Ở nhà an toàn với bữa sáng tự nấu

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thời điểm giãn cách xã hội, một trong số những thay đổi trong sinh hoạt của nhiều gia đình là việc phải tự nấu bữa sáng mỗi ngày. Cuối tuần thay vì nghĩ đi đâu ăn gì, mỗi sáng, chúng ta thường hỏi nhau “Hôm nay muốn ăn món gì?”.

Thay đổi trong thói quen

Hà Nội quá nổi tiếng với những món ăn đường phố. Buổi sáng, người dân Thủ đô có thể ăn đủ món từ phở, bún, miến, xôi, bánh mỳ… Hầu hết gia đình trẻ đều có thói quen ăn sáng ở ngoài. Sáng trước khi đi học, trẻ em được bố mẹ mua cho cái bánh, hộp sữa. Hôm nào đi học sớm, trẻ được đưa đi ăn bún, phở. Người lớn thì tranh thủ thời gian hơn, sau khi đưa con em đi học, họ chọn những món ăn nhanh như bánh mì hay xôi.

Hà Nội bao năm nay phụ thuộc vào hàng quán như thế nhưng dịch dã khiến mọi thói quen của người dân phải thay đổi. Thay vì nghĩ xem nay đi đâu, ăn món gì thì chúng ta thường đặt câu hỏi cho nhau: “Sáng nay nấu món gì ăn nhỉ?”.
 Anh Phạm Nguyên Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) nấu ăn cho các thành viên trong gia đình. Ảnh: Minh An.

Chị Bùi Tú Anh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây tôi rất ít khi nấu ăn sáng nhưng từ khi có dịch ngày nào cũng phải nghĩ em sáng nay con ăn gì, chồng ăn gì. Trẻ con thì phải hỏi chúng từ hôm trước để dậy nấu. Hai vợ chồng đơn giản hơn, bát mì hoặc bánh mì. Nếu hôm nào cả nhà thèm phở hay bún, tôi hay mua ở trong chung cư, chủ yếu để lấy nước rồi chế thêm thịt rau vào cho đầy đặn”.

Có món ăn tưởng chừng như đơn điệu nhưng hoá ra rất thú vị đó là cơm rang. “Trước đây, cơm nguội nhà tôi thương để đến hôm sau để hấp lại. Nhưng vì dịch, cơm nguội được sử dụng để làm cơm rang cho bữa sáng hôm sau. Nghe có vẻ đơn giản nhưng để phục vụ đủ khẩu vị mỗi người lại nấu khác nhau. Trẻ con thì cơm rang mềm, người lớn thì rang giòn. Trẻ con thích trứng trọn đều, người lớn lại thích tách rời. Cả gia đình tranh luận về công thức nấu ăn rất sôi nổi” – Anh Đỗ Duy Khánh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết.

Từ ngày có Covid-19, nhiều người cũng phát hiện ra rằng, nấu ăn sáng có rất nhiều ưu điểm như: “Tiết kiệm chi phí, mặc dù không quá nhiều nhưng bạn sẽ sử dụng được hiệu quả nguyên liệu có sẵn, ít bị bỏ thừa mứa; phong phú thực đơn, dĩ nhiên là nhờ đó mà trình độ nấu ăn cũng tăng lên đáng kể; gia đình vô cùng gắn kết. Trong lúc ăn sáng, vợ chồng, con cái có dịp nói chuyện với nhau, hỗ trợ nhau trong việc nấu ăn và dọn dẹp. Quan trọng nhất, nấu ăn tại nhà thì cực kỳ sạch sẽ và an toàn. Không phải lo lắng việc quán nấu có sạch không, rau đã rửa kỹ chưa, đũa muỗng có bị dính vi trùng, virus hay không.

Kinh nghiệm nấu ăn sáng tại nhà

Trên các diễn đàn về nấu ăn trên mạng xã hội, nhiều bà nội chợ đã chia sẻ cách chuẩn bị đồ ăn sáng cho gia đình. Về thực đơn, chị em thường chia ra hai dạng: Món khô (cơm rang, bánh mỳ, phở xào, mỳ xào...) và món nước (bún, phở, mỳ, miến...). Với cách chia như vậy, chúng ta có thể lên thực đơn phong phú và không bị ngán hay lặp lại món cũ mỗi ngày. Trong tuần, các bà nội chợ có thể sắp xếp một món khô, một món nước, hay thậm chí các món khô hay các món nước mỗi ngày nhưng nội dung món khác nhau để không bị ngán.
 Đồ ăn sáng ở nhà đảm bảo vệ sinh và giảm chi phí, hợp khẩu vị của các thành viên gia đình. Ảnh: Minh An.

“Để nấu bữa sáng nhanh thì việc chuẩn bị là rất quan trọng. Cuối tuần, tôi thường dành thời gian để làm sẵn hành phi, tỏi phi, hành lá cắt sẵn, rau thơm xà lách nhặt sẵn. Với món khô, hầu như không tốn thời gian nhiều, chỉ cần bắc chảo cho nóng để làm trứng hay thịt bò, đôi khi thay đổi bằng các món đồ hộp nhhư cá hay xúc xích, thịt nguội... Khi dọn lên bàn, kết hợp với chút xà lách, cà chua là có được bữa sáng hoàn chỉnh” – chị Nguyễn Phương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.

Trên các diễn đàn, các “bà nội trợ” cũng vui vẻ chia sẻ rằng: Bữa sáng tôi làm ra không thể ngon hoàn hảo như ngoài quán, nhưng chắc chắn nó an toàn, sạch sẽ và đầy yêu thương. Và quan trong hơn cả, ăn sáng ở nhà an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đề kháng cần thiết cho các thành viên trong gia đình.