Ô nhiễm môi trường: Hệ quả buông lỏng quản lý từ cơ sở

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong các vấn đề đô thị nói chung và phòng tránh ô nhiễm môi trường nói riêng, tính đồng bộ của các cấp, ngành, cơ quan quản lý, kết hợp với ý thức người dân rất cần thiết được duy trì.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại tư duy thờ ơ, chậm trễ, đặc biệt diễn ra ở cấp cơ sở dẫn đến kế hoạch chung của cả TP bị kéo chậm.

Còn tư duy thờ ơ

Tại phiên chất vấn HĐND TP về vấn đề ô nhiễm đô thị vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thẳng thắn chỉ ra sự thiếu trách nhiệm của không ít lãnh đạo địa phương. “Trong chừng mực quản lý, lãnh đạo các cấp, đặc biệt cấp cơ sở xã, huyện, sở ngành đã quan tâm đầy đủ chưa? Quả thực là chưa ăn cùng, ngủ cùng, nghĩ về... Chính vì vậy mới có sự chậm trễ, buông lỏng trong quản lý, lơ là.

Ô nhiễm môi trường: Hệ quả buông lỏng quản lý từ cơ sở - Ảnh 1

Cảm giác như không trực tiếp ảnh hưởng đến mình. Điều đó rất là nguy hiểm, hậu quả rất ghê gớm, ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân, con cháu chúng ta. Chưa tương xứng với thực trạng chung” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Nhận định của người đứng đầu TP là rất xác đáng, khi không ít nơi, chính quyền cấp cơ sở tỏ ra khá chậm chạp nếu so sánh với tốc độ phát sinh của các vấn đề ô nhiễm đô thị như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, bụi... Mặc dù hiện nay do sự phát triển của công nghệ thông tin, các lực lượng chức năng đã có nguồn tiếp cận phản ánh đã cao hơn rất nhiều. Thậm chí, ngay cả những vị trí có nhiều cơ quan nhà nước, tình trạng xưởng sản xuất ô nhiễm cũng diễn ra một cách vô tư.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đối diện tòa nhà Viettel, tòa liên cơ Bộ LĐTB&XH (Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) là dãy mái lợp tôn lụp xụp với cả chục cơ sở kinh doanh, sản xuất đá ốp lát. Tại đây, hàng loạt nguy cơ về ô nhiễm diễn ra khi hoạt động bên trong các nhà xưởng gây ra tiếng cắt xẻ đinh tai nhức óc, kèm theo bụi đá bốc lên khiến cả đoạn đường lúc nào cũng mù mịt. Tất cả chỉ được ngăn cách bằng một lớp hàng rào tôn mỏng, không có tác dụng trong hạn chế ô nhiễm lây lan ra bên ngoài.

Phía sau, phóng viên ghi nhận được tình trạng bụi đóng cặn thành những lớp dày, nước thải không được xử lý mà đổ thẳng ra môi trường và tạo ra nhiều nguy cơ cho môi trường đất, nước về lâu dài. Theo người dân sống gần khu vực này, các nhà xưởng đã hoạt động trong thời gian dài nhưng ít thấy chính quyền địa phương kiểm tra.

Điều đáng nói, sự thiếu quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường không chỉ diễn ra ở các cấp quản lý mà tồn tại ở không ít cơ sở kinh doanh, sản xuất trực tiếp gây ra các vấn đề ô nhiễm.

Như tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, trước đó một số hộ sản xuất trong khu dân cư, gây ra ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân, nguy cơ ô nhiễm. Phải đến khi người dân phản ánh quá nhiều, các hộ này mới chịu di dời. Đây chỉ là một vài ví dụ cho thấy công tác phòng ngừa, hạn chế nguồn nguy cơ gây ô nhiễm đô thị đang còn sơ sài, thiếu quyết liệt.

