Nửa đầu năm ngân hàng lãi lớn, doanh nghiệp mong được chia sẻ

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ tư, song kết quả kinh doanh của ngân hàng vẫn tích cực trong quý II/2021 và 6 tháng đầu năm.

Xu hướng tăng lợi nhuận vẫn tiếp diễn

Một số ngân hàng đã hé lộ kết quả kinh doanh nửa đầu năm với những con số ấn tượng. Tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh diễn ra ngày 30/6, lãnh đạo VietinBank cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng ước đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, Ngân hàng Hàng Hải (MSB) công bố ước tính lợi nhuận trước thuế đạt 2.800 tỷ đồng trong nửa đầu năm, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 85% kế hoạch cả năm. Tương tự, LienVietPostBank cho biết, lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 1.700 tỷ đồng, gần bằng 60% kế hoạch cả năm và cao hơn 70% so với 6 tháng đầu năm ngoái.

 Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng vừa công bố nghiên cứu kết quả kinh doanh quý II/2021 của 33 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, trong đó 27 công ty có tăng trưởng lợi nhuận và 6 công ty có lợi nhuận dự kiến sụt giảm. Đáng chú ý, trong số này hầu hết các ngân hàng đều ước có lãi lớn gồm ACB, BID, CTG, HDB, MBB, MSB, TCB, TPB, VCB, VIB, VPB. 

Cụ thể, HDB - Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh thu nhập từ phí tăng mạnh do HDB đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm kể từ quý IV/2020. Vì vậy, bộ phận phân tích của SSI cũng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế quý II/2021 dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2020; BIDV ước tính có lợi nhuận trước thuế quý II/2021 với 3.850 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng tín dụng 7% so với đầu năm (cao hơn mức tăng 2,35% trong 6 tháng đầu năm 2020) và NIM nới rộng so với cùng kỳ; TCB - Techcombank có thể đạt 5.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2021, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng tín dụng 11,9% so với đầu năm…

Theo các chuyên gia, đến cuối tháng 6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế ước tăng 6% so với cuối năm 2020. Điều này đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh. Nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân như ACB, MB, Techcombank, VPBank, VIB… được đánh giá có tốc độ tăng trưởng cao hơn về tín dụng, nhờ có nguồn lực tốt hơn, nhờ hệ số hệ số an toàn vốn (CAR) cao, nguồn vốn từ lợi nhuận giữ lại dồi dào và quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, trong các báo cáo kinh doanh đã công bố, nguyên nhân lãi lớn của ngân hàng chủ yếu đến từ việc áp dụng công thức tạo lợi nhuận, gồm: Kéo giãn biên lãi ròng (NIM), đa dạng hóa nguồn thu và linh hoạt trong chi phí vào thời điểm hiện tại.

Doanh nghiệp chờ đợi chia sẻ thiết thực hơn

Thực tế, mặc dù áp lực trích dự phòng rủi ro cao, song lãnh đạo Ngân hàng ACB cho biết, lợi nhuận quý II/2021 đang được thực hiện theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua năm nay. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ACB dự kiến đạt 10.602 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với kết quả năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 8.482 tỷ đồng.

Năm 2021, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận gần 20.000 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm 2020, bám đuổi sát nút VietinBank. Động lực tăng trưởng của Techcombank vẫn đến từ nguồn vốn rẻ (CASA liên tục cải thiện), cho vay bất động sản, dịch vụ cho khách hàng thu nhập cao (trái phiếu, quỹ, bảo hiểm…) và mảng ngân hàng số.

Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, tác động của làn sóng Covid-19 thứ 4 lên hoạt động tín dụng là khó tránh, song ngân hàng đã có kinh nghiệm từ năm trước và chuẩn bị các kịch bản ứng phó, đồng thời tiết giảm tối đa chi phí hoạt động nên khả năng lợi nhuận vẫn sẽ tích cực trong năm nay. Với OCB, mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay là 5.500 tỷ đồng trước thuế nên ngân hàng tự tin sẽ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm đã đặt ra. 

Với mức tăng trưởng ít nhất 50- 70% trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã tiến gần đích kế hoạch cả năm. Lợi nhuận khả quan, nhiều ngân hàng đã tiếp tục công bố các gói, chương trình ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng ổn định, duy trì hoạt động sản xuất trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Tuy vậy, cộng đồng DN và người dân vẫn mong muốn các ngân hàng hỗ trợ mạnh hơn nữa trong giai đoạn khó khăn này cũng như có các chính sách hỗ trợ thiết thực cho khách hàng vay vốn.

Một thực tế là đứng trước tình hình kinh doanh bất ổn, nhiều DN rất cần nguồn vốn vay lãi suất thấp để giảm bớt khó khăn, song việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các nhà băng vẫn đang là vấn đề khó của nhiều DN. Vấn đề khi xét duyệt hồ sơ cho vay, ngân hàng đưa ra nhiều điều kiện, yêu cầu công ty phải chứng minh dòng tiền, phương án kinh doanh khả quan thời gian tới để chứng minh khả năng trả nợ.

"Nếu bình thường, các phương án kinh doanh ra lợi nhuận thì không khó. Tuy nhiên, với bối cảnh dịch bệnh như hiện tại, thực tế để chứng minh các phương án kinh doanh thuận lợi thì rất khó bởi tác động khách qua, thương trường ai mà không muốn lãi nhưng rủi ro rất cao". Mong muốn của đa số DN hiện nay là được tiếp cận các gói hỗ trợ như vay vốn ưu đãi dễ dàng hơn, lãi suất giảm sâu hơn nữa để tạo điều kiện duy trì sản xuất, phục hồi kinh doanh" - đại diện một DN may mặc chia sẻ. 

Tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các ngân hàng là tổng hòa của nhiều yếu tố. Một là, môi trường lãi suất đầu vào thấp nhờ NHNN 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2020. Hai là việc cho phép tái cơ cấu các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 giúp giảm bớt áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng. Ba là các ngân hàng niêm yết đang tích cực tối ưu hóa chi phí bằng cách đầu tư mạnh vào công nghệ, chuyển đổi số, từ đó giúp chi phí hoạt động/tổng thu nhập của các ngân hàng niêm yết cải thiện rõ rệt. (Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect Trần Thị Khánh Hiền)

Vẫn biết ngân hàng cũng là một DN và chịu áp lực từ cổ đông, khách hàng trong việc mang lại lợi nhuận trên từng đồng vốn. Nhưng, trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, những chia sẻ thiết thực và nhiều hơn nữa đối với khó khăn DN đang đối mặt là điều được thị trường chờ đợi (TS. Nguyễn Trí Hiếu)