Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nuôi dê - hướng thoát nghèo ở vùng đồi gò

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm đa dạng sinh kế cho người dân, huyện Sóc Sơn đã triển khai thử nghiệm chăn nuôi dê trên vùng đất đồi gò bán sơn địa thuộc xã Nam Sơn.

Mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá, trở thành hướng thoát nghèo mới cho nhiều nông hộ.

Trước năm 2018, gia đình anh Nguyễn Văn Hưng ở thôn Thanh Hà vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã Nam Sơn. Nhằm giúp hộ anh Hưng từng bước thoát nghèo, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ nguồn vốn vay để gia đình phát triển mô hình chăn nuôi dê. Đến nay, tổng đàn dê của gia đình anh Hưng đã phát triển lên 40 con. Không chỉ thoát nghèo thành công, hộ anh Hưng còn từng bước trở lên khá giả.
  Mô hình chăn nuôi dê tại xã Nam Sơn mang lại thu nhập khá cho người dân. 
Câu chuyện thoát nghèo, cuộc sống đổi thay tích cực nhờ chăn nuôi dê đã không còn trở thành cá biệt ở vùng đất đồi gò thuộc xã Nam Sơn. Tính đến nay, toàn xã đang có khoảng 15 hộ tham gia chăn nuôi dê. Bình quân mỗi hộ có từ 30 - 35 con; tổng đàn dê toàn xã hiện vào khoảng 500 con.
Ông Phạm Ngọc Yên ở thôn Liên Xuân là một trong những hộ đầu tiên đưa dê về chăn thả tại những vùng đất đồi gò của xã Nam Sơn. Ông Yên cho biết, sau khi học hỏi mô hình chăn nuôi dê từ Ninh Bình, ông đã nuôi thử nghiệm thành công và hỗ trợ một số hộ dân khác phát triển đàn. Hiện, ông Yên là Tổ trưởng Tổ chăn nuôi dê xã Nam Sơn.

Từ khi Tổ chăn nuôi dê được thành lập, các hộ dân có thêm kênh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi. Bên cạnh đó, đầu ra cho dê giống và thịt dê thương phẩm cũng được bảo đảm. Đến nay, sản lượng dê giống và thịt dê được tiêu thụ ổn định, nhiều thời điểm không có hàng để bán.
Nói về nghề chăn nuôi dê, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn Nguyễn Quốc Ân đánh giá đây là mô hình kinh tế mới, phù hợp với địa thế của xã Nam Sơn nói riêng cũng như một số địa phương vùng đồi gò khác trên địa bàn huyện. Mô hình đòi hỏi nguồn vốn thấp, quy trình chăm sóc không quá phức tạp. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ của thị trường cao nên tiềm năng phát triển rất lớn.
“Thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ 15 hộ dân với nguồn vốn vay hàng trăm triệu đồng để phát triển đàn cũng như đầu tư trang trại. Sắp tới, huyện chủ trương thành lập hợp tác xã chăn nuôi dê tại xã Nam Sơn, sau đó sẽ nghiên cứu, đánh giá và tiếp tục có hỗ trợ để tiến tới nhân rộng mô hình này, giúp người nông dân có thêm hướng đi thoát nghèo, cải thiện cuộc sống” - ông Ân cho biết thêm.