Nữ chuyên viên 2 lần nhận hối lộ trong vụ án "chuyến bay giải cứu"
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2 về các tội Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Che giấu tội phạm.
Trong số các bị can bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ” có Lê Thị Phượng (SN 1969), nguyên chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương.
Bà Phượng bị cáo buộc đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thoả thuận nhận hối lộ 650 triệu đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Hải Dương ban hành 2 công văn chấp thuận cách ly y tế cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại du lịch Sora (Công ty Sora) và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Quốc tế Biển Bạc (Công ty Biển Bạc).
Theo kết luận điều tra, khoảng đầu tháng 6/2021, sau khi được Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Hàng không Minh Ngọc nhờ xin cấp phép tổ chức chuyến bay cho Công ty Sora, Công ty Biển Bạc, Bùi Huy Hoàng đã liên hệ với Phượng để nhờ xin công văn chấp thuận cách ly y tế của UBND tỉnh Hải Dương cho công dân về nước trên các chuyến bay của 2 Công ty trên và Phượng đồng ý.
Từ tháng 6/2021 đến cuối tháng 11/2021, Hoàng đã 2 lần đưa tiền cho Phượng tổng cộng 650 triệu đồng để Phượng giúp Công ty của Hồng có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Hải Dương đồng ý cho công dân nhập cảnh được cách ly y tế tại tỉnh Hải Dương.
Cụ thể, lần thứ nhất vào ngày 8/6/2021, Phượng nhận 300 triệu đồng từ Hoàng tại nhà riêng để xin công văn chấp thuận cho 158 công dân về nước trên chuyến bay của Công ty Sora, cách ly tại khách sạn Kim Sơn, TP Hải Dương. Sau đó, Phượng đã đề xuất và được lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương ký duyệt công văn chấp thuận cho khách sạn Kim Sơn đón đoàn khách về thực hiện cách ly y tế.
Lần thứ hai, ngày 23/11/2021, tại phòng làm việc, Phượng đã nhận của Hoàng 350 triệu đồng để đề xuất UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cách ly cho 425 công dân về nước trên 2 chuyến bay dự kiến tổ chức vào tháng 12/2021 và tháng 1/2022 của Công ty Biển Bạc.
Bà Phượng sau đó đã đề xuất và được lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương ký duyệt công văn chấp thuận cho số công dân về nước trên chuyến bay của Công ty Biển Bạc.
Đáng chú ý, do Hồng không tổ chức chuyến bay nên Hồng đề nghị Hoàng trả lại tiền chi phí xin công văn của UBND tỉnh Hải Dương. Hoàng đã đề nghị Phượng trả lại tiền như thỏa thuận từ trước, nhưng Phượng chỉ trả lại 50 triệu đồng. Số tiền này, Hoàng nhờ em trai đến gặp Phượng nhận lại, tiền sau đó chuyển lại cho Hoàng.
Tổng cộng, bà Phượng nhận hối lộ 650 triệu đồng để giúp Công ty của Võ Thị Hồng có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Hải Dương đồng ý cho công dân nhập cảnh được cách ly y tế tại tỉnh.

Xử lý vụ chuyến bay giải cứu "đúng người, đúng hành vi vi phạm"
Kinhtedothi - "Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, không bao che, không có vùng cấm," Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.

Số bị can vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu có thể còn tăng
Kinhtedothi - Theo Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an, cơ quan điều tra phấn đấu kết thúc điều tra vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu trong quý 1/2023, nhiều khả năng số bị can sẽ tăng.

Khách đi trên chuyến bay giải cứu có phải là bị hại, có được bồi thường?
Kinhtedothi – Trong các chuyến bay giải cứu, hàng nghìn người dân đã phải trả các chi phí cao gấp nhiều lần so với chi phí thông thường. Vậy các hành khách này có được xác định là bị hại và có được bồi thường hay không?