Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

NSƯT Chí Trung: Vẫn phải đi hai chân đều nhau

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vừa được giao chức Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, nhưng Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Chí Trung đã phải đưa ra những quyết định không mấy dễ dàng trong cuộc đời làm sân khấu của mình. Có vẻ như đây là giai đoạn khó khăn nhất của "ông vua" hài xứ Bắc.

NSƯT Chí Trung được biết đến nhiều nhờ khả năng dựng và diễn hài kịch. Nhà hát Tuổi trẻ cũng từng "hốt vàng" nhờ series chương trình "Đời cười". Nhưng gần đây, anh cùng các nghệ sĩ lại tập trung phục dựng những vở chính kịch như: "Lời thề thứ 9", "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Mùa hạ cuối cùng". Phải chăng sân khấu đã "đổi ngôi"?

- Sân khấu không "đổi ngôi". Hài kịch vẫn là "món ăn" khán giả yêu thích hơn cả chính kịch, bởi họ muốn xem những cái không cần phải suy nghĩ. Nhưng khi hài kịch trở thành "mốt" để cả làng sân khấu cùng dựng, giống như cả dãy phố cùng bán một loại thời trang ưa chuộng thì đã không còn là món ăn hay. Lý do thứ 2 chúng tôi tập trung dựng các vở chính kịch là vì trong quá trình làm hài kịch kiếm tiền, tôi chợt nhận ra chúng tôi đánh mất diễn viên. Hài kịch chỉ cần nhả hai chữ là có hiệu quả, không khí hài kịch dễ dãi, câu thoại không cần đào sâu suy nghĩ nhiều tầng của câu nói. Trong khi diễn kịch cổ điển, nói thoại cả 2 trang vẫn chưa có hiệu quả. Cuối năm 2012 khi bắt đầu tập vở "Lời thề thứ 9", diễn viên đoàn tôi không nói nổi nửa trang. Điều đó càng thôi thúc tôi phải dựng bằng được các vở chính kịch để rèn luyện diễn viên của mình. Và sự thực là sau khi dựng xong vở diễn, các diễn viên trẻ đã vỡ ra rất nhiều vấn đề.

NSƯT Chí Trung: Vẫn phải đi hai chân đều nhau - Ảnh 1

Một cảnh trong vở kịch "Lời thề thứ 9"

Đó là mục đích bên trong, còn hiện thực bên ngoài là tình hình bán vé của các vở chính kịch này như thế nào?

- Năm 1989, Nhà hát Tuổi trẻ đã dàn dựng "Lời thề thứ 9". Nhờ vở diễn mà chúng tôi đã chu du khắp nơi với 350 suất diễn. Có đêm diễn ở Nha Trang, bão đánh tan cả mái nhà hát nhưng khán giả vẫn ngồi chăm chú theo dõi. Đến Hải Phòng, Đắc Lắk, khán giả xếp hàng từ 8 giờ sáng để mua vé vào xem. Thời đó, tôi còn nhớ mãi hình ảnh của Thành Lộc, Hồng Vân, Việt Anh... đứng nép cánh gà, nhìn chúng tôi ứa nước mắt vì sân khấu miền Bắc vĩ đại quá. Thế nhưng, bây giờ, sau hơn một năm dựng lại "Lời thề thứ 9", Nhà hát Tuổi trẻ chỉ diễn được 40 suất. Đưa tác phẩm vào Quy Nhơn, Đà Nẵng chúng tôi đều lo ngay ngáy, vì điều đau đớn nhất của thời nay là những tác phẩm tử tế không bán được, cho dù kịch bản của anh Lưu Quang Vũ vẫn còn nguyên tính thời sự.

Thông tin từ tháng 7/2013, Nhà hát Tuổi trẻ phải đóng điểm diễn tại Rạp Thanh niên vì vắng khán giả, có phải là sự thực không, thưa anh?

- Đó là sự kiện buồn nhất trong cuộc đời làm sân khấu của tôi. Thế nhưng, trước thực tế mỗi buổi diễn, dù là tối thứ Bảy chúng tôi chỉ thu hút chưa được 100 khán giả thì không thể duy trì mãi 2 điểm diễn. Nhiều năm nay, chúng tôi luôn phải bù lỗ cho Rạp Thanh Niên. Chính vì vậy, tôi quyết định thông báo với Ban Quản lý rạp xin ngừng diễn tạm thời 3 tháng để tập trung phát triển Rạp Tuổi trẻ, với hy vọng khán giả sẽ lại đến đông và rực rỡ như ngày nào. Nhưng nghe có vẻ đó chỉ là giấc mơ của... ông lão đánh cá.

Một người nhạy bén với thị trường như Chí Trung mà cũng bi quan trước tình hình sân khấu như vậy. Có khi nào anh tự hỏi phải chăng sân khấu chưa thật sự đi đúng đường nên mới rơi vào tình trạng hiện nay?

- 20 năm trước, tôi nổi tiếng với hình ảnh đưa hài kịch diễn khắp các sân vận động, khu vui chơi công cộng, cốt chỉ để kéo khán giả về với sân khấu. Tôi không ngần ngại đến từng gia đình để tiếp thị, bán vé dù lúc đó đã có vị trí nhất định trong nghề. Thế nhưng lúc ấy, khán giả còn ít loại hình giải trí. Bây giờ, họ có quá nhiều lựa chọn khác. Khán giả bây giờ là ai, có gu như thế nào, tôi chịu và cảm giác mình như đấm vào bị bông.

Nỗ lực thành lập CLB người yêu sân khấu của anh có giúp ích được gì trong việc lôi kéo khán giả trở lại với sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ?

- Hiện nay, CLB đã làm được 1.000 thẻ hội viên, các hội viên được ưu tiên để cùng tham gia các hoạt động của Nhà hát. Sắp tới, tôi có tham vọng mở thêm CLB Mây hồng cho thiếu nhi, để có thể vừa sinh hoạt và học diễn xuất tại nhà hát, và tham vọng xa hơn là lớp học cho thanh niên. Tuy nhiên, phải thừa nhận là mọi hoạt động đều khó khăn trong khâu tìm khán giả.

Giả sử, lần này khán giả lại thích chính kịch của Nhà hát Tuổi trẻ, liệu Chí Trung có bỏ diễn hài kịch?

- Nếu các vở chính kịch thành công, tôi vẫn phải quay lại hài kịch. Bởi suy cho cùng hài kịch là phương tiện dễ tiếp cận khán giả. 100 khán giả đến thì vẫn 95 người muốn xem những gì dễ cười, không phải suy nghĩ. Tôi vẫn phải đi 2 chân đều nhau, nếu đi lệch là người bị tật.

Xin cảm ơn anh!