Các chuyên gia cho rằng, việc Hội nghị nhất trí thông qua Nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên OIC của Syria gần như là lời tuyên chiến với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Trước đó, động thái tương tự được Liên đoàn Arập (AL) đưa ra hồi năm ngoái đã cô lập hơn nữa Chính phủ Syria.
Trong một diễn biến có liên quan, cuộc thảo luận qua cầu truyền hình giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton với những người đồng nhiệm của Anh, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy ý đồ rõ ràng của Washington trong việc tăng cường phối hợp với các đối tác NATO để đẩy nhanh tiến trình lật đổ chính quyền hợp pháp ở Syria.
Một số nguồn tin tiết lộ rằng, các quan chức NATO đã kết thúc hội nghị truyền hình bằng cam kết sẽ hỗ trợ các lực lượng đối lập bằng vũ khí, đạn dược, thông tin tình báo và những đội lính đánh thuê mới.
Tại Syria, tình hình bạo lực vẫn diễn biến hết sức phức tạp khi một vụ đánh bom đã xảy ra hôm 15/8 cạnh nơi cư ngụ của phái bộ giám sát viên LHQ đang ở, khiến 3 người thiệt mạng, cho thấy sự mất tập trung của quân đội Chính phủ. Cùng ngày, Chính phủ Syria cho biết ủng hộ việc bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng Algeria - ông Lakhdar Brahimi - làm đặc phái viên của Liên Hợp quốc và AL ở nước này, sau khi ông Kofi Annan từ nhiệm hồi tuần trước. Trong số những ứng viên cho nhiệm vụ khó khăn này còn có cựu Tổng thư ký NATO Javier Solana, cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari, cựu Ngoại trưởng Tây Ban Nha Miguel Moratinos.
Chậm nhất là trong tuần này, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon phải tuyên bố danh tính của nhân vật sẽ đảm nhiệm vị trí có ý nghĩa quyết định đối với số phận của Syria.