Ô nhiễm môi trường tại An Khánh, huyện Hoài Đức: Bao giờ mới được xử lý?

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tác hại từ các chất hữu cơ khó phân hủy trong khói rác thải mang đến vô vàn hệ lụy đối với sức khỏe con người. Vậy mà tại thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, điều này trở thành nỗi ám ảnh suốt nhiều năm ròng rã.

Nỗi ám ảnh kéo dài

Phản ánh đến Kinh tế & Đô thị, những hộ dân đang sinh sống tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức cho biết, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn thôn Ngãi Cầu đã diễn ra trong nhiều năm qua. Nguyên nhân bắt nguồn từ khu tập kết rác chỉ cách khu vực dân cư sinh sống chưa đầy 100m.

Theo đó, khu vực này là điểm tập hợp của các xe rác trung chuyển, tuy nhiên do không được xử lý đúng cách, cũng như tình trạng vứt rác, đốt trộm rác thải diễn ra thường xuyên khiến môi trường sống của người dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khói rác thải âm ỉ ngày đêm. Ảnh: Văn Trọng
Khói rác thải âm ỉ ngày đêm. Ảnh: Văn Trọng

Người dân đã nhiều lần phản ánh đến UBND xã An Khánh nhưng 8 năm qua, tình trạng ô nhiễm không những không thuyên giảm mà còn ngày càng biến tướng. Tại thôn Ngãi Cầu, đã có không ít gia đình đã phải chuyển đi nơi khác sinh sống vì không chịu được ô nhiễm nghiêm trọng.

Ghi nhận của Kinh tế & Đô thị tại khu Vườn Ươm (địa điểm tồn tại bãi tập kết rác), thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh cho thấy, mùi hôi thối bốc lên từ các loại rác thải phân hủy, hút theo hàng đàn ruồi nhặng bu bám, cộng với mùi oi nồng của khói nhựa quẩn quanh càng khiến không khí trong khoảng bán kính vài trăm mét trở thành nỗi ám ảnh.

Nghiêm trọng hơn, nhiều tầng tro bụi ở giữa bãi tập kết thể hiện việc đốt rác đã diễn ra từ lâu và đang lan dần xuống lòng đường, màn khói mờ âm ỉ ngày đêm không thể dập tắt. Không chỉ có rác thải sinh hoạt, phóng viên còn ghi nhận thêm nhiều loại phế phẩm công nghiệp như nhựa, sợi len, hóa chất... đặc biệt gây hại cho sức khỏe con người bị vứt và đốt tràn lan.

Ông Nguyễn Viết Huynh, xóm 5, thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh cho biết, tình trạng đốt trộm diễn ra bất kể thời gian nào trong ngày nhưng phức tạp nhất là ban đêm khiến suốt chục năm qua, người dân địa phương phải “bịt mũi” mà sống.

Khó xử lý?

Chia sẻ với phóng viên, chị Chu Thị Bình, thôn Ngãi Cầu không giấu nổi sự bất an về môi trường sống đang bị phá hủy, ảnh hưởng tới sức khỏe. "Nhiều đêm tôi và mọi người trong thôn phải thức dậy để đi dập lửa ở bãi rác, tự cắt cử người trông coi nhưng vẫn không chấm dứt được tình trạng này. Người dân cũng từng được kiến nghị tại nhiều cuộc họp, phản ánh đến UBND xã để cơ quan chức năng có phương án xử lý triệt để nhưng đến nay tình trạng đốt rác vô tội vạ vẫn tồn tại" - chị Bình chia sẻ.

Không chỉ thế, quanh khu tập kết rác còn bị biến tướng thành nơi đổ phế thải xây dựng, phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng thường xuyên đi lại gây ô nhiễm và hư hại đường sá…, rơi vãi khắp nơi.

Mang theo tâm tư của người dân thôn Ngãi Cầu, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh Nguyễn Đăng Lợi. Qua đó được biết, bãi rác gây ô nhiễm hiện tại vốn là điểm trung chuyển của Hợp tác xã Thành Công.

Ông Nguyễn Đăng Lợi cũng cho biết thêm, xã đã tiếp nhận những phản ánh liên quan đến tình trạng rác thải bị đốt trộm, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong thời gian dài và hiện đang tìm phương án tháo gỡ.

“Thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chúng tôi đã huy động máy xúc để dọn dẹp sạch sẽ khu vực bãi rác để người dân yên tâm đón năm mới. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm tái phát chỉ vài tháng sau đó vì người dân tiếp tục đổ trộm phế phẩm, rác thải rồi đem đốt, việc kiểm soát, bắt quả tang là rất khó khăn. Hiện UBND xã đang nghiên cứu phương án xã hội hóa để di chuyển bãi tập kết tới địa điểm khác” - Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh nói.

Mặc khác, ông Nguyễn Đăng Lợi cũng cho rằng, việc người dân vứt rác thải vô tội vạ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm, mất vệ sinh. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan quản lý địa phương, lãnh đạo UBND xã An Khánh cần nghiêm túc nhìn nhận về công tác kiểm soát môi trường đã được thực hiện tốt hay chưa, thay vì đùn đẩy trách nhiệm về phía người dân.

Cần nói rõ, tình trạng san lấp, lấn chiếm đã từng được Kinh tế & Đô thị phản ánh từ năm 2020 nhưng khi được phóng viên cung cấp hình ảnh hiện trạng, đại diện UBND xã An Khánh lại khẳng định là mới phát sinh và sẽ cho kiểm tra!?.

Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin tiếp về sự việc tới bạn đọc.

 

"Việc đốt rác thải nhưng không kiểm soát được quy trình khiến khí thải phát ra không thu được mà đưa hết vào môi trường, đầu tiên là môi trường không khí, sau đó lắng đọng xuống môi trường đất và nước. Vật dụng bị cháy có nhiều thành phần, có các cấu tử độc hại, tạo ra lượng khí độc rất lớn trong luồng khói, khi con người hít phải sẽ gây ra nhiều nguy cơ về sức khỏe, bệnh tật." - PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Đại học Bách khoa Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần