Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ốc bươu đen- Mô hình kinh tế triển vọng ở miền núi

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Mô hình nuôi ốc bươu đen đang hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao vì nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng, trong khi loài “đặc sản” này ở tự nhiên dần cạn kiệt.

Tháng 6/2022, ông Phạm Văn Đá (tổ dân phố Kon Dung, thị trấn Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) bắt đầu thả nuôi 9.000 con ốc bươu đen trên diện tích mặt ao 100m2. Sau gần 6 tháng nuôi, gia đình xuất bán được 3 tạ ốc.

Ao nuôi ốc bươu đen của gia đình ông Phạm Văn Đá.
Ao nuôi ốc bươu đen của gia đình ông Phạm Văn Đá.

“Ốc bươu đen sinh trưởng rất nhanh mà lại rất dễ nuôi, bởi bất cứ rau, củ, quả nào ốc cũng ăn được như: Cám gạo, lá khoai mì, lá chuối, lá đu đủ…  Sau khi nuôi gần 6 tháng đã có trọng lượng bình quân từ 25 - 30 con/1 kg, giá bán ra thị trường từ 70 đến 100 ngàn đồng/kg. Nhu cầu tiêu thụ loài này rất lớn, so với các loại cá gia đình đang nuôi thì ốc bươu đen hiệu quả hơn”- ông Đá so sánh.

Ốc bươu dễ nuôi, sinh trưởng nhanh.
Ốc bươu dễ nuôi, sinh trưởng nhanh.

Ông Đá nhẩm tính, nếu trừ tiền mua ốc giống, tiền thức ăn, tiền thuốc phòng bệnh thì vẫn còn lãi khoảng 10 triệu đồng. Ngoài bán ốc bươu đen thương phẩm, ông Đá còn đang tiến hành nhân giống để bán.

“Giống ốc bươu đen chỉ có ở tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Tây Nam bộ. Nhưng mua ốc giống ở các nơi này do vận chuyển đường xa, nên đưa về đây tỷ lệ sống chỉ khoảng 80%. Ốc bươu đen trong ao đang đẻ mạnh, sẽ là nguồn ốc giống cung cấp cho các hộ dân có nhu cầu nuôi ở các địa phương lân cận”-ông Đá chia sẻ.

Khi ốc đẻ trứng, ông Đá thu gom các tổ trứng cho vào bể riêng, lắp đặt bóng điện và phun nước hàng ngày tạo môi trường ẩm thích hợp cho trứng ốc phát triển, khoảng hơn 20 ngày là bán ốc giống được. Hiện nay ốc giống trên 500đ/con, được kỳ vọng trở thành nguồn thu nhập đáng kể trong thời gian tới của gia đình ông.  

Theo ông Nguyễn Thanh Lục – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Tơ, ốc bươu đen là loài thủy sản rất quen thuộc với người dân. Tuy nhiên loài này rất nhạy cảm với môi trường bị ô nhiễm nên trong tự nhiên rất hiếm.Trong khi đó, ốc bươu đen được xem là "đặc sản" vì nhiều dinh dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhận thấy mô hình nuôi ốc bươu đen có nhiều tiềm năng, tháng 6/2022, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Tơ triển khai thực hiện ở 2 hộ gia đình ở tổ dân phố Kon Dung, thị trấn Ba Tơ và có kết quả rất khả quan. Từ đó, mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn huyện trong việc tận dụng những thức ăn sẵn có tại chỗ để nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình.

Huyện Ba Tơ dự kiến nhân rộng mô hình nuôi ốc bươu đen trên diện rộng.
Huyện Ba Tơ dự kiến nhân rộng mô hình nuôi ốc bươu đen trên diện rộng.

“Sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này, đồng thời phối hợp với các địa phương trong huyện tổ chức cho các hộ dân có nhu cầu nuôi ốc bươu đen tham quan, học tập kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn, nhằm đa dạng hóa các loài thủy sản nước ngọt, cung cấp cho thị trường”- ông Lục thông tin.