừng chiến thắng. Sau 50 năm, tôi vinh dự vì vẫn có thể hát “Bài ca thống nhất”, ca khúc do tôi thể hiện đầu tiên.
Khi dòng nhạc Cách mạng được khán giả trẻ quan tâm, lắng nghe nhiều hơn, nhiều ca sĩ trẻ cũng bắt tay vào làm mới, thể hiện lại những ca khúc này. Theo NSND Thu Hiền, điều gì khiến một nghệ sĩ có thể truyền tải cảm xúc, hát tốt những ca khúc Cách mạng?
- Thế hệ trẻ được học hành bài bản, chuyên môn tốt. Điều quan trọng nhất là các em phải nghiêm túc với nghệ thuật, phải tìm hiểu nhiều về lịch sử, lắng nghe và rút kinh nghiệm từ thế hệ đi trước. Nếu có sự nghiêm túc, các em sẽ hiểu, yêu và từ đó luôn có sự dâng trào khi hát những ca khúc ca ngợi quê hương đất nước.
NSND Thu Hiền và NSND Trung Đức được coi là cặp song ca thành công bậc nhất của dòng nhạc Cách mạng. Sau hơn 60 năm cùng đứng trên sân khấu, bà có thể chia sẻ về điều đã gắn kết bà và người bạn diễn thân thiết?
- Trung Đức cũng từng là người lính xông pha ở chiến trường. Giữa hai người lính, chúng tôi có sự thông cảm và kết nối. Bạn luôn lắng nghe, chịu khó học tập dù đi hát sau tôi khá lâu. Chúng tôi còn công tác ở cùng một nhà hát. Tôi cũng chia sẻ cho Trung Đức nhiều kinh nghiệm, và cùng nhau xây dựng hình ảnh một cặp song ca ăn ý. Phải thừa nhận, giọng hát của Trung Đức rất hợp với tôi, có gì đó rất mộc mạc, rất đặc trưng của người lính. Từ đó, chúng tôi hát đôi và may mắn được khán giả yêu thương, ủng hộ cho đến tận bây giờ.
(Theo Laodong.vn)

“Những nét vẽ từ trái tim” – khắc họa phẩm chất cao đẹp của Bác Hồ
Kinhtedothi - Bộ phim “Những nét vẽ từ trái tim” là một tác phẩm điện ảnh giàu ý nghĩa, phản ánh những phẩm chất cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các bức tranh tiêu biểu.

Nghệ An: khánh thành Tượng đài "Bác Hồ về thăm quê"
Kinhtedothi - Vào 20 giờ ngày 15/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh Nghệ An long trọng khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2025. Chương trình khai mạc Lễ hội Làng Sen năm nay sẽ có thêm nội dung đặc biệt là khánh thành Tượng đài "Bác Hồ về thăm quê".

Nghệ An: Khai mạc Lễ hội Làng Sen và khánh thành Tượng đài Bác Hồ về thăm quê
Kinhtedothi - Tối 15/5, tại Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An), Bộ Công An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2025 và khánh thành Tượng đài Bác Hồ về thăm quê.