Tuy nhiên dù giá giảm nhưng lượng tiêu thụ lại không tăng, đặc biệt xe trong nước sản xuất còn giảm hơn so với cùng kỳ.
Hàng loạt mẫu xe giảm giá
Trong tháng 5, thị trường ô tô ghi nhận việc các hãng xe ô tô đồng loạt giảm giá bán, mẫu Ford Everest có mức giảm mạnh nhất, từ 46 - 134 triệu đồng/chiếc, tùy từng phiên bản. Cụ thể như mẫu xe Focus có mức giảm lên tới 88 - 89 triệu đồng/xe. Mẫu xe bán tải Ranger hiện được điều chỉnh giảm 25 - 70 triệu đồng/chiếc, mẫu SUV - Ford Ecosport có mức giảm 40 - 68 triệu đồng/chiếc, tùy từng phiên bản. Ngay cả mẫu xe thương mại Ford Transit cũng điều chỉnh giảm 62 - 64 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, các dòng xe của Nissan Việt Nam như mẫu SUV X-Trail cao cấp cũng giảm giá từ 49 - 85 triệu đồng/chiếc. Mua một số dòng xe khác của Nissan như Sunny, Navara, Teana, Juke, khách hàng còn được tặng phụ kiện hoặc tiền mặt trực tiếp từ 10 - 30 triệu đồng. Toyota là hãng xe rất ít khi có những chương trình khuyến mại, giảm giá, thế nhưng trong tháng 5, hãng tiếp tục giảm giá 90 triệu đồng cho xe Camry và được trừ trực tiếp vào giá bán. Các mẫu xe khác như Vios giảm khoảng 30 triệu đồng/chiếc, Altis giảm 30 - 40 triệu đồng/chiếc, Innova giảm 45 triệu đồng/chiếc.
Đại diện Hyundai Thành Công cho biết, hiện đang giảm giá 70 triệu đồng cho mẫu xe Hyundai SantaFe, còn Hyundai Elantra giảm 50 triệu đồng/chiếc…
Không chỉ tổ chức chương trình giảm giá cho xe đời mới, một số cửa hàng còn đưa ra chương trình khuyến mại cho xe đã qua sử dụng. Như cửa hàng Toyota Cầu Diễn hay Ford Thanh Xuân đưa ra chương trình khuyến mại bảo hành, bảo dưỡng miễn phí động cơ và hộp số cho xe trong 6 tháng hoặc 12.000km với khách hàng mua xe đã qua sử dụng. Đại diện DN kinh doanh ô tô cũ trên đường Phạm Hùng cho biết: Nhằm kích cầu tiêu dùng, hiện hầu hết DN kinh doanh xe ô tô đã qua sử dụng tùy thuộc vào loại xe Huyndai Grand i10, Kia Morning, Kia K3, Huyndai Avante, Toyota Vios… đều chấp nhận cắt lỗ khoảng 30 - 40 triệu đồng, qua đó giảm giá từ 20 - 70 triệu đồng/chiếc.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề các hãng xe có tiếp tục giảm giá bán nữa hay không, ông Lai Vũ Trường - Trưởng phòng kinh doanh Toyota Thăng Long cho biết: Nguyên nhân khiến giảm giá xe chủ yếu là giành thị phần, nên mức giảm giá nhìn có vẻ nhiều, nhưng số lượng xe được áp dụng khuyến mại thực chất lại ít, chẳng hạn chỉ có khoảng 300 xe Toyota Camry 2.5Q được giảm giá 90 triệu đồng/xe. Dự kiến, tháng 7, khi hãng sản xuất không thực hiện các chương trình khuyến mại thì rất có thể giá xe sẽ trở lại như cũ.
Đắt hơn hàng ngoại, xe nội khó tiêu thụ
Nhiều người cho rằng, việc các hãng ô tô liên tục giảm giá bán sẽ kích cầu sức tiêu thụ xe lắp ráp trong nước, nhưng thông tin từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tháng 4/2017, doanh số bán hàng của toàn thị trường chỉ đạt 21.942 xe, giảm 18% so với tháng 3 và giảm 15% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước giảm 5% thì xe nhập khẩu (NK) lại tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam: Nguyên nhân khiến xe ô tô sản xuất trong nước chưa được người tiêu dùng tín nhiệm là do ngành ô tô mới ở mức độ lắp ráp đơn giản gồm hàn, sơn, kiểm tra…, dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt 65 - 70%, Thái Lan đạt tới 80%. “Tỷ lệ nội địa hóa thấp như vậy thì xe trong nước không thể rẻ như mong đợi” - ông Long khẳng định.
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài cũng làm rõ thêm một số nguyên nhân khiến xe sản xuất trong nước đắt. Trước hết là do sản lượng tích lũy trong nước thấp (DN đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế). Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn không bằng xe NK. Quan trọng hơn cả là ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang phải đóng thuế và phí quá cao. Thực tế, để hoàn thành một chiếc xe, DN ngành công nghiệp ô tô phải đóng thuế NK linh kiện 10 - 30% (DN đóng, tính vào giá xe); thuế tiêu thụ đặc biệt 40 - 60%, tùy theo dung tích xe; thuế VAT 10%; thuế thu nhập DN (tính vào giá xe) 22%. Ô tô ra đường còn phải chịu lệ phí trước bạ với mức 10% hoặc 15%, tùy theo tỉnh, TP. Phí kiểm định, phí cấp biển số, phí đảm bảo an toàn kỹ thuật... Phí bảo trì đường bộ đóng 2 lần (thu qua đầu phương tiện và thu qua trạm BOT). Chưa hết, còn một loạt phí khác như phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn… “Trước đây, thuế NK linh kiện thường thấp hơn thuế NK xe nguyên chiếc nên xe lắp ráp rẻ hơn xe NK. Nhưng gần đây, với những ưu đãi thuế, ví như thuế NK xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm còn 30%, đến năm 2018 còn 0%, nhưng thuế NK linh kiện vẫn ở mức 20 - 30%. Như vậy xe lắp ráp vẫn sẽ đắt hơn xe NK từ các nước ASEAN” - ông Hoài phân tích.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ ngày 1 - 15/5, Việt Nam NK hơn 4.700 ô tô với trị giá hơn 98 triệu USD, giá trung bình khai báo hải quan NK vào Việt Nam trong tháng 5 là hơn 20.800 USD/chiếc (tương đương khoảng 470 triệu đồng). Như vậy, giá xe NK trong tháng 5 đã giảm 90 triệu đồng/chiếc so với tháng 4. Về nguồn gốc xuất xứ, NK xe từ các nước ASEAN chiếm 54%, nhiều nhất là từ Thái Lan, kế đến là Indonesia... |