Nữ sinh khiếm thị với ước mơ trở thành nhà tâm lý học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sôi nổi, tự tin và tràn đầy niềm yêu cuộc sống là nhận xét của bất cứ ai khi đã từng một lần được tiếp xúc với Lê Hương Giang.

Lần đầu tiên gặp Hương Giang tại cuộc thi “Khoa học và Kỹ thuật Intel ISEF” dành cho học sinh THPT TP Hà Nội được tổ chức vào tháng 3/2012, ấn tượng của tôi về Giang là một cô học sinh lớp 10 trường THPT Thăng Long sôi nổi, tự tin và tràn đầy niềm yêu cuộc sống. Như bao bạn học sinh mắt sáng khác tham gia cuộc thi, Giang chủ động chuẩn bị gian hàng cho mình, tự tin đứng trước đám đông nói về ý tưởng, giải pháp, sáng chế khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, nâng cao đời sống cho người khiếm thị trên toàn thế giới. Nghị lực vượt khó của Hương Giang đã khiến tôi muốn tìm hiểu để biết thêm nhiều hơn về cô học sinh này.

Không đầu hàng số phận

Ngược miền ký ức trở về thời thơ ấu, Giang kể cho tôi nghe về cuộc đời mình với những mốc thời gian gắn với những bước ngoặt lớn trong đời để cô có thể là Hương Giang của ngày hôm nay tự tin và tràn đầy sức sống. Ông trời đã không cho Giang đôi mắt sáng ngay từ khi chào đời. Dù đã được gia đình hết lòng chạy chữa nhưng đôi mắt Giang cứ dần mờ đi và chìm trong bóng tối.

 
Lê Hương Giang cùng các cô giáo trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.
Lê Hương Giang cùng các cô giáo trường Nguyễn Đình Chiểu.
Vậy mà Giang vẫn nói với tôi rằng “em may mắn hơn những bạn khiếm thị khác chị à” bởi không giống những bạn bị khiếm thị bẩm sinh,  những ngày tháng học mẫu giáo, Giang vẫn có thể nhìn, có thể cảm nhận được rất nhiều những gam màu khác nhau của cuộc sống và hòa đồng với các bạn trong những trò chơi.

Giang bắt đầu nhận thấy sự khác biệt khi lên bậc tiểu học. Khi đó, để đọc sách, Giang phải nhờ sự hỗ trợ của cặp kính phóng đại và một chiếc kính lúp bởi thị lực chỉ đạt 1/10. Mọi việc trở nên tồi tệ cho đến khi Giang bước chân vào môi trường học tập mới ở trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Giang nhớ lại: “Môi trường mới, thầy cô mới, bạn mới với phương pháp học tập mới đã khiến em gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Hơn nữa, em phải làm quen với bóng tối bởi mắt không còn nhìn thấy gì nữa. Không hòa nhập được với các bạn, em bắt đầu thu mình lại, ít nói chuyện hơn. Vào giờ nghỉ, hầu như em chỉ ở khu nội trú”.

Đã có lúc Giang chán nản, suy sụp khi nghĩ con đường học hành của mình có thể phải dừng lại nhưng đến đầu lớp 9, nhờ sự giúp đỡ của các anh chị khóa trên, Giang bắt đầu tham gia các hoạt động ngoại khóa như văn nghệ, lớp nghệ thuật, viết báo của trường… và dần khẳng định mình.

Học hết THCS, Giang tiếp tục theo đuổi việc học với quyết định trở thành học sinh trường THPT Thăng Long, nơi mà chỉ có mình cô là học sinh khiếm thị. Đây là một quyết định mà không phải bất kỳ một học sinh khiếm thị nào cũng dám thực hiện bởi quá khó để một học sinh khiếm thị vốn học tập trong một môi trường chuyên biệt với những học sinh đồng tật hòa nhập được trong môi trường học tập cùng với bao học sinh bình thường khác. Vậy mà Giang không những đã thực hiện được mà còn thực hiện rất tốt mục tiêu mà mình đã vạch ra khi theo đuổi ước mơ được tiếp tục học tập. 3 năm liền Giang đạt học sinh giỏi. Tổng kết 3 năm học THPT, Giang thở dài tiếc nuối vì chỉ còn 1 xíu nữa thôi, cô đã có thể chạm tới danh hiệu học sinh xuất sắc bởi chỉ đạt điểm tổng kết 8,9.

