Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nút thắt cổ phần hóa

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, phần lớn các DN sau cổ phần hóa (CPH) đều có kết quả hoạt động tốt hơn trên nhiều mặt từ doanh thu, lợi nhuận, đến bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Quan trọng nhất là DN đã đổi mới được quản trị, tăng tính tự chủ, linh hoạt trong hoạt động, đặc biệt là vấn đề công khai, minh bạch thông tin. Những cái tên như PVPower, Petrolimex, Vinamilk, PV Gas, Vietnam Airline… cũng là những điển hình hoạt động hiệu quả sau CPH. Tuy nhiên, dù CPH mang lại nhiều lợi ích nhưng tiến độ thực hiện vẫn rất chậm. 
Thực tế, việc bàn giao các DN sau CPH về Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) còn chậm. Đặc biệt giai đoạn 2016 - 2017, danh mục là 62 DN bàn giao nhưng thực tế chỉ bàn giao được 37 DN. Trong 8 tháng năm 2018, mới có 4 DN được bàn giao. Hiện, các vướng mắc về quy định pháp luật trong công tác CPH phần lớn đã được các cơ quan chức năng tháo gỡ. Nguyên nhân lớn nhất của sự chậm chạp CPH được chỉ đích danh lúc này đó là sự e ngại của người đứng đầu DN. Họ lo ngại về tổ chức DN, lúc đó sẽ tiến hành quản lý công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. Trong khi đó, sự quyết tâm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vẫn chưa cao. Vẫn còn sự luyến tiếc về đơn vị mà mình đã quản lý dẫn đến một số cơ quan ngại bàn giao. Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau CPH; tư tưởng yên vị, né tránh trách nhiệm, sợ va chạm cũng là lý do kìm hãm tiến độ CPH... Như vậy, muốn giải bài toán “tư tưởng”, nút thắt cần gỡ nhất của CPH hiện nay là tổ chức thực hiện và quyết tâm thay đổi nhận thức của người đứng đầu DN. Và vấn đề quan trọng nhất là cần tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát lẫn chế tài đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đứng đầu DN. Đặc biệt, đơn vị nào làm chậm phải có nhắc nhở, kiểm điểm. Trường hợp danh mục thoái vốn cơ quan, DN đã đăng ký năm 2017 - 2018 không làm được thì cần mạnh dạn chuyển về SCIC.

Tới đây, Hội nghị đổi mới cơ cấu lại DN Nhà nước sẽ tiếp tục đề ra những quyết sách quan trọng trong đó khâu tổ chức thực hiện CPH sẽ gắn với các chế tài, trách nhiệm đối với người đứng đầu DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu; đồng thời đẩy mạnh việc công khai, minh bạch về lộ trình, tiến độ, kết quả và trách nhiệm người thực hiện. Lộ trình đó có giải pháp rõ ràng sẽ đảm bảo tiến độ CPH tại các DN Nhà nước. Hy vọng, thời gian tới tiến độ sẽ được cải thiện cả về số lượng cũng như nâng cao về chất lượng.