Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Olympic London 2012: Chuyện người, chuyện ta

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sang Anh đúng dịp xứ sở sương mù tổ chức Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh - Olympic London 2012 (từ 27/7 - 12/8), ngoài những địa danh nổi tiếng như Cung điện Buckingham, sông Thames, tháp đồng hồ Elizabeth (Big Ben cũ)... tôi còn đi thăm khá nhiều địa điểm thi đấu của nước bạn.

Hòa trong dòng chảy của ngày hội thể thao quy mô nhất thế giới, tôi đã được chứng kiến cách tổ chức Olympic rất khoa học của người Anh và trên thực tế, họ đã mang đến cho bạn bè khắp năm châu một kỳ Đại hội thành công hơn mong đợi. 

Olympic London 2012: Chuyện người, chuyện ta - Ảnh 1

Từ chuyện người...

Người Anh vốn chi li nên tại kỳ Olympic này, mọi thứ liên quan đến công tác tổ chức đều được tính toán kỹ lưỡng. Khi xây dựng khu Olympic Park, nơi tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và diễn ra hầu hết các môn thi đấu, người ta đã tính toán phải xây cạnh đó một Trung tâm thương mại lớn, trước hết để phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của du khách, sau đó là phục vụ cho người dân phía Đông London. Khu thương mại Westfield ra đời từ chủ trương đó. Được coi là trung tâm mua sắm lớn thứ 2 ở châu Âu nên chỉ đi lướt qua khu mua sắm này mà không dừng lại, bạn cũng mất khoảng một ngày. Điều đặc biệt là khu Westfield được các nhà thiết kế đặt ở vị trí vô cùng đắc địa, ngay cửa ngõ ngoài cùng của hệ thống giao thông công cộng nên bất kỳ ai muốn vào khu Olympic Park cũng đều phải qua Westfield.

Ngoài ra, khu ẩm thực của Westfield khá phong phú, phục vụ những món ăn đặc trưng nhất từ khắp năm châu, trong đó có một nhà hàng Phở Việt. Trong thực đơn của nhà hàng, ngoài phở còn có những món đặc trưng của Việt Nam khác như bún bò Nam Bộ, các món cuốn... Một bát phở kèm nước uống có giá rất phải chăng, khoảng 300.000 VND nên lúc nào cũng tấp nập khách vào ra. Bản thân tôi đã nhiều lần thưởng thức phở Việt Nam tại đây và thú thật tuy không ngon bằng ở nhà, nhưng khi đã chồn chân, mỏi gối, lại quá ngán những món ăn không hợp khẩu vị thì một bát phở thơm lừng giữa chốn trời Tây này quả thật là lý tưởng.

Trên các con đường dẫn vào khu Olympic Park và Làng vận động viên, dù ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, lực lượng cảnh sát và các tình nguyện viên phục vụ Đại hội đều được bố trí rất đông. Người Anh cũng quy định, nếu bạn muốn hỏi thông tin về đường sá, về các môn, các địa điểm thi đấu... thì nên "tóm" lấy các tình nguyện viên mặc áo màu hồng; còn các màu áo khác là an ninh, phân luồng giao thông... Được cái lực lượng cảnh sát và quân đội Anh tham gia phục vụ Đại hội được trang bị các loại vũ khí tối tân nhưng luôn tỏ ra niềm nở và thân thiện.

Trong các kỳ Olympic trước, tắc đường luôn là nỗi ám ảnh với những nước chủ nhà nhưng tại Anh, cảnh tắc nghẽn rất ít xảy ra. Người Anh có cách phân luồng giao thông khoa học và vui nhộn nên du khách rất vui vẻ khi tuân theo chỉ dẫn của lực lượng cảnh sát hay tình nguyện viên. Chẳng hạn khi kết thúc đêm khai mạc, khoảng gần 10.000 người phải cuốc bộ vài cây số mới ra được bến xe buýt hoặc tàu điện ngầm nhưng những người làm nhiệm vụ phân luồng giao thông cứ 5 - 10 phút lại dừng một nhóm và bắt nhịp theo những ca khúc nổi tiếng của nhóm The Beatles. Và thế là mọi người bỗng quên đi tất cả mệt nhọc và phiền phức để hòa mình vào giai điệu bài hát.