Không chỉ nỗ lực trong học tập, Giang tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa và trở thành Chủ tịch CLB Phóng viên của trường. Cũng từ đó, Giang bắt đầu tham gia cộng tác cho chương trình “Niềm tin ánh sáng” của VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Điều ước giản dị

Gặp lại Giang sau hơn 2 năm, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ngôi trường mà Giang đang theo học năm thứ nhất Khoa Tâm lý học, Giang kể cho tôi nghe về những việc mà cô đã làm, những nơi mà cô đã đến, những con người mà cô đã gặp trong suốt quãng thời gian qua.

Cuộc thi Intel ISef 2012 với ý tưởng chế tạo ra máy phân biệt mệnh giá, tiền thật tiền giả và phát ra lời nói dành cho người khiếm thị đã mở ra cho Giang khá nhiều cơ hội mới. Giải Ba toàn quốc và giải Nhì toàn ngành đã giúp Giang bước đầu hiện thực hóa được ước mơ trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý khi được tuyển thẳng vào trường Đại học KHXH&NV. Tiếp đó, Giang vinh dự được cử đi tham dự cuộc thi “Thách thức Công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu năm 2012” tại Incheon Hàn Quốc cùng ba bạn học sinh khuyết tật khác. Chia sẻ về những cảm nhận của bản thân trong 5 ngày tại xứ sở kim chi, Giang nói: “Không có bất kỳ sự trợ giúp nào, bọn em phải chứng minh được rằng, bản thân mình có thể tự xoay sở, tự lập, không phụ thuộc vào người khác. Các bạn giúp em có thể nhìn thấy quang cảnh xung quanh mình bằng những hình dung. Em đưa các bạn đi bằng đôi chân mình. Đất nước Hàn Quốc thật xinh đẹp, em thích cái lạnh ở đó và đã gặp được những người bạn tuyệt vời đến từ 80 quốc gia trên thế giới” – Giang kể lại.

Khi được hỏi, điều gì đã giúp Giang vượt qua khó khăn để vươn lên, Giang trả lời, đó chính là niềm tin. Niềm tin chính là thứ tài sản quý giá nhất trong hành trang của Giang. Không ai khác, chính bố mẹ là những người đã truyền cho Giang niềm tin đó, giúp cô tự tin vào bản thân mình. Thầy cô, bạn bè đã thổi bùng lên trong Giang ngọn lửa đam mê trên con đường tiếp thu tri thức… và điều quan trọng nhất, Giang đã không ngừng ước mơ, không ngừng cố gắng và vào những thời điểm khó khăn nhất, cô đã không bỏ cuộc. Để rồi, trong những chuyến đi từ thiện, cô nữ sinh 19 tuổi này đã mang chính câu chuyện của mình đến những vùng sâu xa của Tổ quốc để chia sẻ với các bạn khuyết tật, các bạn có hoàn cảnh khó khăn, các bậc phụ huynh không may có con em là người khuyết tật. Với Giang, niềm hạnh phúc nhất là khi nhận được những cái ôm cùng lời cảm ơn của các bạn vì đã giúp họ nói lên tiếng nói chung của người khuyết tật, giúp họ vững tin hơn vào bản thân và dám hy vọng vào một sự thay đổi… Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao, Hương Giang – một cô học sinh khiếm thị được biết đến qua các cuộc thi khoa học – kỹ thuật, công nghệ - thông tin lại khát khao trở thành một chuyên gia tư vấn tâm lý đến vậy.

Đối với một người khiếm thị, những gì mà cô nữ sinh khiếm thị này đã làm được trong suốt 19 năm qua là một điều kỳ diệu. Nhưng với Giang, đó mới chỉ là những bước đi đầu tiên trên con đường chinh phục ước mơ. Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Giang nói: “Trước mắt, em sẽ thực hiện nốt ươc mơ còn dang dở là trở thành nhà tâm lý. Tiếp tục tham gia các phong trào từ thiện, đến nói chuyện với các bạn khuyết tật ở vùng sâu vùng xa. Tiếp đó, ước mơ lớn nhất của em là được đi du học. Em muốn đến Pháp – thiên đường của người khuyết tật để học tập. Và hy vọng, khi trở về nước, em có thể làm điều gì đó có ý nghĩa cho các bạn khuyết tật ở Việt Nam”.

Tôi tin rằng, đối với cô nữ sinh xinh đẹp, tài năng và giàu nghị lực này, mọi ước mơ đều có thể thành hiện thực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần