70 năm giải phóng Thủ đô

Nuối tiếc hoa đào!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dân gian có câu “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, qua đó cho thấy tự ngàn xưa, hoa đã được con người coi trọng đến nhường nào. Vậy nhưng thói đời “nói vậy mà không phải lúc nào cũng vậy”; xin lấy hoa đào ra làm dẫn chứng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước Tết Nguyên đán, đào được chăm bẵm chu đáo lắm; rét thì quạt sưởi, nóng thì phòng điều hòa; chăm bón, tưới tắm hàng ngày không khác gì bố già, con trẻ!

Cỡ 15 tháng Chạp, đào bắt đầu được trưng ra phố, nói không ngoa, chứ cái xe ô tô giá hàng trăm triệu (thậm chí là tiền tỷ), đôi lúc vứt chỏng chơ cả đêm ngoài vỉa hè mà chả có người trông. Nhưng với đào là phải che bạt, tưới nước, trông coi, chăm sóc suốt ngày đêm. Khi di chuyển đào, người ta phải kê kích, giữ để sao những cánh hoa không bị rụng, chồi non không gãy…

Vào Tết, hàng hóa trên thị trường đều ê hề, nên người ta có thể dễ dàng tặc lưỡi mà mua sắm cho xong chuyện. Nhưng với đào thì khác, người chơi hoa phải lượn hết chợ này sang nhà vườn kia, ngắm nghía, nhận xét, bình phẩm chán chê rồi mới xuống tiền.

Thậm chí với những người kỹ tính, họ còn… thành lập "hội đồng chuyên môn" để nhận xét đánh giá và cho ý kiến trước khi “rước” một cây đào chơi tết - thật chẳng khác gì bà mẹ chồng khó tính xét nét khi cưới về một cô con dâu! Tết về, đào luôn có một vị trí trang trọng trong gia thất. Nói tóm lại mỗi khi Tết đến, đào là thứ hoa được ví như "nữ hoàng của mùa Xuân"…

Nhưng thói đời cái gì cũng có giá của nó. Với đào thế, đào cổ, đào thất thốn… nếu không bán (hoặc cho thuê) được trong dịp Tết, người ta sẽ đưa về vườn, tiếp tục chăm sóc để chờ năm sau. Nhưng với loại đào cành, đào rừng chỉ sau giờ ngọ ngày 30 Tết, có thể người ta sẽ bán tháo, thậm chí chặt bỏ, khi đấy nó sẽ trở thành rác.

Ngay với những cành đào đẹp tiền triệu (thậm chí hàng chục triệu đồng), mấy ngày Tết còn giữ được vị trí độc tôn trong nhà thì ra Giêng, cũng chung số phận với những cây đào chỉ đáng vài chục bạc…

Mới mùng 9 Tết năm con mèo 2023 này, tản bộ trên mấy con phố Thủ đô, tôi bắt gặp hàng chục cành đào lăn lóc bên hè phố. Nhìn những cành đào tươi mơn mởn, nụ hoa còn hàm tiếu, và mấy ngày trước đó còn ngự ở vị trí trang trọng (thậm chí là bàn thờ) của không ít gia đình nay đã trở thành đồ bỏ, mà cảm thấy tiếc và xót cho một kiếp hoa!

Quay lại với thực tại, hoa đào (dẫu có là chúa của mùa Xuân) rốt cục cũng vẫn là vật vô tri, và nó không thể tự “nhảy tót” từ tự nhiên vào nơi trang trọng của gia đình (anh hoặc tôi). Thực tế phần nhiều gia đình ở Hà Nội đều chật chội, xong Tết (dẫu có muốn đi chăng nữa), người ta vẫn phải… giải tán cành đào, trả lại không gian vốn có; vì vậy việc đào phải “chạy” khỏi nhà là điều khó tránh khỏi…

Nhìn những cành đào mới được nâng niu hôm nào, nay đã ở nơi vỉa hè, là người yêu hoa, chắc ai cũng phải nuối tiếc.