Nhiều nấc trung gian
Số liệu của Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện giá thịt lợn thu mua tại các nông hộ chỉ ở mức từ 34.000 - 36.000 đồng/kg hơi, thấp hơn so với giá thành sản xuất của người nông dân khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, nhiều trang trại chăn nuôi gà cũng đang trong tình trạng lỗ vốn bởi giá gà xuất chuồng hiện chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, nhưng giá thành chăn nuôi là 34.000 - 35.000 đồng/kg. Anh Đặng Đình Lộc, chủ trang trại nuôi hơn 4.000 con gà đẻ lấy trứng tại huyện Chương Mỹ cho hay chi phí để gà đẻ một quả trứng khoảng 1.400 đồng. Nhưng từ Tết đến nay, giá trứng chỉ dao động từ 1.600 - 1.700 đồng/quả, giảm 500 - 600 đồng/quả so với thời điểm trước Tết. Với giá bán như vậy, nếu đàn gà đẻ tốt, người chăn nuôi mới có lãi còn không thì chỉ hòa vốn.
Người chăn nuôi chịu lỗ nhưng giá bán các loại thực phẩm trên thị trường lại liên tục tăng cao. Ghi nhận tại các chợ cho thấy, nếu ở các chợ ngoại thành Hà Nội, thịt lợn được bán với giá từ 60.000 - 65.000 đồng/kg thì các chợ trong nội thành giá thịt lợn dao động từ 70.000 - 75.000đồng/kg với thịt ba chỉ, thịt nạc là 80.000 - 85.000đồng/kg, còn tại các siêu thị giá cao gấp 2 - 3 lần giá xuất chuồng của người nông dân.
Giá thực phẩm trong siêu thị cao gấp 2 - 3 lần giá bán của người chăn nuôi do nhiều khâu trung gian. Trong ảnh: Mua hàng tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Fivimar) khẳng định: Giá thịt trong siêu thị đắt hơn giá bán của những hộ chăn nuôi, trang trại là do phải theo giá bán của các nhà cung ứng. Dù biết là giá thịt thu mua từ các hộ dân rẻ hơn rất nhiều nhưng siêu thị không có cách nào để tự tổ chức thu mua mà buộc phải mua qua các đơn vị trung gian.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Nhiều siêu thị buộc phải mua qua từ 3 - 4 khâu trung gian khiến chi phí đầu vào bị đẩy lên cao. Thực tế này cho thấy, người sản xuất chỉ biết sản xuất mà không chịu trách nhiệm đến cùng giá sản phẩm của mình và hậu quả tất yếu là người tiêu dùng phải chịu thiệt nhiều nhất.
Cần những cái bắt tay
Để khắc phục tình trạng này, nhà sản xuất và đơn vị phân phối cần bắt tay chặt chẽ, bổ sung những chỗ thiếu, chỗ yếu cho nhau, đảm bảo quyền lợi cho hai bên.
Bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành (Tổng Công ty Thương mại Hà Nội) cho biết: Trong nhiều năm qua, Hapro đã ký kết các hợp đồng hợp tác với một số tập đoàn, DN, tổ chức và địa phương, từ đó giảm đáng kể chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Thực hiện việc liên kết giữa sản xuất và phân phối, trong 3 năm qua, hệ thấng siêu thị Big C đã triển khai chương trình "Big C cùng nhà sản xuất tìm lối ra cho sản phẩm nội" tại nhiều địa phương, nhờ đó giảm được giá bán nhiều sản phẩm. Tuy nhiên, điều quan trọng để những cái bắt tay này chặt chẽ hơn là hệ thống phân phối cần tăng liên kết, giảm các khâu trung gian, thu mua hàng với số lượng lớn của DN sản xuất góp phần giảm giá nhập của sản phẩm. Các hệ thống siêu thị cần xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các sản phẩm sản xuất trong nước được bày bán trong hệ thống của mình. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần đưa ra quy hoạch chi tiết mạng lưới thương mại, trong đó chú trọng việc xây dựng các chợ đầu mối về nông sản, thực phẩm để làm đầu mối trung chuyển hàng hóa về nơi tiêu thụ. Ngoài ra, để giải quyết bài toán cung cầu hàng hóa, Nhà nước cần nhanh chóng đầu tư thỏa đáng để phát triển hệ thống phân phối, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại nội địa, tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.