Ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Đâu là nguyên nhân?

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày tháng 12 này, ô nhiễm không khí ở Hà Nội lại nóng trên các phương tiện truyền thông.

Đây không phải là vấn đề mới vì hầu như năm nào, vào thời gian thời tiết giao mùa, cuối tháng 11 đến tháng 12 hàng năm, tình trạng không khí ở Hà Nội lại rơi vào trạng thái “SOS”.

Con số thuyết phục nhưng không mang tính đại diện

Ùn tắc giao thông, khí thải nhiều là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và môi trường. Ảnh: Thanh Hải
Ùn tắc giao thông, khí thải nhiều là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và môi trường. Ảnh: Thanh Hải

Tại thời điểm 13 giờ 25 phút ngày 13/12/2023, chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên hệ thống quan trắc của TP Hà Nội (moitruongthudo.vn) có đến 7 vị trí hiện thị màu nâu (tức kém) tương ứng chỉ số AQI từ 101-150. Đây là mức những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe, còn những người bình thường ít ảnh hưởng. Đáng nói, cũng vào thời gian này, tại Cổng thông tin quan trắc môi trường miền Bắc (Bộ TN&MT) Hà Nội nổi bật đầu tiên với chỉ báo màu nâu tại duy nhất một vị trí là đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) trùng với 1 vị trí của hệ thống quan trắc Thủ đô. Điều đó cho thấy, những cảnh báo qua hệ thống quan trắc là những con số thuyết phục về chất lượng không khí nhưng đấy chỉ là chỉ báo cho khu vực cụ thể tại thời điểm đó, không đại diện cho toàn bộ Hà Nội hay quận/huyện/thị xã của TP.

Theo các chuyên gia môi trường, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang ở trong mùa Đông, lượng nhiệt mặt đất nhận được từ mặt trời rất ít. Vào ban đêm và sáng sớm, mặt đất bị lạnh đi nhanh, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp không khí dưới đất lạnh hơn không khí bên trên. Đây là hiện tượng phân tầng ổn định, làm cho không khí nặng hơn không thể chuyển động lên phía trên. Tất cả các nguồn thải từ ô tô, xe máy và các nguồn ô nhiễm khác bị lưu giữ ở gần mặt đất.

Thường vào mùa Hè, ô nhiễm giảm hơn do thời tiết thường mưa nhiều, gió mạnh giúp bụi mịn được phát tán hoặc rửa trôi. Còn mùa Đông lặng gió, ít mưa kèm với những ngày nghịch nhiệt với lớp sương mù dày đặc làm giảm khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm quẩn quanh ở tầm thấp hoặc không được rửa trôi.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, dù thời tiết Hà Nội có những đặc thù và diễn ra hằng năm, song với chỉ số AQI nói trên, rõ ràng chất lượng không khí của Hà Nội đã được cải thiện nhiều so với những năm 2020 trở về trước. "Còn nhớ, thời điểm những năm trước đó, Hà Nội có nhiều chỉ báo màu đỏ, thậm chí có màu tím – tức là chất lượng không khí rất xấu, người khỏe cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng chứ đừng nói tới người nhạy cảm" - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.

Hà Nội không thể nỗ lực một mình

Để có được kết quả đó, TP Hà Nội đã không ngừng nỗ lực trong việc xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công. Thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt 80%. Đồng thời, đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Cùng với đó, triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn. TP cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải…

Tuy nhiên những nỗ lực ấy sẽ khó mang lại được hiệu quả như mong muốn nếu không có sự chung tay của toàn xã hội. Bởi theo kết quả của Viện Khí tượng Phần Lan trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật quản lý chất lượng không khí của Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xác định các nguồn thải ô nhiễm không khí thông qua việc lấy mẫu, phân tích thành phần hóa học của bụi PM2.5 và ứng dụng mô hình PMF tại TP Hà Nội cho thấy, khoảng 50% khối lượng bụi mịn PM2.5 là chất hữu cơ, đến từ các nguồn sau quá trình đốt cháy trong công nghiệp (dùng các chất nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt…); quá trình đốt sinh khối (từ rơm rạ, chất thải rắn…).

Cùng với đó là các quá trình bụi mịn di chuyển từ xa; từ giao thông; 33% (1/3) khối lượng bụi mịn PM2.5 là từ các hợp chất vô cơ thứ cấp, các nguồn thải di chuyển từ xa đến, hoặc cũng có thể từ các nguồn thải của Hà Nội.

“Hà Nội đã rất nỗ lực để thực hiện cải thiện chất lượng không khí. Ô nhiễm không khí có tính chất lan truyền rộng liên quan đến nhiều khu vực, tỉnh, thành. Tuy nhiên hiện nay đang thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ, biện pháp triển khai đồng bộ, hiệu quả từ T.Ư đến địa phương, liên kết giữa các tỉnh, TP trong khu vực. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa tại TP Hà Nội diễn ra nhanh chóng với hàng nghìn công trường xây dựng phát sinh hàng ngày một lượng lớn bụi vào môi trường.

Đáng nói, tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu xăng và tiêu chuẩn khí thải hiện nay áp dụng đối với xe ô tô còn thấp so với thế giới, thiếu các quy định cụ thể về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP; quy định về lộ trình nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô đang lưu hành, xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng… Vì thế, cải thiện chất lượng không khí của Hà Nội thì không thể một mình Hà Nội làm được” – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.

 

Trước tình trạng tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là khu vực TP Hà Nội và các tỉnh lân cận đang có diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) mới đây đã ban hành Công văn số 4108/KSONMT-CLMT đề nghị Sở TN&MT các tỉnh, TP khẩn trương chỉ đạo, tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định.