Cần làm rõ trách nhiệm

Theo chuyên gia Bùi Đức Hiển, phòng Luật Tài nguyên và Môi trường, Viện Nhà nước và pháp luật, cần từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân; tạo điều kiện về hạ tầng để các hộ kinh doanh sản xuất, DN có mặt bằng ổn định, lâu dài; đồng thời mở rộng cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trong quá trình sử dụng đất, giá thuê đất. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện khi chính quyền sở tại có sự quyết liệt, công bằng trong công tác điều hành, quản lý.

Làm rõ hơn về nhận định này, phóng viên đã có trao đổi với Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Học, qua đó được biết, quá trình xử lý theo phản ánh của người dân về ô nhiễm trong khu dân cư, UBND xã, UBND huyện đã lập kế hoạch di chuyển các cơ sở sản xuất làng nghề cho xã Tân Lập và thực hiện di chuyển theo kế hoạch vào các cụm công nghiệp, tránh ra xa khu dân cư, không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân. Nhưng ngay trên địa bàn huyện, DN di chuyển từ xã này sang xã khác đã gặp nhiều khó khăn vì vấp phải sự phản ứng của người dân địa phương.

“Thời điểm đó, địa bàn xã không có quy hoạch nên một số DN phải chuyển vào hoạt động tại cụm công nghiệp Phương Đình. Tuy nhiên, người dân ở đó liên tục phản ánh nên một lần nữa phải di chuyển, có trường hợp phải sang tận Thanh Oai để tiếp tục hoạt động. Việc các DN xuất thân từ xã nhưng không có điều kiện phát triển phần nào đó cũng gây ảnh hưởng tới những đóng góp xây dựng địa phương” - Chủ tịch UBND xã Tân Lập chia sẻ.

Trong khi đó, tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, dù Cụm làng nghề mộc xã Liên Hà đã được xây dựng, thành lập và đưa vào hoạt động nhưng độ phủ còn rất thấp. Nhiều hộ gia đình vẫn không di chuyển vào khu sản xuất tập trung mà tiếp tục hoạt động theo kiểu tự phát, lấn đê và gây ra tình trạng ô nhiễm diễn ra nặng nề.

Theo chia sẻ của người dân địa phương, các nhà xưởng đánh giấy ráp, phun sơn... sau đó thổi quạt khiến bụi gỗ, hóa chất tỏa ra khắp nơi. Nghịch lý nơi thừa, nơi thiếu này cho thấy dường như các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Đan Phượng còn thiếu quyết liệt, chưa thể hiện rõ vai trò trong công tác quản lý, cũng như tạo điều kiện phù hợp cho DN phát triển kinh tế.

Chính vì thực trạng trên, chuyên gia Bùi Đức Hiển cho rằng: Trước hết, cần xác định rõ trách nhiệm của từng cơ sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tác hại của ô nhiễm môi trường. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các địa phương, ở đâu bị phản ánh nhiều nhưng không giải quyết được thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm; qua đó, tạo ra tính đồng bộ, kết nối chặt chẽ từ cơ sở đến các cấp cao hơn.

Tất cả phải được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành. Mặt khác, các quy định pháp luật hiện hành cần thể hiện rõ vai trò của người dân vì đây là nhóm người chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng như giám sát, phản ánh liên tục các vấn đề diễn ra hàng ngày.

 

"Sang năm 2023, TP sẽ triển khai đồng loạt giải pháp nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính. Các cơ quan phải thường xuyên đôn đốc, nhắc việc phải làm bằng các phương pháp nâng cấp các phần mềm quản lý mới. Đồng thời, UBND TP sẽ phân cấp rõ hơn giữa phạm vi trách nhiệm của các địa phương, sở, ngành để tập trung xử lý quyết liệt. Làm rõ vai trò của từng đơn vị trong quá trình thực hiện, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm tổ chức tốt hơn về phân cấp, phân quyền, phân chia công việc để đạt hiệu quả cao hơn về công tác hành chính." - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh