Dây chuyền lắp ráp xe ô tô du lịch cao cấp tại Nhà máy THACO, Khu công nghiệp Chu Lai. Ảnh: Việt Dũng |
Thời điểm cụ thể giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ là vấn đề đang được bàn nhiều trong thời gian qua. Dự thảo Nghị định đã được Bộ Tài chính hoàn thành, tuy nhiên, việc ban hành nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào tiến độ lấy ý kiến các cơ quan liên quan và Bộ Tư pháp.
1 - 2 tháng nữa, lệ phí trước bạ ô tô mới giảm?
Ngày 29/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tại Nghị quyết, Chính phủ đưa ra hàng loạt giải pháp thuộc thẩm quyền Chính phủ (giải pháp thực hiện, không phải trình lên Quốc hội), trong đó có việc "Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước". Đồng thời, Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai cho hay, hiện hồ sơ Dự thảo đã được hoàn thành và đang lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Sau đó, theo quy trình, dự thảo này sau đó phải lấy xin ý kiến các bộ, ngành và sự thẩm định của Bộ Tư pháp. Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sẽ trình xin ý kiến Chính phủ. "Bộ Tài chính sẽ cố gắng tối đa để trình Thủ tướng sớm nhất văn bản này" - bà Mai thông tin.
Tại Dự thảo, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ quy định cụ thể các tiêu chí về đối tượng được hưởng ưu đãi, cụ thể là ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước vì mức thu lệ phí trước bạ hiện hành đang áp dụng chung cho tất cả các loại xe. Về thời điểm cụ thể, nhiều ý kiến hy vọng, trong vòng 1 - 2 tháng nữa, lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50%. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho hay: "Bộ đang chạy đua với thời gian để hoàn tất các thủ tục xây dựng và hoàn thiện dự thảo nghị định này. Vấn đề là phụ thuộc với thời gian các bộ cho ý kiến và thẩm định của Bộ Tư pháp".
Nghe ngóng, chờ đợi
Thông tin giảm lệ phí trước bạ 50% đã làm nóng dư luận trong tuần qua. Nhiều người dân có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, hy vọng ô tô giảm giá, để có cơ hội tậu xế hộp. Nếu chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ được thông qua, khách hàng mua ô tô lắp ráp trong nước sẽ tiết kiệm được từ 15 - 298 triệu đồng tùy theo phiên bản, mẫu mã. Theo tính toán, với dòng xe giá rẻ, được lắp ráp trong nước như Kia Morning, Hyundai i10 có giá từ 290 triệu đến 400 triệu đồng, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp chi phí lăn bánh giảm hàng chục triệu đồng. Còn đối với các dòng xe đắt tiền hơn như VinFast, Mecerdes-Ben với mức giá trên dưới 2 tỷ đồng, người mua sẽ tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng tùy từng mẫu. Ví dụ, một khách hàng tại Hà Nội mua chiếc Mercedes S450L lắp ráp trong nước giá khoảng 4,2 tỷ đồng, phí trước bạ phải nộp ở mức hơn 500 triệu đồng. Nếu loại phí này giảm 50%, khách mua xe sẽ tiết kiệm được khoảng 250 triệu đồng.
Ngoài ra, theo quy định hiện nay, tùy mỗi địa phương, khu vực cách tính lệ phí trước bạ có sự chênh lệch khác nhau. Cụ thể, ở khu vực I, bao gồm Hà Nội, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ khách hàng mua ô tô phải đóng lệ phí trước bạ 12% tương đương giá tính phí trước bạ. Khu vực II gồm Hà Tĩnh mức đóng lệ phí trước bạ ô tô là 11%. Trong khi khu vực III gồm TP Hồ Chí Minh và các tỉnh còn lại, khách mua xe phải đóng lệ phí trước bạ tương đương 10% giá tính phí trước bạ. Trong khi đó, xe bán tải, xe VAN đóng lệ phí trước bạ bằng 60% mức thu ô tô con. Ở lần nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi, mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Anh Nguyễn Tuấn (Hà Đông - Hà Nội) cho hay, nếu chính sách giảm thuế 50% chỉ kéo dài từ nay đến hết năm 2020 mà nghị định hướng dẫn chi tiết chậm ban hành và có hiệu lực thì thời gian thực hiện không còn nhiều. Cơ hội giảm chi phí sở hữu 4 bánh của người dân sẽ giảm đi. Vì thế, mục tiêu kích cầu của chính sách này sẽ giảm hiệu quả.
Theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ đã đồng ý với chính sách “giảm giá” để hỗ trợ người dân, đồng thời cũng là hỗ trợ các DN sản xuất trong nước trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đáng lưu ý, chính sách này chỉ kéo dài từ nay đến hết tháng 12/2020. Như vậy, chỉ còn 7 tháng để triển khai. Nếu như nghị định chi tiết kéo dài đến 2 - 3 tháng sau mới ban hành thì thời gian thực hiện còn lại không nhiều, không thể phát huy được hiệu quả như mong muốn. Vì người mua xe tất nhiên sẽ tiếp tục chờ đến khi nào được áp dụng chính sách mới.
Như vậy, có thể thấy, phí trước bạ được Chính phủ quyết định giảm 50%, giờ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng làm sao đưa ra văn bản kịp thời, khẩn trương. Trong bối cảnh này, nếu làm không kịp thời, chậm trễ sẽ dẫn đến việc người dân mất niềm tin với các chính sách hỗ trợ.
Theo các thông tin, Dự thảo Nghị định đã được Bộ Tài chính hoàn thành và đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Như vậy, để chính sách này có hiệu lực, người dân có nhu cầu mua ô tô có thể nhanh chóng được hưởng chủ trương giảm 50% lệ phí trước bạ này, phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ làm việc của các cơ quan chức năng. Nếu quy định này chậm có hiệu lực thì cơ hội để giảm chi phí cho một chiếc ô tô lăn bánh cũng theo đó giảm đi. Và mục tiêu kích cầu theo đó cũng giảm đi ý nghĩa và hiệu quả. Luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco |
Chưa thể biết chính xác thời điểm người mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ. Lý do là, việc này còn phụ thuộc vào thời gian tham gia ý kiến các tổ chức, cá nhân, bộ, ngành và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính Phạm Đình Thi |