Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông bà, anh em, tao và mày!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong truyện ngắn “Rình trộm”, nhà văn Nam Cao từng viết: “Cậu cậu, mợ mợ… thì ra lối tỉnh… Mình mình, tôi tôi là lối Sài Gòn, mấy thằng cha đi cao su về, cố nhập cảng, nhưng chẳng ai theo.

Còn anh ơi! Với em ơi! Thì chỉ khi nào hờ nhau người ta mới dùng đến cho văn vẻ. Vậy thì gọi nhau bằng gì được?... ”. Thế mới thấy cách xưng hô trong quan hệ vợ chồng từ xưa đã khó!

Ngày nay với cư dân đô thị, dù là vợ chồng son hay khi đã lớn tuổi, nhiều cặp vẫn xưng hô một anh - hai em. Điều này không có gì là lạ. Ở thôn quê (khi mới cưới), vợ chồng xưng hô anh em với nhau cũng là thường; nhưng một khi đã “lên chức” (có cháu nội, ngoại), nhiều kẻ tuy… chưa mấy “hột tuổi”, đã gọi nhau là ông - là bà, bởi tìm ra cách xưng hô cho hợp nhẽ, đôi khi cũng là chuyện không dễ.

Quê tôi là một làng ven sông Đáy, trai đến 30 chưa lấy vợ đã già, gái tầm ngoài 25 chưa có chồng đã được coi là ế. Đàn ông ngoài 40 đa phần đã lên ông, đàn bà có người mới “băm mấy” đã thành bà. Mà một khi đã lên ông, thành bà, cách xưng hô khắc thay đổi, nhưng khi tóc đương xanh, răng còn chắc… mà đã ông ông, bà bà, nghe lắm lúc cũng nghịch nhĩ. Bởi tuy đã “lên chức”, nhưng nhiều cặp vẫn còn cho cháu nội ngoại có thêm dì, thêm chú. Chuyện cháu bú bà, em bú chị không phải hiếm…

Từ ngày cái Thư lấy chồng, anh Nam, chị Màng chuyển cách xưng hô từ anh em, sang ông bà. Thoạt đầu nghe “hơi gượng”, nhưng lâu dần cũng thành quen.

Lúc ấy anh chồng mới 40, chị vợ nghe đâu kém mấy tháng nữa bước sang tuổi 37. Cái sự một ông, hai bà của họ, nghe ngọt như mía lùi. Nhưng việc này kéo dài không được lâu, bởi một tháng vợ chồng nhà đấy vẫn đôi lần đấu khẩu (đôi lúc là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay).

Những lúc như vậy, thay vì ông bà, anh tôi, là mày tao, loạn xị ngậu. Nếu không có láng giềng can thiệp, án mạng xảy ra như bỡn, bởi anh Nam có máu cùn, mà chị Màng thì là người ngoa ngoắt có tiếng.

Ấy thế nhưng sau “chiến tranh”, chỉ cần vài hôm, người ta lại thấy chị vợ tươi như hoa, và anh chồng thì… cười xòa, từ chỗ tao - mày, người ta lại nghe thấy tiếng ông ông, bà bà vang lên trong căn nhà nhỏ cuối xóm lúc vào mâm cơm chiều. Việc đánh chửi nhau (rồi lại làm lành), của nhà Nam - Màng trở thành cơm bữa, sau nhiều lần như vậy hàng xóm cũng chẳng mấy ai quan tâm…

Chuyện nhà Nam - Màng, cũng là… điển hình cho nhiều cặp đôi vùng quê nơi tôi sinh sống. Thực tế với người ở quê, đã có chút tuổi mà vẫn xưng hô anh anh, em em, đôi lúc sẽ bị hàng xóm, láng giềng đem ra trêu chọc mỗi lúc vui chuyện; bởi họ cho rằng nhà ấy có tuổi rồi mà vẫn như… vợ chồng son: “Cứ anh anh, em em cho lắm vào, không khéo lại… vỡ kế hoạch”! Vậy nên phần nhiều gia đình ở đây, một khi đã có dâu - rể, cách xưng hô sẽ được “chuyển từ cải lương sang chèo”, dẫu… trẻ chưa qua - già chửa tới. Cho nó lành!

Tuy nhiên, cái sự “lành” đôi khi không duy trì được lâu, bởi cổ nhân từng dạy, bát đũa đôi khi còn va chạm; hôn nhân mấy ai trọn vẹn hạnh phúc đến lúc đầu bạc răng long?

Cuộc sống vợ chồng đôi khi xảy ra xích mích, âu cũng là sự thường. Vậy nên, cách xưng hô với nhau bằng ông bà, anh em, tao và mày, đôi khi cũng tạo ra sự uyển chuyển, thú vị đấy nhé!