Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nụ cười sẽ nở khi công chức xem mình là công bộc của dân

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là việc người dân ra xã, phường làm các thủ tục chứng thực các loại đã thuận tiện hơn rất nhiều so với mươi năm trước. Dân không còn bị “hành” và thời gian đi lại cho nhiều yêu cầu không cần thiết đã giảm. Tất cả là nhờ có Bộ phận một cửa, nhờ cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Cho đến nay, văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính Nhà nước đã là một khái niệm rất gần gũi trong đời sống xã hội của mọi người dân. Đây là cả một quá trình phấn đấu kiên trì và bền bỉ. Nói cho thật chính xác thì phải kể từ khi Chính phủ ban hành Quyết định 94/2006/QĐ-TTg về kế hoạch Cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2006 - 2010. Song để thực hiện CCHC, chúng ta phải đi từ văn hóa công sở của mọi công chức nơi cơ quan công quyền... Và như vậy, phải đến tháng 8/2007, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành tiếp Quy chế 129/2007/QC-TTg nhằm thực hiện văn hoá công sở. Đến nay, có thể nhìn nhận Hà Nội đã và đang trở thành một trong những điểm sáng của cả nước trong việc thực hiện quy chế này.
Tôi đã từng đi làm thủ tục một số công việc ở các công sở từ cấp phường cho đến nhiều cấp sở, ngành của Hà Nội nên cũng không quên những cảnh khó chịu. Đã có lần phải đi đi lại lại xin nhận kết quả mà vẫn chưa xong, rồi lại bị hẹn tiếp chỉ vì sếp của họ” chưa ký (!)”. Nhiều khi, tôi lại làm cái phong bì, cho nhân viên văn thư và hay nhất lại là được... đúng hẹn! Việc làm đó khiến công bộc của dân bị hư.

Nhờ có quy chế văn hóa ứng xử nơi công sở mà Nhà nước ban hành, công chức có nhiệm vụ tiếp dân cũng đã có thay đổi lớn và căn bản từ lời nói đến hành vi. Nụ cười của công bộc với người dân đã không phải là thứ xa xỉ. Sự thân thiện cởi mở của chính quyền với DN, với người dân đã được tạo lập ít nhiều.

Ngày nay, TTHC của Bộ phận một cửa rất văn minh, hiện đại. Nó đã giúp cho bộ máy công quyền nói chung khó có thể sách nhiễu dân một cách không đáng có như trước đây. Không phải chỉ có UBND phường, quận nơi tôi cư trú như UBND phường Khương Mai, quận Thanh Xuân mới đổi mới như vậy mà ở những nơi tôi đã đến như Phòng Cảnh sát Trật tự Hành chính Công an TP (đường Phạm Ngọc Thạch) để xin làm lại Thẻ căn cước công dân vì bị mất hay làm Hộ chiếu phổ thông, hoặc xin làm thủ tục bảo hiểm xã hội khi nghỉ hưu tại quận Thanh Xuân hoặc làm thủ tục chuyển Đảng ở Quận ủy Thanh Xuân..., đều giải quyết nhanh gọn lẹ và thái độ phục vụ cũng rất dễ chịu. Tôi có người nhà đi làm thủ tục để cấp Sổ đỏ, nghe lúc đầu tưởng đây là “cửa ải” vốn rất mệt mỏi, nhưng hoá ra rất đơn giản và nhanh chóng. Tất cả là nhờ Bộ phận một cửa.

Nhưng trong số những gì người dân tỏ ra chưa hài lòng, đó là lĩnh vực thanh tra xây dựng. Đâu đó vẫn có những phàn nàn không hay. Song, hình như cũng chưa mấy ai tự hỏi mình, trong quá trình thực hiện xây dựng, sửa chữa công trình, mình đã làm đúng quy định hay chưa mà đã vội trách người thừa hành công vụ?

Và còn nữa, hình như tại nhiều cơ quan vẫn chưa cho trang bị một thứ công cụ rất giản đơn và ít tiền, đó là cái hộp có nút bấm tự đánh giá mức độ hài lòng của người dân sau khi làm thủ tục? Từ đó, cơ quan quản lý có thể nắm chắc hơn về thái độ và tinh thần làm việc của đơn vị mình để có thể kịp thời chấn chỉnh cho tốt hơn. Tôi nhớ không lầm thì cả chục năm trước, tại Quận 1 của TP Hồ Chí Minh, dù chưa ai yêu cầu thì họ cũng đã tự thực hiện và quả là rất hay . Hy vọng qua hình thức bấm nút nói trên, mọi thứ sẽ trở nên tích cực và hoàn hảo.

Chúng ta hy vọng mọi thứ đều tốt hơn một khi mọi công chức, viên chức Nhà nước đều nghiêm túc thực hiện quy chế văn hóa ứng xử nơi công sở.