Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

OCOP - “Giấy thông hành” đưa nông sản tiếp cận thị trường

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng nông sản.

Không những vậy, việc được chứng nhận là sản phẩm OCOP còn mang đến “tấm giấy thông hành”, tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ, tăng sức cạnh tranh cho nông sản Hà Nội.

Rộng đường vào hệ thống phân phối

Năm 2015, Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) bắt tay vào sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao. Khoảng 5 tỷ đồng đã được các thành viên hợp tác xã đầu tư để xây dựng 8.000m2 nhà màng, nhà lưới cùng hệ thống chiếu sáng, tưới tiêu tự động. Sản phẩm làm ra dù được sở, ngành của Hà Nội chứng nhận là rau an toàn, nhưng việc tiêu thụ vẫn gặp khá nhiều khó khăn.

Tiếp cận Chương trình OCOP vào năm 2019, Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đã được các cơ quan chức năng của Hà Nội hướng dẫn các bước hoàn thiện sản phẩm. Đến nay, đơn vị này đã có 15 sản phẩm rau an toàn được UBND TP đánh giá, công nhận đạt 4 sao. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà cho biết, từ khi được cấp sao, các loại rau an toàn của đơn vị đã được một loạt hệ thống phân phối, bán lẻ lớn như Big C, Aeon Mall, MM Mega Market... quan tâm, lựa chọn và ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định. Hiện, doanh thu mỗi năm của hợp tác xã đạt không dưới 3 tỷ đồng.
 Sản xuất trà hoa thảo mộc tại một cơ sở tư nhân thuộc huyện Thanh Trì.
Không chỉ Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, sau ba năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, hầu hết các chủ thể (DN, hợp tác xã, hộ sản xuất - kinh doanh…) đều nhận thức được vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình OCOP đối với sự phát triển bền vững của đơn vị. Chuyển biến này góp phần mang lại thành công bước đầu về tổng thể cho chương trình tính đến thời điểm hiện tại.

Chủ cơ sở sản xuất bà Bé (huyện Gia Lâm) Phùng Đắc Dũng thông tin, đơn vị hiện có 8 sản phẩm tinh bột nghệ, tinh dầu thảo mộc được cấp sao, Chương trình OCOP đã giúp các chủ thể nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu trong quản lý điều hành. Quan trọng hơn là định hình được xu hướng đầu tư, phát triển sản phẩm OCOP nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao, cũng như nhu cầu của những phân khúc thị trường mới.

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số

Không chỉ thúc đẩy tiêu thụ nông sản chất lượng, việc đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP những năm qua cũng mang lại lợi ích lớn cho các nhà phân phối. Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, hiện nay đơn vị đang ký kết hợp tác tiêu thụ với nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP trên địa bàn TP. “Để được cấp sao, nông sản, hàng hóa phải bảo đảm nhiều tiêu chí khắt khe. Chính vì vậy, chúng tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm OCOP khi cung ứng đến tay người tiêu dùng…” - bà Dung cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nhìn nhận, việc tiêu thụ các sản phẩm sau chứng nhận OCOP hiện nay gặp nhiều thuận lợi, một phần đến từ cơ chế, chính sách đặc thù của Hà Nội.

Song hành với việc thúc đẩy các chương trình kết nối giao thương, việc đổi mới hình thức tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng là vấn đề cần được quan tâm. Chủ tịch Viện Chuyển đổi số ASEAN Nguyễn Trung Thành cho rằng, những sản phẩm OCOP rất cần có “câu chuyện”, giúp sản phẩm bình thường trở thành sản phẩm có hàm lượng thông tin cao về văn hóa, chứa đựng đặc trưng vùng miền và mang lại giá trị cao hơn.

Theo ông Thành, trên cơ sở “giấy thông hành” mang tên OCOP, các chủ thể cũng cần tích cực ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ 4.0 vào đổi mới hình thức tiêu thụ. Những hình thức bán hàng online, sàn giao dịch điện tử… cần được đẩy mạnh hơn nữa trong bối cảnh việc tiếp cận sản phẩm, hàng hóa của người tiêu dùng đang có sự thay đổi lớn như hiện nay.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Theo Phó chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP là nội dung rất quan trọng, được UBND TP đặc biệt quan tâm. Cụ thể hóa nội dung trên, tính riêng năm 2020, TP đã tổ chức thành công 4 sự kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền. Thống kê đã có hơn 500 biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP được các hệ thống phân phối, bán lẻ ký kết với các chủ thể sản xuất - kinh doanh.

Ông Chí cũng thẳng thắn nhìn nhận, thực tế việc tiêu thụ sản phẩm OCOP hiện nay vẫn còn một số khó khăn. Tuy nhiên, TP đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. Trong đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về sản phẩm OCOP để người tiêu dùng Thủ đô và cả nước biết, lựa chọn và tin dùng.

Để tạo điều kiện trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đề nghị các bộ, ngành sớm tham mưu Chính phủ ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình OCOP theo hướng hỗ trợ đầu tư, nâng cấp chất lượng và mẫu mã cho các sản phẩm. Đồng thời, thống nhất cơ chế hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP nhằm đưa nông sản an toàn, chất lượng đến với người tiêu dùng.

Song hành với việc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm OCOP, đại diện một số hệ thống phân phối cũng cho rằng, việc tự làm mới mình là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các chủ thể. “Thị trường là mệnh lệnh sản xuất đối với các chủ thể. Bởi vậy các sản phẩm OCOP cần phải liên tục cải tiến bộ nhận diện, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng để trở nên hấp dẫn người tiêu dùng…” - Giám đốc miền Bắc Siêu thị MM Mega Market Việt Nam Nguyễn Anh Phương chia sẻ.

Thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, TP Hà Nội đã tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận 1.054 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Kết quả trên đưa Hà Nội trở thành địa phương đi đầu cả nước về phát triển sản phẩm OCOP. Không chỉ vậy, Chương trình đã huy động được sự tham gia của 72 DN, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất - kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động khu vực nông thôn.