Omicron thành biến thể thống trị tại Mỹ, Nam Phi trấn an

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 hiện chiếm hơn 73% các trường hợp nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ, tăng từ 13% chỉ 1 tuần trước.

Tại một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ, ngày 20/12. Ảnh: Bloomberg 
Các số liệu tuần tính đến ngày 18/12 mà CDC Mỹ công bố hôm 20/12, cho thấy Omicron đã trở thành biến thể Covid-19 thống trị ở nước này chưa đầy 1 tháng sau khi nó được xác định lần đầu tiên ở Nam Phi. Biến thể Delta chiếm gần như tất cả các trường hợp nhiễm Covid-19 mới khác, khoảng 27%.

Số liệu thống kê của Omicron được đưa ra trước bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào hôm nay (21/12), dự kiến ​​sẽ công bố các bước mới để chống lại sự lây lan của Covid-19.
Các thành phố lớn của Mỹ đang thắt chặt các hạn chế về đại dịch. Thị trưởng Boston, Michelle Wu, hôm 20/12 đã thông báo rằng thành phố sẽ yêu cầu bằng chứng về việc tiêm vaccine để có thể đến các cơ sở kinh doanh trong nhà, trong khi thủ đô Washington áp dụng lại quy định về khẩu trang và lệnh cho nhân viên thành phố đi tiêm nhắc lại.
Cố vấn y tế Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci hôm 19/12 đã dự đoán "một vài tuần đến vài tháng" khi Omicron lan nhanh khắp nước Mỹ. Các ca nhiễm Covid-19 mới đã gia tăng trong vài tuần qua, và Tổng thống Biden đã cảnh báo về một "mùa đông bệnh tật và cái chết cho những người không được chủng ngừa".
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế ở Nam Phi - nơi Omicron lần đầu tiên được phát hiện - cho biết biến thể này gây ra các triệu chứng tương đối nhẹ. Ngay cả khi chủng virus đang lây lan "như cháy rừng" tại nước này, số ca nhập viện do Covid-19 không tăng. Nam Phi đã có trung bình 30 ca tử vong do Covid-19 hàng ngày trong tuần qua, giảm từ mức cao gần 600 vào tháng 1/2021  và khoảng 400 hồi tháng 7.
Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, Tiến sĩ Angelique Coetzee, hôm 20/12 nói rằng với các trường hợp Omicron hiện đang giảm ở Nam Phi, cho rằng phản ứng của quốc tế đối với chủng virus mới, bao gồm cả lệnh cấm đi lại ở các nước miền Nam châu Phi, là thái quá.
Cũng trong hôm 20/12, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ra lời kêu gọi các quốc gia đoàn kết và hành động quyết đoán hơn để chấm dứt đại dịch Covid-19 trong năm tới.
"2022 phải là năm chúng ta chấm dứt đại dịch", ông Tedros nói với các phóng viên tại Geneva.
Người đứng đầu cơ quan y tế của Liên Hợp quốc khuyến cáo các quốc gia nên kiềm chế những sự kiện đông người khi mùa lễ hội cuối năm đang đến gần, vì để đám đông tụ tập sẽ là "nền tảng hoàn hảo" cho Omicron lan rộng.
"Sẽ tốt hơn nếu hủy bỏ các sự kiện ngay bây giờ và ăn mừng sau đó, hơn là ăn mừng ngay bây giờ và đau buồn sau này", ông Tedros nói thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần