Dự án đường nối Phạm Hùng - Lê Đức Thọ

Nút thắt giải phóng mặt bằng vẫn siết chặt

Ngọc Hải - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án xây dựng tuyến đường nối Phạm Hùng - Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm) dự kiến thông xe vào năm 2021, nhưng đến nay vẫn dở dang do vướng mắc vị trí giải phóng mặt bằng (GPMB) cuối cùng tại ngõ 252 đường Mỹ Đình.

Khu vực ngõ 252, đường Mỹ Đình
Khu vực ngõ 252, đường Mỹ Đình

Dự án xây dựng tuyến đường nối Phạm Hùng - Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm) dự kiến thông xe vào năm 2021, nhưng đến nay vẫn dở dang do vướng mắc vị trí giải phóng mặt bằng (GPMB) cuối cùng tại ngõ 252 đường Mỹ Đình. Nút thắt GPMB này vẫn chưa có dấu hiệu được tháo gỡ do những bất cập trong thực tế, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người dân.

Người dân hoang mang

Trưởng Phòng TN&MT, UBND quận Nam Từ Liêm Phạm Ngọc Thắng cho biết, 90% khối lượng GPMB phục vụ thi công đường nối Phạm Hùng - Lê Đức Thọ đã được giải quyết. Hiện chỉ còn tồn tại 11 thửa đất nằm trong ngõ 252 đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 2 chưa giải phóng được. Trên 11 thửa đất này, kiểm đếm ban đầu có tới 127 trường hợp phải GPMB.

Ông Phạm Ngọc Thắng cũng cho biết, đối với những hộ đủ điều kiện sẽ được tái định cư bằng đất trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Một số trường hợp không đủ điều kiện sẽ được thuê mua nhà ở xã hội. Đây là bất đồng lớn nhất khiến người dân hoang mang và không đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư quận Nam Từ Liêm đưa ra.

Khu vực ngõ 252, đường Mỹ Đình nằm trong quy hoạch dự án đường nối Lê Đức Thọ với Phạm Hùng. Ảnh: Công Phạm
Khu vực ngõ 252, đường Mỹ Đình nằm trong quy hoạch dự án đường nối Lê Đức Thọ với Phạm Hùng. Ảnh: Công Phạm

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhiều hộ dân đang sinh sống tại ngõ 252 cho biết hầu hết họ đều sinh sống tại đây từ 20 - 40 năm qua, đất ở ổn định, không có tranh chấp. Các gia đình đã sinh trưởng qua nhiều thế hệ, cha mẹ chia đất cho con cái ở, cùng với một số ít người từ nơi khác đến mua đất xây nhà đã hình thành cả một cụm dân cư.

Tuy nhiên, khi thông báo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, UBND quận Nam Từ Liêm lại chỉ quy chủ có 11 cá nhân đứng tên sử dụng 11 thửa đất. Rất nhiều hộ gia đình tại đây đang có nguy cơ mất chỗ ở, hoang mang vì không biết phải đi đâu.

Ví dụ như trường hợp chị Vũ Thị Minh Trâm, con gái của ông Vũ Danh Phương - người đã sinh sống tại đây từ năm 1978. Ông Vũ Danh Phương chia đất cho ba người con, cùng sinh sống trên thửa đất số 153, tờ bản đồ số 6, rồi chuyển đến nơi ở khác. Hiện gia đình chị Trâm thuộc diện không được tái định cư bằng đất (vì ông Phương - bố chị đã có nơi ở khác), số tiền bồi thường được nhận chỉ hơn 800 triệu đồng. “Các chị em tôi đều đã có gia đình, con cái, không thể dắt díu nhau tất cả về sống chung với bố mẹ, bốn, năm gia đình, ba thế hệ trong một căn nhà. Mà hơn 800 triệu thì còn chưa đủ mua nhà ở xã hội. Gia đình chúng tôi như thế là mất chỗ ở, phải đi đâu?” - chị Trâm nói.