Olympic London 2012: Chuyện người, chuyện ta - Ảnh 2
 
Khu Excel - nơi tổ chức 7 môn phối hợp, thực chất là Trung tâm Hội chợ triển lãm.

Khi tham quan các địa điểm tổ chức thi đấu ở London, tôi phát hiện ra rằng các khu này không hoành tráng và xa hoa như người ta tưởng. Người Anh đã tính toán kỹ lưỡng để tiết kiệm đến mức tối đa và tận dụng được những gì sẵn có. Chẳng hạn như địa điểm thi đấu của môn đua ngựa, người Anh đã tận dụng mặt cỏ xanh và khoảng không lý tưởng của công viên Greenwich và chỉ làm thêm trường đua cùng hệ thống nhà bạt đơn giản cho Ban tổ chức. Khu Excel, nơi tổ chức 7 môn thi đấu của Thế vận hội 2012 thực chất là một Trung tâm hội chợ, triển lãm rộng khoảng 100.000m2. Sau khi Olympic kết thúc, khu vực này lại trở về với chức năng vốn có.

Đến chuyện của ta

Hà Nội vừa được trao trọng trách tổ chức ASIAD lần thứ 18 diễn ra vào năm 2019 và tất nhiên những lợi ích từ việc đăng cai này không thể lượng hóa bằng tiền.
 
Bên cạnh những ý kiến trái chiều về quá trình chuẩn bị cho ASIAD, từ Olympic London 2012, người ta có thể "vỡ" ra được rằng người Anh đã thu lại rất nhiều thứ sau khi tổ chức Thế vận hội. Việc chuẩn bị Olympic đã giúp nước Anh thúc đẩy sự tái phát triển của khu phía Đông London, vốn từng là một khu vực bị bỏ quên. Đặc biệt, một chiến dịch tuyên chiến với tội phạm đã được thực hiện ở vùng đất này và giờ phía Đông London vừa sầm uất vừa êm ả, không còn bóng dáng của những băng nhóm tội phạm liều lĩnh một thời nữa. Vì thế, việc Việt Nam đăng cai ASIAD 18 sẽ làm thay đổi đáng kể bộ mặt của Thủ đô, từ hệ thống giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng đến cả lối sống của người dân. Chắc chắn khi đó Hà Nội sẽ xanh, sạch, đẹp hơn để đón tiếp bạn bè đến từ 45 quốc gia trong châu lục.

Olympic London 2012: Chuyện người, chuyện ta - Ảnh 3
 

Làng vận động viên Olympic London 2012.

Còn về nỗi lo kinh phí, nếu học kinh nghiệm của người Anh, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức được một kỳ Đại hội tiết kiệm nhưng hiệu quả. Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam đã gợi mở về phương án tận dụng tối đa những công trình sẵn có và những công trình buộc phải có. Chẳng hạn như hệ thống sân tennis, sân bóng chày, bóng bầu dục và hockey trên cỏ... sẽ được xây dựng đơn giản để sau khi kết thúc ASIAD 18 có thể chuyển đổi thành các Trung tâm đào tạo bóng đá - môn thể thao được nhiều người hâm mộ nhất. Các khu khán đài có thể dùng hệ thống di động và các khu vực chức năng của Ban tổ chức có thể dùng hệ thống nhà bạt cao cấp. Đây cũng chính là mô hình người Anh đã dùng để tổ chức thành công Olympic.

Lịch sử các kỳ đại hội thể thao dù lớn hay nhỏ, dù được tổ chức tại đâu đều chỉ ra rằng, giá trị của một công trình thể thao thể hiện ở chỗ nó phải phục vụ được tối đa quảng đại quần chúng, chứ không phải là để hoang. Tại Anh, các công trình từng được đưa vào sử dụng cho Olympic sau khi kết thúc Đại hội đều được dùng vào các mục đích hợp lý khác. Tất nhiên không thể so sánh mức độ hoành tráng của Olympic với ASIAD và cũng không thể so sánh Anh với Việt Nam nhưng từ những câu chuyện của xứ sở sương mù chúng ta cũng có thể rút ra được những bài học cho riêng mình.