Với vai trò là Giám đốc sản xuất, tham mưu đề xuất với các cấp về nội dung và ê kíp thực hiện lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31, NSƯT Thanh Hiền đã chia sẻ những câu chuyện hậu trường để làm nên một buổi lễ hoành tráng, ấn tượng tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình vào tối 12/5 vừa qua.
Chắc ít ai nghĩ một nhà hát chỉ quen với biểu diễn với công việc biểu diễn các con rối, lại dám nhận nhiệm vụ là đơn vị tổ chức thực hiện, đề xuất lên Bộ VHTT&DL, UBND TP Hà Nội và tiếp sau là Sở VH&TT Hà Nội chọn lựa tổng đạo diễn và nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu và các ê kíp phục vụ cho chương trình Lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31.
“Nhà hát múa Rối Thăng Long từng giữ kỷ lục “Nhà hát duy nhất châu Á đạt kỷ lục diễn rối nước 365 ngày/năm” nhưng chưa từng tổ chức các sự kiện tổ chức biểu diễn lớn. Trong 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, các chương trình biểu diễn bị đình trệ nên nghệ sĩ gặp khó khăn. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu Nhà hát cần phải năng động hoạt động ở nhiều lĩnh vực biểu diễn. Và việc đảm nhiệm tổ chức lễ kỷ niệm 120 ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc là khởi đầu cho nhiệm vụ mới này của Nhà hát và cũng là bước đệm tạo sự tin tưởng cho nhiệm vụ đơn vị tổ chức thực hiện Lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31” - NSƯT Thanh Hiền – Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long chia sẻ.
Bắt đầu từ đầu tháng 3/2022, nghĩa là chỉ còn khoảng 45 ngày sẽ diễn ra Lễ khai mạc SEA Games 31, Nhà hát nhận được nhiệm vụ là đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất chương trình khai mạc và bế mạc Đại hội. Trong khi với tầm vóc của chương trình này đòi hỏi từ 6 tháng đến một năm chuẩn bị. Với vai trò Giám đốc sản xuất, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long phải “cân não” để đề xuất lãnh đạo Bộ VHTTDL, Sở VHTT Hà Nội mời ê kíp sáng tạo chất lượng nhất. “Chúng tôi đã đong đếm, mời chào và có những trao đổi với một số ê kíp sản xuất, tổng đạo diễn. Nhưng sau khi cân nhắc thì mời NSƯT Trần Ly Ly – quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn với vai trò Tổng đạo diễn cho chương trình là hợp lý nhất” - NSƯT Thanh Hiền – Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long bày tỏ.
Bởi vì, là nhà quản lý nên NSƯT Ly Ly có tầm nhìn bao quát, có khả năng gắn kết các nhóm thực hiện để tạo nên chương trình xuyên suốt, nhịp nhàng vừa đảm bảo giữ vững bản sắc văn hóa nhưng vẫn đưa được yếu tố đương đại và hội nhập quốc tế. Đạo diễn sân khấu Hoàng Công Cường cũng là một gương mặt đạo diễn tài năng, nhiều ý tưởng, có khả năng nắm bắt công nghệ hiện đại và đón được xu hướng của khán giả.
Thực tế chứng minh, từ khi tâp luyện đến khi chính thức diễn ra khai mạc, các nghệ sĩ chỉ có hơn 30 ngày để hoàn tất các công việc từ lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, tập luyện... Để rồi, sau chương trình Lễ khai mạc, không chỉ truyền trong nước đánh giá cao mà truyền thông các nước ASEAN cũng như những hãng thông tấn hàng đầu thế giới đưa tin đậm nét và có những nhận xét nể phục về chương trình khai mạc sự kện SEA Games của Việt Nam.
Nhật báo Straits Times của Singapore có bài viết thể hiện sự ngưỡng mộ, ấn tượng về Lễ khai mạc SEA Games 31. “Lễ khai mạc SEA Games 31 có hơn 1.000 nghệ sĩ biểu diễn. Tất cả trình diễn trên một bối cảnh ấn tượng được hỗ trợ bởi công nghệ thực tế ảo tiên tiến và hiện đại. Màn trình chiếu của 11 quốc gia Đông Nam Á tham dự, cũng như biểu tượng cho 40 bộ môn thể thao tranh tài tại Đại hội, được thể hiện theo phong cách tranh dân gian Đông Hồ truyền thống của Việt Nam” -nhật báo Straits Times ghi.
Không ngủ lâu trong niềm vui mừng về việc tổ chức thành công Lễ Khai mạc, hiện nay NSƯT Thanh Hiền lại tiếp tục lo lắng cho công tác chuẩn bị tổ chức Lễ bế mạc SEA Games diễn ra vào 23/5 tại Cung Điền kinh. Đây sẽ là một chương trình mang đậm tinh thần thể thao và có sự trẻ trung hơn Lễ khai mạc.
"Đội ngũ sản xuất và thực hiện Lễ bế mạc vẫn gần như giữ nguyên như đêm khai mạc. Nếu Lễ khai mạc đem đến cảm nhận về một Việt Nam hấp dẫn, giàu truyền thống văn hóa, thân thiện, hiếu khách, cùng các quốc gia Đông Nam Á tỏa sáng mạnh mẽ thì Lễ bế mạc hứa hẹn sẽ có nhiều phần trình diễn nghệ thuật hiện đại, bùng nổ hơn để tạo dấu ấn về Việt Nam và SEA Games 31” - NSƯT Thanh Hiền cho hay.