Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

NSND Trà Giang mang vẻ đẹp kinh điển

Mi Lan/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

Vẻ đẹp dung dị nhưng mạnh mẽ, kiên cường trong những vai diễn của NSND Trà Giang được ví như biểu tượng cho hình ảnh phụ nữ Việt Nam một thời.

NSND Trà Giang trong phim "Chị Tư Hậu". Ảnh: Tư liệu
NSND Trà Giang trong phim "Chị Tư Hậu". Ảnh: Tư liệu

NSND Trà Giang có loạt vai diễn để đời trong những thước phim kinh điển, tiêu biểu nhất phải kể đến “Chị Tư Hậu” (đạo diễn Phạm Kỳ Nam) và “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (đạo diễn, NSND Hải Ninh).

Vẻ đẹp kinh điển của chị Tư Hậu

Năm 1962, NSND Trà Giang nhận vai Tư Hậu trong bộ phim “Chị Tư Hậu”. Đây là bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam do đạo diễn Phạm Kỳ Nam thực hiện.

Đạo diễn Phạm Kỳ Nam thuộc thế hệ những đạo diễn đầu tiên của miền Bắc được đào tạo bài bản ở nước ngoài, ông bắt đầu sự nghiệp với bộ phim “Chung một dòng sông” và đây là tác phẩm đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. “Chung một dòng sông” là tác phẩm đặt viên gạch đầu tiên mở ra thời kỳ huy hoàng cho điện ảnh cách mạng.

“Chị Tư Hậu” là những thước phim đen trắng nhưng gây kinh ngạc cho khán giả với những trường đoạn thể hiện diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật Tư Hậu.

Trong trận càn, Tư Hậu bị một sĩ quan người Pháp làm nhục. Trường đoạn Tư Hậu chạy dọc theo bờ sông muốn quyên sinh được đặc tả ấn tượng với loạt cú máy đảo chiều liên tục, âm thanh dồn dập theo từng bước chạy của Tư Hậu.

Những cú máy đặc tả tâm lý nhân vật của đạo diễn Phạm Kỳ Nam tạo nên tính kinh điển khi khắc họa vẻ đẹp, sự biến chuyển trong cảm xúc của nhân vật Tư Hậu.

Ở “Chị Tư Hậu”, Trà Giang đẹp trong từng phân cảnh, mỗi phân cảnh là một vẻ đẹp khác nhau. Vẻ đẹp của người mẹ dung dị, đời thường. Vẻ đẹp của cả nỗi đau đớn, giằng xé trong mối quan hệ với chồng, vẻ đẹp của sự chờ đợi, vẻ đẹp trong những bước ngoặt cảm xúc, trong sự thay đổi về nhận thức và hành động... đến cuối cùng, bừng tỏa là vẻ đẹp mạnh mẽ, can trường khi Tư Hậu trở thành người của cách mạng.

Mỗi vai diễn của NSND Trà Giang đều tái hiện hình tượng phụ nữ Việt Nam kiên cường, mạnh mẽ thời chiến. Ảnh: Nhà làm phim cung cấp
Mỗi vai diễn của NSND Trà Giang đều tái hiện hình tượng phụ nữ Việt Nam kiên cường, mạnh mẽ thời chiến. Ảnh: Nhà làm phim cung cấp

Hơn 60 năm đã trôi qua, “Chị Tư Hậu” vẫn khiến khán giả chưa hết kinh ngạc với cách kể chuyện, dàn dựng, sử dụng âm nhạc và hiệu ứng góc máy của đạo diễn, cũng chưa hết kinh ngạc với khả năng diễn xuất của NSND Trà Giang.

Mỗi vai diễn một vẻ đẹp

Với mỗi vai diễn, NSND Trà Giang đều tạo nên một biểu tượng với vẻ đẹp kinh điển của phụ nữ Việt trong những năm tháng gian lao, khó khăn nhất.

Ở “Chị Tư Hậu”, nhân vật Tư Hậu mang tính điển hình của phụ nữ thời chiến đã vượt lên hoàn cảnh, vượt lên những đau thương mất mát, càng trong gian lao đau khổ, họ ngày càng mạnh mẽ, kiên cường, không kẻ thù nào có thể khuất phục.

NSND Trà Giang trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Ảnh: Nhà sản xuất
NSND Trà Giang trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Ảnh: Nhà sản xuất

“Chị Tư Hậu” giành giải Bạc tại LHP Quốc tế Moscow năm 1963 và đoạt Bông Sen Vàng của Liên hoan phim Việt Nam lần 2 năm 1973.

Năm 1972, NSND Trà Giang có thêm vai diễn kinh điển trong bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” của đạo diễn NSND Hải Ninh. Phim được thực hiện giữa bối cảnh Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc.

Những câu chuyện về “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” đã trở thành giai thoại bất hủ của một thời làm phim trong mưa bom lửa đạn. Vượt lên tất cả, mỗi thước phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” tái hiện chân thực cuộc chiến tranh vệ quốc kiên cường của dân tộc.

NSND Trà Giang vào vai Dịu. Sau khi tiễn chồng ra Bắc tập kết, Dịu ở lại chứng kiến những đau thương, lầm than diễn ra ở làng cát. Sâu bên trong hình ảnh một phụ nữ dung dị, dịu dàng lại là vẻ đẹp không ai ngờ tới, sự mạnh mẽ được hun đúc, tôi luyện từ trong gian khó, đau khổ, đã giúp Dịu can trường, góp sức cho cách mạng trong cuộc chiến trường kỳ đằng đẵng.

Hình ảnh Dịu sinh con trong nhà tù đã tạo nên thước phim kinh điển cho một tác phẩm chiến tranh xuất sắc bậc nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Dịu là biểu tượng cho sức mạnh bền bỉ, ý chí đấu tranh kiên cường phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc. Càng đau thương mất mát càng tôi luyện nên ý chí quật cường, càng tạo nên vẻ đẹp bất khuất cho họ.

“Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” trở thành tác phẩm xuất sắc không chỉ nhờ kịch bản, câu chuyện chân thực, sinh động, còn nhờ sự góp sức bởi diễn xuất bậc thầy của 2 nghệ sĩ là Trà Giang và Lâm Tới (vai Trần Sùng).

NSND Trà Giang sinh năm 1942, trong suốt hành trình gắn bó với nghiệp diễn, bà đã tạo nên những biểu tượng điện ảnh trong những tác phẩm kinh điển. NSND Trà Giang đoạt nhiều giải thưởng lớn về diễn xuất từ quốc tế đến Việt Nam.

NSND Trà Giang từng là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa V, VI, VII. Bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1984 và là diễn viên điện ảnh đầu tiên được phong tặng danh hiệu này.