70 năm giải phóng Thủ đô

Ổn định vĩ mô, bảo vệ quyền lợi cổ đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Có một số lý do để tin rằng, dòng vốn đầu tư quốc tế đang hướng vào Việt Nam....

Kinhtedothi - “Có một số lý do để tin rằng, dòng vốn đầu tư quốc tế đang hướng vào Việt Nam. Vấn đề còn lại là làm sao để tiếp tục duy trì sức hấp dẫn của các cơ hội đầu tư” - ông Jean Eric Jacquemin - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Quỹ Red River Holding trao đổi về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau 15 năm phát triển.

Ngày 28/7/2000 đánh dấu sự ra đời của TTCK Việt Nam. Đến nay, sau 15 năm phát triển, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đã có hơn 2.700 nhà đầu tư (NĐT) tổ chức, chủ yếu là các quỹ đầu tư, và trên 15.000 NĐT cá nhân nước ngoài có đầu tư trên TTCK. Ông đánh giá gì về TTCK, hiện Việt Nam có những điều kiện thuận lợi gì?Ổn định vĩ mô, bảo vệ quyền lợi cổ đông - Ảnh 1

- Nhìn vào những con số cụ thể cho thấy, vai trò của TTCK được khẳng định, thị trường tương đương khoảng 30% GDP. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn còn non trẻ. Đến thời điểm hiện nay, độ sâu thị trường tài chính ở Mỹ, châu Âu là 6 lần, còn tại châu Á là gấp 3 lần, trong khi Việt Nam mới chỉ là 1,7 lần GDP. Kinh nghiệm của rất nhiều nền kinh tế và thực tế hoạt động 15 năm qua của TTCK Việt Nam cho thấy, sự phát triển của TTCK là tất yếu và không còn con đường nào khác để phát triển thị trường tài chính lành mạnh cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh của DN. Dòng vốn đầu tư nước ngoài rõ ràng là chưa đáng kể và cần phải tăng nhiều hơn nữa để đưa Việt Nam vào tầm ngắm của các NĐT quốc tế.

Việc ban hành Nghị định 60/NĐ - CP, trong đó có quy định nới room cho NĐT nước ngoài, theo ông sẽ có tác động như thế nào đến DN và thị trường?

- Việc ban hành Nghị đinh 60 là một bước tiến tốt, tạo ra khung pháp lý cần thiết cho việc chuyển quyền kiểm soát công ty thông qua các giao dịch mua bán sáp nhập đối với các công ty đại chúng đã bị hạn chế nhiều năm nay do quy định về tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài. Đây cũng là thông tin tốt đối với các NĐT tài chính, những người muốn thoái vốn thông qua hình thức bán trực tiếp cho các NĐT chiến lược trong ngành.

Nghị định 60 tuy đã tạo ra được khung pháp lý cho việc bỏ hạn chế tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài nhưng vẫn còn một bước nữa cần thực hiện. Hiện nay, việc thực hiện mở tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài còn phụ thuộc vào điều lệ công ty, việc phân loại và định nghĩa các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, và những cam kết của Việt Nam đối với WTO cũng như điều chỉnh của Luật Đầu tư mới. Tất cả những quy định này khi chưa có hướng dẫn rõ ràng gây ra sự lúng túng cho công ty và NĐT trong việc thực hiện. Về cơ bản, Nghị định cho phép các cổ đông tự quyết định tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại công ty của mình nhưng nếu cổ đông đa số không muốn thực hiện thì sẽ không có gì thay đổi…

TTCK Trung Quốc chao đảo đã để lại nhiều bài học cho TTCK Việt Nam về sự phát triển bền vững. Theo ông, Việt Nam cần chú trọng đến những yếu tố nào để có thể phát triển TTCK một cách bền vững? Và nếu muốn tạo sức hút đầu tư nước ngoài hơn nữa, Việt Nam cần làm gì?

- Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được sự ổn định về vĩ mô. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được sự ổn định, vì đây là điều kiện tiên quyết cho quyết định đầu tư vào một quốc gia. Việc giảm giá đồng tiền trong những năm vừa qua đã làm giảm đáng kể tỷ suất lợi nhuận của các NĐT. Dòng vốn mới vào thị trường vẫn còn thấp, trong khi đó, quy mô là yếu tố rất quan trọng đối với TTCK. Do đó, cần có thêm nhiều NĐT cá nhân và tổ chức Việt Nam tham gia vào thị trường, từ đó tạo sự tin tưởng cho các NĐT nước ngoài tham gia quyết liệt hơn.

Ổn định vĩ mô là tiền đề thiết yếu. Việt Nam đang ở vị thế tốt để thu hút vốn ngoại. Vấn đề còn lại là làm sao để tiếp tục duy trì sức hấp dẫn của các cơ hội đầu tư. Việt Nam nên có những nỗ lực mạnh mẽ để nâng hạng TTCK. Để thu hút vốn của NĐT nước ngoài, tôi nghĩ Việt Nam còn nhiều việc cần làm. Các thủ tục gia nhập thị trường vẫn còn rối rắm, cần phải đơn giản hóa hơn nữa để giúp cải thiện quy mô giao dịch. Bên cạnh đó, cần có nhiều công ty tốt có quy mô lớn có thể đầu tư vào. Cuối cùng, các nhà quản lý cần phải điều hành thị trường một cách hiệu quả, an toàn, có định hướng và có chính sách bảo vệ đối với NĐT.

Là một NĐT tài chính tại Việt Nam, trong 7 năm qua, chúng tôi đã phải ứng phó nhiều khó khăn của một thị trường cận biên như sự không minh bạch, quản trị DN kém, đối xử không công bằng giữa các cổ đông, và đặc biệt là sự hạn chế về các biện pháp bảo vệ NĐT thiểu số trong những trường hợp mâu thuẫn về lợi ích xảy ra. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Chính phủ phải mạnh mẽ hơn nữa trong việc đẩy mạnh áp dụng các quy tắc quản trị công ty tốt nhất, bảo vệ quyền lợi cổ đông và áp dụng những hình phạt nặng đối với những vi phạm về quyền cổ đông và quy tắc quản trị DN để đảm bảo việc tuân thủ.

Xin cảm ơn ông!
Ngày 25/7, tới dự lễ kỷ niệm 15 năm hoạt động và thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng chỉ đạo, để TTCK Việt Nam từng bước phát triển, sánh ngang các TTCK của các nước trong khu vực và trên thế giới, đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách phù hợp điều kiện nền kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế; tập trung đẩy mạnh hơn nữa thực hiện Đề án tái cơ cấu TTCK, hiện thực hóa chính sách mở “room” cho NĐT nước ngoài, tái cơ cấu, tăng hàng hóa có chất lượng, vận hành thị trường phái sinh, hoàn thành hệ thống công nghệ giao dịch mới hiện đại đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế...