Nước Mỹ bước vào năm 2012 với nhiều kỳ vọng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chia tay năm cũ 2011 đầy âu lo, nước Mỹ bước vào năm tổng tuyển cử 2012 với nhiều kỳ vọng.

Kỳ vọng vào một nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng. Kỳ vọng về một xã hội yên bình. Quan trọng hơn cả là kỳ vọng vào những khuôn mặt xứng đáng sẽ xuất hiện sau cuộc tổng tuyển cử, đưa chính trường Mỹ vào một nhiệm kỳ hoạt động hiệu quả hơn.

Kỳ vọng về một nền kinh tế ổn định là ưu tiên số một. Nói như vậy là vì năm 2011 vừa qua, người dân lao động Mỹ đã không ít lần giật mình khi tỉnh dậy lại nghe thấy lời cảnh báo về thể trạng yếu kém của nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Kỳ vọng còn bởi lẽ năm 2011, dù đã có nhiều dự án, nhưng tỷ lệ công nhân Mỹ bị thất nghiệp thấp nhất là trong tháng 11 cũng ở mức 8,6% và cả năm dao động từ 9%-9,2%.

Kỳ vọng bởi thị trường nhà đất, căn nguyên của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, vẫn chưa phục hồi, khiến nhiều gia đình tiếp tục đứng trước nguy cơ bị siết nợ.

Phe Cộng hòa tại Quốc hội với phe Dân chủ và Nhà Trắng đã có nhiều cuộc thương lượng nhưng vẫn bế tắc trong kế hoạch 447 tỷ USD kích thích phát triển kinh tế và đề án cắt giảm 1.200 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong 10 năm, buộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama một lần nữa phải xin nâng trần nợ công thêm 1.200 tỷ USD, lên 16.390 tỷ USD, chiếm hơn 100% GDP.

Kỳ vọng về một xã hội yên bình là chính đáng vì năm qua nước Mỹ rơi vào bất ổn với làn sóng biểu tình “Chiếm Phố Wall” kéo dài và lan rộng, khiến cảnh sát một số thành phố phải sử dụng công cụ chống bạo loạn để phá lán trại, bắt giữ hàng nghìn người.

Kỳ vọng lớn hơn được gửi gắm vào các chính khách đang hô hào đưa nước Mỹ bước sang trang sử mới. Ngày 3/1/2012, bang Iowa sẽ “nổ phát súng” đầu tiên của vòng bầu cử sơ bộ hướng tới ngày tổng tuyển cử 6/11/2012 bầu lại tổng thống, toàn bộ 435 ghế Hạ viện, 33/100 ghế Thượng viện, 11/50 ghế Thống đốc bang cùng các cấp hành pháp và lập pháp các địa phương, với tổng chi phí dự kiến có thể cao hơn mức 5,6 tỷ USD của năm 2008.

Thể chế chính trị Mỹ thật không đơn giản chút nào! Chỉ xin nói vài nét về cuộc bầu cử tổng thống. Danh nghĩa là bầu cử tự do, có tới 5-6 đảng tham gia, nhưng thực chất chỉ là cuộc so găng giữa hai đảng “Con Voi” (Cộng hòa) và “Con Lừa” (Dân chủ). Đảng Trà (Tea Party), đảng Xanh (Green Party), đảng Cải tổ Mỹ (Reform Party USA), đảng Cấm đoán (Prohibition Party) và các ứng cử viên độc lập cũng tham gia, nhưng báo chí hầu như chẳng đếm xỉa gì tới họ.

Nói là tự do đấy, nhưng cử tri Mỹ đâu có bỏ phiếu bầu trực tiếp người đại diện cho họ, mà chỉ thông qua 538 cái gọi là “đại cử tri” (Electoral College). Đây thực ra chỉ là con số toán học vì "đại cử tri" không phải là những con người cụ thể mà chỉ là phép tính cộng của 435 suất ghế Hạ viện, 100 suất ghế Thượng viện cùng với 3 suất ghế đặc cách cho thủ đô Washington.

Ngoài 100 suất ghế Thượng nghị sỹ chia đều cho 50 bang, số đại cử tri còn lại được chia cho các bang theo tỷ lệ dân số, trong đó bang “hạng nặng” California có 55 suất, 6 bang “hạng ruồi” như Alaska và Montana chỉ được 3 suất.

