Phú Thọ - Những ngày qua, mực nước ở sông Hồng, sông Đà, sông Lô đều dâng cao, chảy xiết, tình trạng sạt lở bờ sông đã bắt đầu xuất hiện.
Tại Phú Thọ, nơi hợp lưu của 3 con sông lớn là sông Hồng (sông Thao), sông Đà và sông Lô, khoảng 2 tháng trở lại đây, xuất hiện không ít vị trí sạt lở bờ sông, gây thiệt hại về tài sản cho người dân. Ảnh khu vực ngã ba sông tại TP Việt Trì.Với sông Hồng, theo thông tin từ Công an tỉnh Phú Thọ ngày 15.8, quá trình kiểm tra cho thấy, vừa qua đã có 2 khu vực xảy ra sạt lở bờ vở sông tại xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao (chiều dài khoảng 250m, rộng khoảng 10m, cách nhà dân khoảng 80m) và xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa (chiều dài khoảng 1km, rộng khoảng 3m, ảnh hưởng tới diện tích đất thổ cư của 14 hộ dân thuộc khu 4, khu 5 xã Xuân Áng).Với sông Đà, như Lao Động đã thông tin từ cuối tháng 6, bờ sông thuộc khu 13 và khu 14, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông đoạn giáp chân cầu Trung Hà (nối huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) đã xảy ra tình trạng sạt lở.Theo ghi nhận của phóng viên, bờ đê tả sông Đà sạt lở chỉ cách khu dân cư hơn 50m, cách chân đê bối Hồng Đà 400m, nằm sát với trụ móng cầu Trung Hà hiện đang được sửa chữa. Nhiều diện tích đất đai, hoa màu của người dân đổ xuống dòng sông chảy xiết. Hiện, 1 tuyến kè chống sạt lở tại đây đang được khẩn trương xây dựng.Với sông Lô, tại xã Trị Quận, huyện Phù Ninh, mưa lũ gây sạt lở đất đến sát nhà bà Trần Thị Liên (ở khu 10, xã Trị Quận), khiến đất đai và nhiều cây cối ven sông bị nước cuốn trôi. Tại xã Tiên Du (huyện Phù Ninh), theo báo cáo của UBND xã, trên địa bàn khu 1 cũng xuất hiện tình trạng sạt lở đất bãi bồi và thiệt hại về hoa màu, cây trồng của khoảng 5 hộ dân.Ông Trần Xuân Trường - người dân sống tại khu 1, xã Tiên Du - cho biết, diện tích đất ven sông được gia đình ông canh tác từ năm 2017. Mùa nước cạn, đất rộng ra phía ngoài lòng sông thêm 30 đến 40m, diện tích đất bị sạt lở nằm ở bên trên mặt, dài trên 20m...“Đất ven sông này chủ yếu là đất cát pha nên năm nào mưa nhiều là lại sạt lở. Cách vị trí sạt lở này khoảng 200m, có 1 chiếc cống thoát nước từ trong làng chảy ra, khi mưa to nước sẽ cuốn vào đất dưới chân đê, gây sạt lở” - ông Trường chia sẻ.Theo ông Lê Xuân Kết - Chủ tịch UBND xã Tiên Du, đoạn sông Lô chảy qua địa bàn xã có chiều dài 5,6km. Vừa qua, bờ sông đã xuất hiện một vị trí sạt lở tại khu 1 gây thiệt hại về tài sản, cây cối và hoa màu của một số hộ dân.“Diện tích đất bị sạt lở là người dân tự khai thác, canh tác, chính quyền không giao hay cho thuê. Nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do mưa kéo dài, cộng với việc nhà máy thủy điện ở thượng nguồn xả lũ khiến nước sông Lô dâng cao, chảy xiết” - ông Kết thông tin.Theo dự báo của cơ quan khí tượng thuỷ văn, thời tiết trong những ngày tới sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng mưa lớn liên tục, kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở tại các bờ sông. Cơ quan chức năng cảnh báo, người dân sinh sống ven sông cần chủ động theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, chấp hành tốt các quy định về di dời ra khỏi các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập sâu. Ảnh sông Lô tại thành phố Tuyên Quang.