Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ổn định nguồn cung xăng, dầu: Phải thay đổi cơ chế quản lý

Ánh Ngọc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, cần phải có cách tính toán công bằng giữa doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp mua trong nước để còn bù trừ, từ đó 2 doanh nghiệp nhập khẩu và mua trong nước mới không tỵ nạnh nhau.

Giải pháp căn cơ, lâu dài để ổn định nguồn cung xăng, dầu là phải thay đổi cơ chế quản lý. Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính cho rằng, Bộ Công Thương cần phải rà soát lại sản lượng tiêu thụ theo tháng của các địa phương, phân giao chỉ tiêu nhập khẩu xăng, dầu trong nước để đáp ứng nhu cầu của từng địa phương theo từng tháng; quá trình này cần phải được kiểm tra, giám sát một cách đầy đủ và nghiêm túc.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Năng lực quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp yếu kém

Nguyên nhân nào khiến tình trạng thiếu xăng, dầu xảy ra tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian gần đây, thưa ông?

- Trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng, dầu tăng rất cao, nhưng thông lệ quốc tế là nhập khẩu xăng dầu phải nhập khẩu theo kỳ hạn. Các DN nhập khẩu vào thời gian giá cao mà bán với giá thấp nên DN bị lỗ. Nguyên nhân này cũng đã được các DN đầu mối và kinh doanh phân phối phản ánh, việc nhập vào và bán ra đang gây lỗ cho DN dẫn tới hệ quả quả là các đơn vị bán lẻ xăng, dầu thiếu hụt nguồn cung hoặc phải tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua.

Vậy theo ông, gốc rễ của vấn đề này là thế nào?

- Vẫn là câu chuyện quản lý. Bộ Công Thương phải quản lý, theo dõi sát sao xem DN nhập xăng, dầu không? Nguồn tài chính dành cho nhập xăng nhưng DN không nhập thì sử dụng vào mục đích gì? Chứ DN sử dụng hết nguồn tài chính đáng lẽ dành cho nhập xăng thì lại đầu tư vào chứng khoán, bất động sản nhà đất thì việc DN kêu không còn tiền để nhập xăng là lẽ đương nhiên.

Mặc dù là DN kêu không có tiền, song thực tế cho thấy phía ngân hàng vốn nghìn tỷ đồng dành riêng cho xăng, dầu vẫn chưa sử dụng đến. Tuy nhiên, kể cả khi ngân hàng giải ngân cho vay thì DN cũng không đáp ứng đủ các điều kiện để được vay. Những biểu hiện kể trên cho thấy, khả năng quản lý về kinh doanh và tài chính của nhiều DN đầu mối này rất kém.

Ông có thể nói rõ hơn về khả năng quản lý, kinh doanh của các DN đầu mối?

- Kinh doanh yếu kém thể hiện ở chỗ, trong suốt khoảng thời gian từ tháng 2 cho đến tháng 6, tháng 7 các khoản chi phí xăng, dầu tăng phi mã, trong khi đó các khoản chi phí kinh doanh (chi phí vận chuyển, chi phí hoa hồng…) cũng tăng chóng mặt nhưng các DN này không báo cáo với cơ quan quản lý giá là Bộ Tài chính.

Nếu DN thấy rằng giá xăng, dầu chi phí không đủ DN phải phản ánh ngay, nhưng thực tế phản hồi rất chậm trễ. Mãi đến khi hơn 30 DN trong TP Hồ Chí Minh làm đơn kêu cứu thì lúc đó Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam mới vào cuộc để phản ánh lên cơ quan quản lý.

Vấn đề này, Bộ Công Thương cũng không nhận diện được sớm nên dẫn đến hệ lụy thiếu xăng, dầu trong thời gian vừa qua. Điều này bộc lộ công tác quản lý về nguồn cung, thị trường xăng, dầu và cơ chế quản lý như hiện nay cũng không ổn, cần thiết phải thay đổi.

Xây dựng kho dữ liệu về sản lượng tiêu thụ

Ông có khuyến nghị giải pháp nào dành cho Bộ Công Thương?

- Để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu lâu dài, cần thay đổi hoặc là đổi mới cơ chế quản lý để thị trường xăng, dầu vận hành theo kinh tế thị trường. Việc đầu tiên là cần phải thực hiện thay đổi kế hoạch về cung ứng xăng, dầu với các đầu mối cũng như các đơn vị phân phối. Sở dĩ tôi nói như vậy, vì từ trước đến nay Bộ Công Thương giao kế hoạch cung ứng xăng, dầu cho các DN đầu mối theo năm. Thế nhưng, kế hoạch giao theo năm thì rõ ràng là không ổn, bởi vì thực ra xăng, dầu là mặt hàng tiêu dùng hàng ngày và theo địa bàn, địa phương.

Việc Bộ Công Thương giao chỉ tiêu cụ thể từng DN đầu mối và phải rõ địa bàn DN đó phục vụ. Muốn làm được điều đó, Bộ Công Thương cần phải xây dựng kho dữ liệu về sản lượng tiêu thụ của cả nước, sản lượng tiêu thụ của từng địa phương thì khi đó mới có số liệu sát để DN đầu mối nhập khẩu.

