Tự thân vận động
Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm nay về cơ bản vẫn ổn định như năm 2015, do đó, HS đã biết sẽ thi môn gì. Và dù nhà trường chưa tổ chức ôn tập theo môn thi, nhưng HS cũng đã có xu hướng tự đăng ký học ôn ở trung tâm hoặc tìm thầy cô tự ôn ngoài nhà trường.
Em Lý Nguyệt Thu, HS lớp 12, nhà ở khu tập thể Trung Tự (quận Đống Đa) cho biết, trường chưa tổ chức ôn tập theo môn thi nhưng các thầy cô giáo vừa dạy vừa củng cố kiến thức cho HS. “Ở trường hiện tại vẫn học theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT. Nhưng xác định phải vào bằng được trường mình yêu thích là Học viện Ngoại giao, nên em đã học thêm ở ngoài ngay từ đầu năm lớp 12. Mấy tháng trước, em đăng ký học 2 buổi/tuần/môn, thời điểm này “tăng tốc” mỗi môn thêm một buổi” - Nguyệt Thu chia sẻ. Khá nhiều HS khi được hỏi đều cho biết đã lựa chọn trường, xác định nghề ngay khi đặt chân vào THPT, bởi vậy đầu tư ôn luyện theo môn thi, khối thi từ đầu lớp 10. Nguyễn Tuấn Đạt, HS trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) cho biết, bản thân rất thích sau này sẽ được học và làm trong ngành công an. “Em đầu tư theo khối A (Toán, Lý, Hóa) ngay từ lớp 10. Từ đầu lớp 12, em tập trung dồn sức nhiều hơn cho 3 môn Toán, Lý, Hóa” - Đạt cho hay.
Ôn luyện theo năng lực
Dự kiến của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra trong 4 ngày (1 - 4/7). Để có kết quả tốt trong kỳ thi quan trọng này, đa số các trường THPT ở Hà Nội đã có phương án, định hướng ôn tập cho HS khá sớm, phù hợp với năng lực từng đối tượng thí sinh.
Như TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch HĐQT trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, việc phân loại HS được tiến hành từ đầu năm học. Trên cơ sở nguyện vọng của HS, nhà trường phân loại đối tượng để dạy, ôn tập phù hợp. Ông Lâm cũng cho biết, nhà trường hướng dẫn, định hướng nghề cho HS rất kỹ: “Hết tháng 3 sẽ tiến hành khảo sát nguyện vọng chọn môn thi và tổ chức chia lớp ôn thi theo nhu cầu của HS ngoài giờ học chính khóa. Song song với đó, chúng tôi phân tích cho các em cách chọn trường, chọn nghề, phân tích cho HS hiểu phải biết năng lực, sở trường của mình là gì. Trên cơ sở đó tư vấn cho HS nên chọn trường phù hợp với học lực để ôn thi sát hơn”.
Tương tự, lãnh đạo trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) cho biết, sau khi kết thúc học kỳ II và có kết quả học tập cuối năm, nhà trường sẽ tham khảo ý kiến của cha mẹ HS, phối hợp về thời gian, động viên HS tham dự các lớp ôn tập và định hướng cho HS. Nhà trường chia đều việc ôn tập trong cả năm, không chỉ dồn vào 1 - 2 tháng. Tuy nhiên, với HS lực học trung bình, yếu, nhà trường sẽ tổ chức các lớp ôn tập bắt buộc, song không yêu cầu các em đóng bất cứ khoản tiền nào. Giáo viên của nhà trường cũng được động viên giảng dạy các lớp ôn tập này cho HS. Trong khi đó, trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm) lại có hướng ôn tập nhẹ nhàng, theo phương thức lồng ghép trong chương trình chính khóa, không tổ chức lớp ôn tập trung ngoài giờ học. “Kết thúc chương trình chính khóa vào cuối học kỳ II, nhà trường sẽ thống nhất với phụ huynh, HS tổ chức ôn thi trong vòng 3 - 4 tuần cho HS theo hướng thi môn nào ôn môn đấy” - đại diện nhà trường cho biết.
Bản thân lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, với những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia, ngay từ đầu năm học 2015 - 2016, Sở đã yêu cầu cấp THPT tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn để đáp ứng những thay đổi của việc học và thi. Sở cũng đã yêu cầu các trường tập trung, lưu ý sát sao, nhất là các trường có HS lực học trung bình và yếu phải lên phương án, kế hoạch cụ thể. Từng nhà trường, tùy thuộc vào năng lực thực của HS để có điều chỉnh, hướng dẫn ôn tập hợp lý, hướng tới kỳ thi chất lượng, hiệu quả.
Giờ ôn tập của học sinh khối 12 trường THPT Việt Đức. Ảnh: Phạm Hùng
|