Dòng vốn ngoại chọn doanh nghiệp Việt
Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, GDP quý III/2022 tăng 13,67% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi một số lĩnh vực như du lịch và các ngành dịch vụ khác vẫn đang trong quá trình hồi phục, thì sản lượng của khu vực sản xuất - kinh doanh đều đã vựợt qua mức trước đại dịch. Với sự phục hồi ngoạn mục của nền kinh tế, cùng với lợi thế dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh và tình hình chính trị ổn định, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài ở Đông Nam Á.
Mới đây, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa hoàn tất giải ngân cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khoản vay trị giá 150 triệu USD, tương đương gần 3.700 tỷ đồng. Khoản vay 150 triệu USD từ IFC với kỳ hạn 5 năm, sẽ được VPBank bổ trợ cho danh mục cho vay các DN vừa và nhỏ (SME), DN do phụ nữ làm chủ, cùng nhiều dự án trong lĩnh vực môi trường và chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, việc IFC tin tưởng và giải ngân khoản vay 150 triệu USD cho VPBank một lần nữa khẳng định năng lực của VPBank và uy tín của thị trường Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngày 2/12 vừa qua, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng đón tin vui khi thành công ký kết hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá khoảng 125 triệu USD (khoảng 2.900 tỷ đồng), nâng tổng giá trị huy động thị trường vốn quốc tế lên hơn 300 triệu USD trong một năm qua. Khoản vay hợp vốn 125 triệu USD nói trên là nguồn vốn quốc tế được TCBS huy động thành công thứ 3 trong năm 2022. “Uy tín và định mức tín nhiệm tín dụng của một DN là điều kiện đầu tiên để các định chế tài chính quốc tế cân nhắc đến khoản vay” - Phó Tổng Giám đốc TCBS Nguyễn Tuấn Cường khẳng định.
Đánh giá cao môi trường đầu tư ở Việt Nam, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ VinaCapital - Broook Taylor chỉ ra: ''Các yếu tố nền tảng dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn không thay đổi. Việt Nam vẫn là nền kinh tế mở với tiềm lực xuất khẩu mạnh mẽ, sức hấp dẫn rất lớn với dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu… Thêm vào đó, sức cầu nội địa cũng đang tăng lên. Việt Nam đang chuyển mình trên con đường phát triển giống những nền kinh tế hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc…''.
Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) Nguyễn Anh Dương cho biết, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam tương đối tích cực. Tính đến hết tháng 11/2022, song song với vốn đăng ký mới đang dần được cải thiện, vốn điều chỉnh tiếp tục tăng 18,9%, điểm đáng chú ý là vốn giải ngân tích cực, đạt 19,68 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đầu năm đến nay, 1.812 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 14,9% so với cùng kỳ. “Việc vốn điều chỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng là tín hiệu khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Đặc biệt, thời gian qua, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn” - ông Nguyễn Anh Dương đánh giá.
Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng
Khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để DN FDI phát triển, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, nguồn vốn FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngân sách, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động. Đại dịch Covid-19 tạo sức ép để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài, bền vững tại Việt Nam.
Với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, Việt Nam đang ưu tiên 3 nhóm dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; dự án có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; dự án thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) Hoe Ee Khor cho rằng, để giữ được đà tăng trưởng tốt như hiện tại, chiến lược phát triển của Việt Nam trong những năm tới nên vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều đó, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư, gồm chuẩn bị về mặt bằng sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, năng lượng, nguồn cung lao động có tay nghề, nâng cao năng lực cho các DN trong nước để tham gia chuỗi giá trị. Đầu tư nhiều hơn vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D, tạo thêm động lực cho nhà cung cấp để họ nâng cấp chính mình. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn các gói ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để đàm phán với nhà đầu tư chiến lược có tính lan tỏa cao.
Mới đây, Bộ KH&ĐT cũng đã chính thức đưa ra lấy ý kiến Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài, gồm 36 chỉ tiêu, với 25 chỉ tiêu về kinh tế, 7 chỉ tiêu về xã hội, 4 chỉ tiêu về môi trường. Rõ ràng việc chọn lọc và đưa ra những chính sách nhằm thúc đẩy FDI không chỉ về lượng, mà cả về chất cho dòng vốn này cũng là bài toán chiến lược vô cùng cấp thiết. Qua đó mới khuyến khích được nhiều hơn nữa những dự án có quy mô lớn, thuộc các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, giá trị gia tăng cao, và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.