Việc thứ hai là khi Bộ Công Thương phân giao kế hoạch, chỉ tiêu xong thì phải giám sát. Chỉ tiêu phân giao là phải phân theo tháng, phân giao xong phải kiểm tra, kiểm soát chặt. Bộ Công Thương quản lý toàn bộ nghành dọc về kinh doanh xăng, dầu kể cả về đầu mối, trung gian, đơn vị phân phối và bán lẻ ở cả 63 tỉnh, thành, thậm chí quản lý cả toàn bộ trạm xăng, dầu vì liên quan đến việc cấp phép đủ điều kiện kinh doanh hay không. Hay nói đúng hơn đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên cơ quan cấp phép là Bộ Công Thương phải có trách nhiệm giám sát xem DN đó có nhập xăng, dầu không? Nhập tháng nào? Nhập số lượng bao nhiêu?...

Tôi nói đơn cử như tháng 7 chẳng hạn thì có tới 13 DN đầu mối không nhập xăng, dầu. Nếu nói về sản lượng, số lượng thì qua số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9 các DN nhập khẩu 54% so với tháng 8. Vậy mà tổng quý III (7, 8, 9), sản lượng xăng, dầu nhập khẩu xăng 40%, dầu 35%, DN không nhập khẩu về thì thiếu xăng, dầu là chuyện đương nhiên.

Người tiêu dùng mua xăng dầu tại Cầu Giấy.
Người tiêu dùng mua xăng dầu tại Cầu Giấy.

Cơ chế quản lý của doanh nghiệp cần phải rõ ràng

Về cơ chế quản lý của các DN thì sao, thưa ông?

- Theo tôi, hiện nay cơ chế quản lý của các DN là chưa rõ ràng cả về phía DN nhập khẩu và cả DN mua trong nước. Trên nguyên tắc thì mua xăng, dầu trong nước giá rẻ hơn nhập khẩu, vậy rõ ràng Bộ Công Thương để cho DN nào nhập khẩu thì chi phí sẽ cao hơn, lợi nhuận nhập khẩu không thì DN thua lỗ là đương nhiên. 

 

Về lâu dài, Chính phủ cần xem xét kỹ lưỡng về cơ chế quản lý, điều hành giá và phân phối xăng, dầu của nước ta để tránh tình trạng chồng chéo khi có quá nhiều đơn vị liên quan mà không có một cơ quan chủ trì. Cần thiết phải có một cơ quan chủ trì chuyên trách để có thẩm quyền và trách nhiệm trong toàn bộ quy trình quản lý, điều hành. Có như vậy, thị trường xăng, dầu mới được vận hành ổn định và hiệu quả.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Do đó, bây giờ cần phải có cách tính toán công bằng giữa DN nhập khẩu và DN mua trong nước để còn bù trừ, từ đó 2 DN nhập khẩu và mua trong nước mới không tỵ nạnh nhau. Với giải pháp này thì Bộ Công Thương mới có thể quản lý được nguồn cung còn hay hết. Chứ không để xảy ra tình trạng DN bán hàng hay không bán hàng làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường xăng, dầu.

Nếu Bộ Công Thương tính toán để có công cụ kiểm tra, kiểm soát thì công tác quản lý sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều và công khai, minh bạch, khi đó mức giá khống chế của các DN nhập khẩu và DN mua trong nước cũng có tính cạnh tranh lành mạnh với nhau. Nói chung, thay đổi cơ chế quản lý là bài toán mà Bộ Công Thương cần phải làm.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện tại, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đối với Nhân dân cũng như các bộ ngành, UBND các tỉnh, TP về sửa đổi Nghị định 95 quy định về kinh doanh xăng, dầu. Ông có góp ý sửa đổi như nào đối với Nghị định 95?

- Hiện nay thì nhiều công cụ để điều chỉnh giá xăng, dầu và đặc biệt trong 2 năm 2021 - 2022, các quy định trong Nghị định 95 đã góp phần giữ cho giá xăng, dầu thấp hơn, mức tăng thấp hơn mức tăng của thế giới rất nhiều, từ đó giúp cho phục hồi nền kinh tế rất tốt.

Thứ nhất về Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, mặc dù Bộ Tài Chính cũng như rất nhiều chuyên gia đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi thì hiện tại chưa thể bỏ Quỹ bình ổn xăng, dầu được. Điều quan trọng là cơ chế sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu như thế nào là một vấn đề cần phải xem xét. Bởi, từ giai đoạn chuyển đổi quản lý giá xăng, dầu sang kinh tế thị trường thì dứt khoát phải có công cụ sản xuất.

Thứ hai, về thời gian điều chỉnh giá xăng, dầu, nhiều ý kiến đề xuất rút ngắn xuống còn 3 - 5 ngày, tôi nghĩ thời gian không quan trọng. Thực tế, những ý kiến đề xuất đó là do họ không nắm được thông lệ của mua bán xăng, dầu. Thông lệ mua bán xăng, dầu là DN mua theo kỳ hạn mà kỳ hạn tối thiểu là 15 ngày, thậm chí dài hơn là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng. DN mua theo kỳ hạn là vì thực tế không một DN bán buôn nào lại chuẩn bị sẵn kho xăng, dầu để đáp ứng mọi nhu cầu của DN bất cứ khi nào. Ngay cả mua bán xăng, dầu trong nước cũng không phải DN bán buôn hoặc nhà sản xuất cũng sẵn sàng mở kho xuất bán hàng mà phải chở bằng tàu về cảng trước khi bán.

Phân tích thế để thấy rằng, DN mua theo kỳ hạn mua trước cả tháng, tối thiểu là 15 ngày với giá cao lắm rồi, nên sửa đổi quy định kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu giảm xuống 3 - 5 ngày như Bộ Công Thương và nhiều ý kiến đề xuất cũng không giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Xin cảm ơn ông!