Nhiều DN không mặn mà
Thời gian gần đây, Chính phủ và các địa phương đã dành sự quan tâm lớn cho hoạt động KHCN. Trong đó, các DN KHCN nhận được nhiều hỗ trợ, ưu đãi về thuế, tín dụng, hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu KHCN. Đặc biệt, khi Nghị định 13/2019/NĐ-CP về DN KHCN được ban hành, đã giảm bớt các điều kiện chứng nhận DN KHCN không cần thiết, gây khó khăn cho DN.
Cụ thể như: Đơn giản hóa việc chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp đối với kết quả KHCN bằng quy định DN có thể tự cam kết về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với kết quả KHCN… DN hoàn thành quá trình ươm tạo, làm chủ công nghệ từ kết quả KHCN và chú trọng việc đánh giá tính ứng dụng của sản phẩm; khuyến khích DN có kết quả nghiên cứu thuộc mọi lĩnh vực KHCN đều có thể chứng nhận DN KHCN…
Để hỗ trợ tài chính, DN KHCN được sử dụng Quỹ phát triển KHCN của DN và các nguồn huy động hợp pháp khác để thương mại hóa kết quả KHCN. Cùng đó, DN KHCN được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả KH&CN, tài sản trí tuệ của Nhà nước.
Nhận được nhiều ưu đãi, tuy nhiên nhiều DN lại không mấy mặn mà đăng ký trở thành DN KHCN. Thực tế đó được phản ánh qua con số khiêm tốn của DN KHCN. Đến nay cả nước mới có hơn 500 DN KHCN. Đây thực sự là con số khiêm tốn so với Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu hình thành 5.000 DN KHCN vào năm 2020.
Chia sẻ về thực trạng của DN KHCN, Chủ tịch Hiệp hội DN KHCN Việt Nam Hoàng Đức Thảo cho biết, phần lớn DN KHCN ở Việt Nam còn khá "non trẻ" và chưa tự mình nghiên cứu, làm chủ được công nghệ.
Lý giải về nguyên nhân khiến DN chưa mặn mà đăng ký trở thành DN KHCN, ông Hoàng Đức Thảo cho rằng, ngay từ khâu đầu tiên đăng ký trở thành DN KHCN đã tồn tại những quy định phức tạp và làm khó DN. Đơn cử như để được công nhận DN KHCN thì DN phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu KHCN, cũng như phải giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ KHCN. Điều này không phải DN nào cũng làm được và sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ. Trong khi đó, DN KHCN hiện nay vẫn chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi theo quy định.
Ông Hoàng Đức Thảo dẫn chứng thêm, DN cần ưu đãi về đất đai nhưng hiện nay quỹ đất trong khu công nghiệp, khu sản xuất còn hạn chế nên quy định miễn tiền thuê đất khó áp dụng được. Hay như để nhận ưu đãi về thuế cũng khá khó khăn, khi DN phải bảo đảm mức tăng trưởng và doanh thu từ KHCN. Về ưu đãi tín dụng, DN KHCN có tài sản trí tuệ nhưng không thể đem tài sản trí tuệ ra thế chấp vay vốn. Đặc biệt là vấn đề thuế thu nhập cá nhân chưa công bằng, chưa khuyến khích được động lực sáng tạo. Bởi những nhà khoa học tự bỏ tiền ra, chịu rủi ro để nghiên cứu, thử nghiệm rồi thương mại sản phẩm KHCN cũng đóng thuế bằng người làm nghiên cứu dự án khoa học từ vốn Nhà nước, được hưởng lương từ Nhà nước.
Chia sẻ thêm về những vướng mắc của DN, ông Đỗ Hoàng Trung - CEO Công ty Cổ phần Kỹ thuật Ý Tưởng, phản ánh: “DN cần có những hướng dẫn cụ thể trong thực hiện các thủ tục nhằm nhận được ưu đãi, nhất là vấn đề thuế, hỗ trợ tài chính… Ngoài ra, DN cũng mong có hỗ trợ để các sản phẩm KHCN có thể tham gia sâu hơn vào thị trường KHCN và các dự án đầu tư công”.
Cần thêm chính sách ưu đãi
Để đẩy mạnh việc hỗ trợ và phát triển DN KH&CN, tháng 11/2021, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BKHCN (hiệu lực từ ngày 20/1/2022) nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN. Việc ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BKHCN sẽ tháo gỡ được các vướng mắc trong hoạt động cấp giấy chứng nhận DN KH&CN.
Ở góc độ DN, Chủ tịch Hiệp hội DN KHCN Việt Nam Hoàng Đức Thảo kiến nghị, Nhà nước cần đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động KHCN. Bóc tách, phân loại trong hoạt động liên quan đến KHCN. Cần xóa bỏ cơ chế xin cho, chỉ định thầu. Không nên chỉ giao đề tài, chỉ tiêu cho viện nghiên cứu, trường đại học. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để DN KHCN hưởng đầy đủ những ưu đãi theo quy định; Giảm mức thuế thu nhập cá nhân đối với những người tự đầu tư tiền bạc và trí tuệ để nghiên cứu sản phẩm KHCN nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và cống hiến của người làm nghiên cứu khoa học.
Song song với đó, cần đơn giản hóa thủ tục thành lập DN KHCN. Mặt khác, các DN cũng cần quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức KHCN, các DN trong nước và ngoài nước để nâng cao năng lực. Đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực KHCN trong từng DN làm cơ sở để xây dựng và phát triển doanh nghiệp KHCN bền vững.
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KHCN, cơ sở ươm tạo DN nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, khu làm việc chung hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Tính đến nay, cả nước có khoảng 50 đơn vị hoạt động theo mô hình cơ sở ươm tạo, 1.010 phòng thí nghiệm, 54 tổ chức công nhận và 66 tổ chức giám định, trên 70 không gian làm việc chung…
Theo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KHCN (Bộ KH&CN) Phạm Hồng Quất, từ nay đến cuối năm 2022, Bộ KH&CN tiếp tục tập trung phát triển thị trường DN KH&CN, nâng số lượng DN KH&CN, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh mối liên kết nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Bộ cũng phấn đấu hoàn thiện quy định về cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ; giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ… Phối hợp với địa phương, đơn vị nghiên cứu để hỗ trợ DN đổi mới công nghệ thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, với mục tiêu hướng tới là ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, nâng cao mức độ tự động hóa trong các khâu của quy trình sản xuất, các sản phẩm tạo ra có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.