Nữ tài xế taxi “chặt chém” du khách: Đừng để con sâu làm rầu nồi canh

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh tra Sở GTVT Hà Nội vừa lập biên bản xử phạt hành chính 13,5 triệu đồng với một nữ tài xế taxi “chặt chém” khách du lịch nước ngoài.

Dù cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý kịp thời, song những “con sâu làm rầu nồi canh” này cũng làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Thủ đô, nhất là đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19.

Người lái chiếc xe taxi “chặt chém” khách du lịch bị phạt 13,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.
Người lái chiếc xe taxi “chặt chém” khách du lịch bị phạt 13,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

Trước đó, Sở Du lịch Hà Nội nhận được thông tin phản ánh của Khách sạn Apricot Hà Nội (Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) với nội dung: Bà Dabrowska Malgorzata - khách du lịch người Ba Lan đi taxi biển kiểm soát 30A-780.62 từ khu vực hồ Hoàn Kiếm đến Khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng đoạn đường khoảng 6km nhưng phải trả 400.000 đồng, cao hơn so với quy định.

Ngay sau đó, Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội đã chuyển thông tin phản ánh đến Thanh tra Sở GTVT để xác minh làm rõ. Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với lái xe ô tô taxi BKS 30A-780.62 là bà Phạm Thị Ngọc số tiền 13,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

Việc cơ quan chức năng của TP Hà Nội vào cuộc khẩn trương, yêu cầu tài xế taxi vi phạm trả lại số tiền “chặt chém” và xin lỗi du khách nước ngoài là rất đáng hoan nghênh. Dù vậy, hành vi “chặt chém” du khách tái diễn trở lại cũng mang đến mối lo ngại cho ngành du lịch Thủ đô bởi trước đó, nhiều trường hợp tương tự đã bị các cơ quan chức năng xử lý.

Như hồi tháng 11/2019, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với tài xế Đặng Quốc Hùng vì hành vi "chặt chém" một du khách nước ngoài khi thu 800.000 đồng tiền cước chỉ với đoạn đường 4,1km…

Không riêng gì Hà Nội, tại một số địa phương có các điểm lịch nổi tiếng như Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), TP Hồ Chí Minh…, tình trạng “chặt chém” du khách cũng diễn ra và bị dư luận lên án thời gian qua. Đây là sự việc đáng buồn, đáng lo ngại khi ngành du lịch đang trong giai đoạn phục hồi sau hơn hai năm phải “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Từ năm 2021, dưới tác động của dịch Covid-19, lượng khách du lịch giảm mạnh, Sở Du lịch Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng Hà Nội là điểm đến an toàn, chất lượng để vượt qua đại dịch. Trong đó, cùng với việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tour, tuyến, ngành du lịch Hà Nội còn chú trọng đến giải pháp đẩy mạnh ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng, nỗ lực xây dựng hình ảnh một TP đáng sống, đáng trải nghiệm, Thủ đô an toàn, thân thiện với du khách.

Nỗ lực ấy đã từng bước gặt hái được trái ngọt. Theo báo cáo của Sở Du lịch
Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 8,61 triệu lượt khách, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 211.300 lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 8,4 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.200 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Đây là tín hiệu tốt với ngành du lịch Thủ đô, cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Nhất là qua kỳ SEA Games 31 vừa qua, hình ảnh Hà Nội hòa bình, thân thiện, giàu bản sắc văn hóa được quảng bá rộng rãi hơn với du khách quốc tế.

Tuy nhiên, sự việc nữ tài xế taxi “chặt chém” du khách mới đây, dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, song cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh du lịch của Hà Nội. Để ngăn chặn tình trạng "chặt chém" du khách, theo các chuyên gia, cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý du lịch.

Theo đó, bắt buộc các đơn vị, cửa hàng cung cấp dịch vụ cho du khách phải có đăng ký kinh doanh, niêm yết công khai, đầy đủ giá cả của các loại hàng hóa, sản phẩm. Đặc biệt, trong trường hợp du khách lên tiếng phản ánh bị "chặt chém", lực lượng chức năng cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm. Nếu đúng, bắt buộc phải bồi thường, công khai xin lỗi du khách. Hơn bao giờ hết, mỗi người dân Thủ đô cần phải nhận rõ trách nhiệm với sự phát triển của TP, thực sự là một sứ giả văn hóa, sứ giả du lịch như kỳ vọng của lãnh đạo TP.