Doanh thu toàn ngành giảm
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ TT&TT. Theo đó, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, giảm 8,66% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 39,6% so với kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 45.405 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,66% so với kế hoạch năm 2023.
Với lĩnh vực viễn thông, doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 74.473 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 53% kế hoạch năm 2023; nộp ngân sách ước đạt 19.338 tỷ đồng, giảm 18,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 39,47% kế hoạch năm 2023.
Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực công nghiệp ICT, doanh thu ước đạt 1.445.043 tỷ đồng, giảm 10,35% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 38,87% kế hoạch năm 2023.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm doanh thu trong lĩnh vực này, báo cáo đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước quý 2/2023, Bộ TT&TT cho rằng trong tháng 5 đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế ở nhiều nước chưa có dấu hiệu phục hồi, thị trường tiêu dùng công nghệ thông tin giảm sút, khả năng tăng trưởng thấp do tác động cộng hưởng của xung đột giữa Nga và Ucraina và ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid-19.
Điều này tác động trực tiếp đến thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói chung và sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin nói riêng, các đơn hàng xuất khẩu công nghệ thông tin của Việt Nam sụt giảm.
Theo báo cáo, tổng doanh thu công nghiệp ICT 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 52,2 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do sự giảm mạnh của doanh thu xuất khẩu phần cứng, điện tử vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin với mức sụt giảm mạnh nhất trong tháng 3 và 4 tương ứng là 22,8% và 22,4%.
Theo Bộ TT&TT, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 1,14 triệu tỷ đồng (khoảng 48,7 tỷ USD), giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 43,9 tỷ USD, giảm 7,42% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 30,8% giá trị xuất khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu 2 nhóm hàng hóa "Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện" và "Điện thoại và linh kiện các loại" giữ vững đứng hàng đầu trong 12 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao của cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực thuộc ngành thông tin và truyền thông. Tập trung xây dựng hạ tầng số gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng công nghệ và một số nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Đầu tư làm chủ và phát triển công nghệ lõi.
Riêng với các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, mỗi tờ báo cần phải được đầu tư công nghệ, mỗi đơn vị phải trở thành một nền tảng số. Càng ứng dụng nhiều công nghệ số sẽ tạo ra nhiều tri thức hơn. Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật, hướng dẫn xây dựng đơn giá giành cho báo chí đối với các lĩnh vực mà Bộ quản lý nhằm tạo ra ngân sách truyền thông hàng năm.
Quyết ngăn chặn tin xấu độc
Cũng tại Hội nghị, theo báo cáo của Cục PTTH&TTĐT, trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc trên không gian mạng đạt tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, Facebook đã gỡ bỏ 2.549 bài viết, gỡ 12 tài khoản, 54 page quảng cáo; YouTube gỡ 6.101 video, 7 kênh; TikTok gỡ 415 liên kết và 149 tài khoản vi phạm.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT nhận định: Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là sử dụng tổng hợp giải pháp đồng bộ về mặt kinh tế, truyền thông. Đồng thời, chia nhóm đối tượng để quản lý, nhóm một là các nền tảng xuyên biên giới và nhóm hai là đại lý quảng cáo cung cấp nguồn tiền để nuôi sống nền tảng cùng các nhóm làm nội dung trên mạng.
Năm 2023, cũng là lần đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức kiểm tra toàn diện một nền tảng xuyên biên giới lớn ở Việt Nam, đó là TikTok. Nhiều bộ ban ngành cùng vào cuộc kiểm tra, chia sẻ trách nhiệm quản lý nền tảng xuyên biên giới. Đây cũng là lần đầu Việt Nam buộc một nền tảng xuyên biên giới ký thừa nhận sai phạm và có biện pháp khắc phục cụ thể. Ông thông tin thêm, hiện nay đoàn kiểm tra đang thực hiện các bước cuối và tháng 7 sẽ có công bố.
Ngoài ra, Bộ TT&TT yêu cầu các nền tảng không bật kiếm tiền với trang, kênh có nội dung vi phạm để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo nuôi dưỡng trang, kênh vi phạm pháp luật; các OTT cung cấp dịch vụ nội dung theo yêu cầu phải tuân thủ quy định Nghị định số 71 và Luật điện ảnh sửa đổi. Kết quả, Netflix đã nộp hồ sơ xin đăng ký kinh doanh tại Việt Nam; 5 OTT nộp hồ sơ đăng ký với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về cung cấp phim trực tuyến.
Bên cạnh đó, 5 nhà sản xuất TV lớn nhất cũng được Bộ TT&TT yêu cầu không gắn ứng dụng OTT cung cấp nội dung không có phép ở Việt Nam lên màn hình hoặc bộ điều khiển. Đây là biện pháp hữu hiệu để Netflix và nền tảng khác phải tuân thủ pháp luật.
Theo báo cáo của Cục PTTH&TTĐT, Facebook đã gỡ 484 fanpage quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng; gỡ 72 tài khoản, fanpage quảng cáo vũ khí, vật nổ, chất liệu gây nổ; gỡ 2.444 link quảng cáo các dịch vụ bất hợp pháp. YouTube đã gỡ 632 video quảng cáo mua bán, săn bắn động vật hoang dã, hướng dẫn chế tạo vũ khí, gỡ hơn 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tài khoản quảng cáo vi phạm bằng thuật toán tự động. Không quảng cáo và bật kiếm tiền trên 50 kênh YouTube, 49 trang và tài khoản Facebook, 158 website.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết, trong 6 tháng cuối năm, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Cục PTTH&TTĐT là tập trung hoàn thiện và tham mưu Bộ TT&TT trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 72 về quản lý Internet và thông tin trên mạng. Ngoài ra, trên nền kinh nghiệm xử lý TikTok, tìm cách nhân rộng, xử lý các nền tảng xuyên biên giới khác. Cục PTTH&TTĐT cũng sẽ thử nghiệm phối hợp với cộng đồng KOL để triển khai chiến dịch truyền thông về phòng chống tin giả trên mạng.