70 năm giải phóng Thủ đô

Ô tô giảm giá qua thuế, phí

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau khi thị trường ô tô có dấu hiệu khởi sắc nhờ quyết định giảm thuế trước bạ xuống còn 10 - 15% của Chính phủ, giới chuyên gia dự báo trong thời gian tới, sản lượng bán hàng có thể còn tiếp tục tăng mạnh hơn nữa, nhất là sắp tới Việt Nam thực hiện cam kết giảm thuế nhập khẩu.

Doanh số bán ra tăng

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng sản lượng bán ô tô trên toàn thị trường đến tháng 6/2013 đạt 9.731 xe, tăng 11% so với tháng trước và tăng 42% so với cùng kỳ năm 2012. Sức mua ô tô đang cho thấy đà hồi phục mạnh với lần thứ 4 liên tiếp đạt sản lượng bán hàng tháng sau vượt tháng trước. Dự báo, sản lượng bán hàng trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục khả quan.

"Thông thường, thời điểm từ mùa hè tới cuối năm, nếu không có biến động gì thì doanh số bán hàng sẽ cao hơn những tháng đầu năm. Năm nay có những thay đổi ưu đãi về thuế, phí nên chắc chắn doanh thu sẽ tăng lên theo từng tháng" - đại diện một đại lý ô tô tại Hà Nội nhận định. Tuy nhiên, hy vọng để thị trường ô tô bùng nổ vẫn phụ thuộc vào lộ trình giảm thuế đối với mặt hàng này. Theo quy định pháp luật thuế hiện hành, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam phải chịu ba loại thuế: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.

Ô tô giảm giá qua thuế, phí - Ảnh 1

Hiện, thuế nhập khẩu xe dưới 9 chỗ đang áp dụng mức phổ biến 72 - 83%. Theo cam kết trong ASEAN, đến năm 2018 một số dòng xe nguyên chiếc nhập khẩu sẽ áp dụng thuế suất 0%. Trước mắt, từ năm 2014, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam dự kiến sẽ giảm còn 50%. Xe nhập khẩu từ các nước thành viên WTO cũng sẽ giảm mạnh. Cụ thể, đối với cam kết trong WTO, tất cả các loại ô tô sẽ phải cắt giảm thuế suất xuống 70% sau 7 năm gia nhập, tức năm 2014. Và đến năm 2017, thuế suất áp dụng chỉ còn khoảng 47%. Mức thuế này tiếp tục được cắt giảm đến năm 2019.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, trong bản Dự thảo xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp ô tô giai đoạn mới đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Công Thương đã lên phương án  giảm 50% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (riêng loại xe được lựa chọn là xe chiến lược sẽ được giảm thuế 70%) và 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô đăng ký lần đầu. Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô dưới 10 chỗ, trừ loại chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học dao động từ 45 - 60%, trong khi đó, lệ phí trước bạ với ô tô đăng ký lần đầu là 10 - 15% (ngày 2/7, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XIV vừa thông qua mức thu lệ phí trước bạ ô tô trên địa bàn ở mức 12%), từ lần thứ hai trở đi áp mức 2%.

Theo Bộ Công Thương, nếu thực hiện giảm một nửa thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với xe chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu, kỳ vọng sức mua ô tô trên thị trường sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 20%/năm.

Áp lực giảm giá trên thị trường Việt Nam

Sức ép cạnh tranh từ thị trường ô tô giá rẻ khi Việt Nam thực hiện cam kết giảm thuế cho ô tô đang mở ra kỳ vọng làm thay đổi đáng kể thị trường trong nước trong vài năm tới.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về nước cộng dồn trong 6 tháng đầu năm ước đạt 16.000 xe, tương ứng là giá trị kim ngạch 308 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2012, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc nửa đầu năm 2013 đã đạt mức tăng trưởng 17,8% về lượng và 7,5% về giá trị.

Đáng chú ý, lượng xe từ Hàn Quốc thường duy trì vị trí dẫn đầu nhưng đã bắt đầu có sự sụt giảm đáng kể. Trong khi đó, xe nhập khẩu từ Thái Lan dù vẫn đứng thứ hai, nhưng lượng xe đã tăng gần 85% trong thời gian qua. Ngoài ra, với việc thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam dự kiến giảm về mức 50% sẽ khiến giá một số mẫu xe nhập khẩu bằng giá của xe lắp ráp trong nước. Những mẫu xe có sản lượng thấp, chỉ bán dưới 1.000 xe/năm có chi phí cao sẽ không có lợi thế cạnh tranh với xe cùng loại nhập khẩu nguyên chiếc. Bên cạnh đó, ngay cả với những mẫu xe có sản lượng lớn, vẫn có lợi thế cạnh tranh cũng bị gây sức ép. Điều này sẽ tạo ra áp lực khiến xe lắp ráp sản xuất trong nước phải tìm cách giảm giá thấp hơn để cạnh tranh hoặc nhận thấy sản xuất không có hiệu quả sẽ phải ngừng sản xuất và chuyển sang nhập khẩu.