Nó phức tạp còn từ chính các khái niệm và hình thức bầu cử, nhóm họp nhất trí theo cụm dân cư hoặc bỏ phiếu, chưa nói tới chuyện có bang chia kết quả theo tỷ lệ phiếu từng ứng cử viên nhận được và phần lớn các bang "được ăn cả, ngã về không."

Tựu chung, hai đảng phải kết thúc vòng đấu loại vào ngày 26/6/2012 để đến đại hội toàn quốc, từ 27-30/8 đối với đảng Cộng hòa ở thành phố Tampa, bang Florida, và từ 3-6/9/2012 đối với đảng Dân chủ tại thành phố Charlotte, bang North Carolina sẽ chọn ra cặp liên danh tổng thống - phó tổng thống để "so găng" trong "trận chung kết" lần thứ 57 giành chiếc ghế ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng vào ngày 6/11/2012 .

Cử tri đảng Dân chủ kỳ vọng xen lẫn lo âu. Kỳ vọng bởi lẽ kỳ tổng tuyển cử 2012 tuy có vài người như chuyên gia bảo hiểm Darcy Richardson hay nghệ sỹ Vermin Supreme cũng đăng ký tranh cử, nhưng ứng cử viên gần như chắc chắn và duy nhất của họ là đương kim tổng thống.

Ông Obama trong năm cũ đã tạo được một số điểm sáng cho nước Mỹ trong lĩnh vực đối ngoại như việc rút hết lính chiến khỏi Iraq, rút một phần lính ra khỏi Afghanistan, chuyển trọng tâm chiến lược sâu rộng hơn sang châu Á-Thái Bình Dương và kinh tế Mỹ vào thời điểm cuối năm hé mở một số dấu hiệu khả quan.

Thế nhưng, cử tri của ông vẫn lo lắng khi kết quả thăm dò ngày 17/12 của AP/GfK cho biết có 52% cử tri nói rằng ông Obama không xứng đáng được bầu lại so với 43% nghĩ rằng nên bầu ông làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Đây là lần đầu tiên số cử tri không tín nhiệm ông Obama giữ chức tổng thống nhiệm kỳ hai vượt quá mức 50%. Đáng lo vì kể từ khi lên cầm quyền tới nay, tỷ lệ cử tri có cái nhìn tích cực về ông Obama đã giảm tổng cộng 31%, từ đỉnh cao 79%.

Lo âu át kỳ vọng, đó là tâm lý chung của cử tri Cộng hòa. Danh sách đăng ký ứng cử viên tổng thống 2012 của đảng này khá dài. Có hai hoặc ba chính khách đã rút lui, nhưng đến hết năm 2011 vẫn còn 8 gương mặt gồm nữ Hạ nghị sỹ Michele Bachmann, cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, cựu Thống đốc bang Utah, Jon Huntsman, cựu Thống đốc bang New Mexico, Gary Johnson, Hạ nghị sỹ Ron Paul, Thống đốc bang Texas, Rick Perry, cựu Thống đốc bang Massachussetts, Mitt Romney và cựu Thượng nghị sỹ Rick Santorum.

Lo lắng là đương nhiên bởi theo kết quả cuộc thăm dò ngày 13/12 của NBC/Wall Street Journal, trong số 1.000 cử tri Cộng hòa được hỏi ý kiến có 51% nói rằng chất lượng các ứng cử viên Cộng hòa ở mức trung bình và 27% xác định là yếu và thua kém các kỳ bầu cử trước.

Lo ngại hơn, cho dù tỷ lệ ủng hộ ông Obama có sụt giảm, nhưng nhiều cử tri vẫn chưa rõ liệu có phải là một sự lựa chọn tốt hơn không nếu họ bầu một ứng cử viên của đảng Cộng hòa lên làm tổng thống.

Trả lời câu hỏi "sẽ bầu ai làm tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 11/2012," tỷ lệ chọn ông Obama so với ông Romney là 47%-46% và tỷ lệ chọn ông Obama so với ông Gingrich là 51%-42%.

Quyền của người dân Mỹ là được kỳ vọng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dám chắc không "môn đệ" nào của đảng “Con Lừa” hoặc đảng “Con Voi” liều lĩnh cá cược chính khách của họ sẽ chiếm được chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng vào tháng 11/2012./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần