Tuy đã quen, đã thích ứng và chấp nhận sống chúng với sự khắc nghiệt ấy nhưng với đợt lũ năm này quá lớn, nước dâng lên nhanh khiến người dân tại một số huyện trên địa bàn Hà Tĩnh không kịp trở tay. Nhất là người dân vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ, suốt ba ngày nay nhiều gia đình chỉ biết ôm nhau ăn mì tôm cầm hơi, bất lực nhìn dòng nước cuốn đi mọi thứ, không cầm lòng, nước mắt của họ luôn chực chảy trên đôi gò má.
Đến với người dân vùng rốn lũ ở Hà Tĩnh - khu vực hạ lưu hồ Kẻ Gỗ vào trưa ngày 21/10. Người dân nơi tại các xã Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên) đã ba ngày qua phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất", cạn kiệt thức ăn, nước uống. Nước lũ đã rút nhưng vẫn còn ở mức cao, có những nơi hiện vẫn ngập sâu trên 3m, phương tiện di chuyển duy nhất của người dân lúc này là những chiếc thuyền.
Nhớ lại thời điểm nước lên, bà Trần Thị Huệ (65 tuổi, xóm 2, xã Cẩm Duệ) hãi hùng cho biết, suốt ba ngày nay hầu như bà không ngủ, thức ăn chủ yếu là ai cho gì ăn nấy. Mưa to, khắp nơi bỗng chốc chìm trong biển nước, tôi chỉ biết ôm hai đứa cháu chạy thoát thân. Ở đây nước ngập rất sâu nên hầu như các đoàn cứu hộ không thể tiếp cận được, chỉ biết ôm cháu nhỏ nhìn dòng nước lũ cuốn hết mọi thứ của gia đình mà đành bất lực.
Cách đó không xa, ông Trương Huy Hoài (71 tuổi, thôn Tân Mỹ, xã Cẩm Duệ) nói trong nước mắt, cả cơ nghiệp của hai ông bà già chỉ có cặp bò. Hôm 18/10, nước lũ lên quá nhanh con bò mẹ không bơi được nên bị lũ cuốn đi sáng nay thì đã thấy xác, giờ chỉ còn mỗi bê chưa đầy 1 tháng chắc cũng sẽ chết vì đói sữa.
“Suốt ba ngày mưa lũ tôi phải ở nhà người quen trong xã, thức ăn chỉ có mì tôm và đồ cứu trợ. Đến khi nước rút vừa về đến nhà thì không còn gì. Đến sáng nay (21/10), nước lũ đã bắt đầu rút nhưng vẫn không thể đi lại được, nhờ có nhiều đoàn tình nguyện mang thức ăn, nước uống đến hỗ trợ, tạm thời không thiếu lương thực, bà con chúng tôi rất biết ơn”, ông Hoài nuốt nước mắt nói.
Trước trận mưa lũ lịch sử vừa qua, đã khiến 90 xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bị ngập với 31.000 hộ/105.373 người bị ảnh hưởng. Trong đó những địa phương bị ngập nặng như huyện Cẩm Xuyên 19 xã (13.393 hộ/43.028 người); huyện Thạch Hà 17 xã (10.588 hộ/42.232 người); TP Hà Tĩnh 14 xã, phường (2.300 hộ/4.950 người) và huyện Lộc Hà 11 xã (3.430 hộ/10.745 người)…
Gần cuối thôn Tân Lệ, xã Cẩm Duệ, gia đình chị Lê Thị Minh đang lau nước mắt nhìn 2 tấn lúa vừa bị nước lũ nhấn chìm. “Do nước lũ lên quá nhanh lại có 2 con nhỏ nên chỉ biết chạy thoát thân không thể cứu được tài sản. Khi nước vừa rút xong, tất cả đồ đạc đều bị lũ quấn đi hết, gia đình tôi chỉ biết ngồi nhìn lúa nẩy mầm”, chị Minh nghẹn ngào nói
Cầm nắm xôi vừa được các nhà hảo tâm mang đến, anh Phan Thanh Hà (50 tuổi, thôn Tân Mỹ, xã Cẩm Duệ) cho biết: "Lũ năm nay lớn gấp đôi hồi 2010, nhà tôi bị ngập gần 4m chỉ biết trú nhờ trên nóc nhà hàng xóm. Suốt ba ngày chỉ ăn mì gói, uống nước mưa. Toàn bộ vật nuôi của gia đình bị lũ cuốn trôi hết không còn thứ gì."
Cũng theo người dân ở đây cho biết, ngày 18/10, mưa rất lớn cộng với hồ Kẻ Gỗ xả tràn khiến nước lên nhanh đến nỗi không kịp trở tay. Sáng ngày 19 đến trưa 20/10 hầu như ngập hoàn toàn, người dân phải sơ tán đến nơi an toàn, bỏ lại toàn bộ tài sản, vật nuôi.
Được biết, xã Cẩm Duệ là một trong những nơi ngập nặng ở Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) hứng chịu trực tiếp lượng nước xả tràn của hồ Kẻ Gỗ những ngày qua. Hầu hết các tuyến đường liên xã đều bị ngập sâu từ 1-3m, khiến lực lượng cứu hộ cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Xã có 11/12 thôn, với 2.100 hộ đang ngập sâu trong nước, trong đó có 1.800 hộ đang ngập sâu gần 2m khiến nhiều hộ đang mắc kẹt. Từ ngày 17/10 đến sáng 21/10, hầu như toàn bộ xã đều bị cô lập, nước lũ đã nhấn chìm hàng trăm nhà dân…
Đợt lũ này rồi sẽ qua, người dân nơi đây rồi cũng sẽ trở về cuộc sống thường nhật của họ. Song, để có cuộc sống ấm no như ngày nào thì không chỉ bằng sự nổ lực xây dựng, tích góp của chính mình, mà họ còn cần lắm sự sẻ chia, tiếp sức của chính quyền và các nhà hảo tâm trên mọi miền Tổ quốc.