Một đoạn tuyến ngõ 252, đường Mỹ Đình. Ảnh: Công Phạm
Một đoạn tuyến ngõ 252, đường Mỹ Đình. Ảnh: Công Phạm

Bà Vũ Thị Lương - sống tại thửa đất số 154 cho biết, nhiều năm qua, do khu vực đất ở này bị đưa vào quy hoạch làm đường nên đại đa số các hộ dân không thể tách khẩu, không làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). “Thực tế là chúng tôi đã sống tại đây 40 năm qua, bố mẹ chia đất cho con cái ở, nay dự án lấy hết mấy trăm mét vuông, chúng tôi không còn nơi ở nào khác, chỉ bồi thương bằng tiền, với mức từ 18 - 20 triệu đồng/m2, không đủ mua nhà mới, chúng tôi phải sống thế nào?” - bà Lương cho biết.

Cần sự quan tâm thiết thực

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về những kiến nghị, lo lắng của người dân ngõ 252 đường Mỹ Đình, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam cho biết, hiện vẫn chưa thống kê và đưa ra hết các dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân.

Điều đó cho thấy UBND quận Nam Từ Liêm vẫn chưa nắm rõ hết thực tế ăn ở của người dân tại đây, chưa có phương án GPMB cụ thể dù dự án đã chậm trễ hoàn thành hơn một năm.

Khi được hỏi vì sao trong nhiều năm, từ trước khi có quy hoạch tuyến đường (trước năm 2002) các hộ gia đình đã có nguyện vọng làm GCNQSDĐ nhưng không được, Trưởng Phòng TN&MT Phạm Ngọc Thắng cho biết: “Khi đó còn là huyện Từ Liêm, huyện không có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ. Sau này thì do khu vực đất nằm trong quy hoạch làm đường nên không đủ điều kiện cấp”.

Ghi nhận thực tế cuộc sống của hàng chục hộ dân trong ngõ 252 đường Mỹ Đình cho thấy, môi trường ẩm thấp, nhếch nhác, thường xuyên bị ngập khi mưa to, cuộc sống của người dân khá gian nan trong tình trạng “treo” suốt hơn 20 năm qua vì quy hoạch.

Đến nay khi triển khai dự án, công tác bồi thường, GPMB lại chậm chạp, cứng nhắc dẫn đến những bức xúc, bất bình của người dân, khiến dự án có nguy cơ tiếp tục chậm nhiều năm nữa.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai – một cán bộ quân đội về hưu sinh sống tại khu vực này chia sẻ: “Nhà tôi mua về đây từ năm 1998, nay hai vợ chồng về hưu không còn nơi ở nào khác, đền bù mấy trăm triệu thì chúng tôi phải bám víu vào đâu?”.

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam nói: “Kiến nghị của nhiều gia đình chúng tôi đã nhận được, nhưng khung giá bồi thường áp dụng theo đúng quy định của Nhà nước. Quận cũng sẽ xin ý kiến TP để hỗ trợ thêm người dân nhưng chỉ ở phần công trình xây dựng trên đất”.
Trong khi đó, hơn 50 hộ dân thuộc diện mất toàn bộ đất tại ngõ 252 cho biết họ không đồng thuận, và muốn được tái định cư bằng đất vì thực tế không còn nơi ở nào khác.

Đó là hoàn cảnh thực tế của rất nhiều hộ gia đình trong ngõ 252. Người dân cũng đã gửi đơn kiến nghị, trình bày hoàn cảnh lên UBND quận Nam Từ Liêm, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải. Nhìn vào thực tế đó có thể thấy, nút thắt GPMB tuyến đường nối Phạm Hùng – Lê Đức Thọ sẽ còn siết chặt, gây trì trệ tiến độ dự án, đồng thời khiến người dân lâm vào cảnh sống hoang mang, chật vật.

Hơn lúc nào hết, người dân nơi đây cần sự quan tâm thiết thực của UBND quận Nam Từ Liêm, mong mỏi được đối thoại và tìm ra tiếng nói chung cho vấn đề GPMB. Tuy nhiên, khi nghe phản ánh nguyện vọng này, Trưởng Phòng TN&MT Phạm Ngọc Thắng lại cho rằng: “Đây là dự án làm đường nên không có chuyện thỏa thuận với dân”. Sự cứng nhắc ngay từ trong suy nghĩ đó có thể sẽ khiến vướng mắc, bất đồng sâu sắc thêm.