Đã có hơn 2.500 trẻ em khuyết tật, mồ côi được ông Định mở ra cho cánh cửa mới, tươi sáng đầy hy vọng. Cả đời trăn trở với trẻ thiệt thòi Đầu những năm 2000, tổ chức phi chính phủ Marynoll của Mỹ tài trợ cho Hợp tác xã (HTX) sơn khảm Ngọ Hạ ở Chuyên Mỹ, Phú Xuyên để mở lớp dạy nghề miễn phí cho trẻ em khuyết tật.
Khi đại diện HTX về làng Thượng để tuyển những người tình nguyện đi tìm các trẻ bất hạnh về học nghề. Cả làng ai cũng thắc mắc: “Đi làm việc đó lương bao nhiêu?”. Ông Hà Xuân Định (SN 1930), mồ côi cha từ năm 13 tuổi nên cả đời ông luôn trăn trở với những phận trẻ thơ thiệt thòi. Ông đã viết một bức thư gửi cho đại diện của HTX, khẳng định ông không cần tiền lương hay thù lao, chỉ cần những đứa trẻ ông tìm về thì phải được HTX tạo công ăn việc làm và được yêu thương, đùm bọc. Và thế là ông chính thức bước vào công việc lạ đời ấy. Ban đầu, ông tìm trẻ bất hạnh xung quanh xã mình, rồi huyện Phú Xuyên, sau nữa là những chuyến đi kéo dài đến nhiều tỉnh thành trong cả nước. Càng đi, ông càng thấy còn nhiều mảnh đời bất hạnh. Với chiếc xe đạp cà tàng, sáng đạp xe đi, tối thì xin vào nhà dân ngủ tạm, ông vào tận từng làng, từng ngõ, từng nhà. Đến đâu, ông cũng hỏi: "Địa phương mình có em nào, cháu nào mồ côi, tật nguyền… không?" Rào cản lớn nhất là ông phải thuyết phục gia đình đưa các cháu về dạy nghề và tạo công ăn việc làm. Đã nhiều lần, ông mất tới vài ngày để thuyết phục các gia đình có trẻ khuyết tật, bởi không phải ai cũng dám tin một người già cả như ông lại có thể làm được cái việc tạo công ăn việc làm cho những đứa con bất hạnh của họ. Câu nói mà ông đã quá quen trên các nẻo đường làm việc thiện là: “Nhỡ ông đem bán con cháu chúng tôi thì sao?”. Việc ông đi tìm trẻ bất hạnh về cho HTX dạy nghề đã thành những câu chuyện cảm động khiến nhiều người kính phục. Tuy nhiên, hồi mới “hành nghề”, đã có chuyện dở khóc, dở cười khi ông Định bị nghi ngờ là ông “Ba bị” chuyên đi bắt cóc trẻ con. Các cán bộ xã Vân Từ, Phú Xuyên giờ vẫn còn phì cười, nhưng cay cay khóe mắt khi kể lại câu chuyện mười năm trước khi ông Định mới đi làm công việc này. Khi đó, xã Vân Từ nhận được thông tin từ cán bộ một số địa phương lân cận yêu cầu xác minh: “Một đối tượng tại xã Vân Từ có nhiều hành động khả nghi, luôn tiếp xúc với trẻ em trên địa bàn các địa phương lân cận. Nghi ngờ đối tượng này có liên quan đến đường dây buôn bán trẻ em” – “Đối tượng khả nghi - Buôn bán trẻ em” ấy chính là ông Định chứ ai? Giờ ông Định đã là niềm tự hào, là tấm gương sáng tại xã Vân Từ. Phó Chủ tịch UBND xã Vân Từ Dương Hồng Việt xúc động: “Cụ Hà Xuân Định không chỉ là người mang hạnh phúc, niềm vui đến cho trẻ em bất hạnh, mà còn đem tới những bài học lớn cho người dân xã tôi về sự tận tụy, hết lòng vì hạnh phúc của người khác”. Tìm nguồn nhân lực hợp lý cho nghề truyền thống Đã hơn 10 năm ông Định gắn bó với công việc này và số người khuyết tật mà ông vận động đi học nghề lên đến hơn 2.500 người. Hầu hết trong số họ, sau khi học xong đã làm được nghề để tự kiếm sống cho bản thân mình. Điều quan trọng hơn việc kiếm sống là họ đã tự tin bước ra đời mà không còn mặc cảm là gánh nặng của xã hội. Trong số những người được ông Định tìm và đưa đi học nghề, có nhiều người không chỉ vượt qua số phận mà còn thành công trên con đường kinh doanh, sau đó lại giúp đỡ những người khuyết tật khác như chị Phạm Thị Út ở Thanh Mai, Thanh Oai (Hà Nội), bị liệt hai chân, giờ đã trở thành chủ một xưởng khảm trai có tiếng tại quê nhà với vài chục công nhân cũng là người khuyết tật. Ông Định vẫn nhớ như in cuộc gặp mặt với cô gái đầy nghị lực này. Một trưa tháng 7/2004, trời nóng như nung, trên đường đi ông dừng chân ở một ngã ba địa phận huyện Thanh Oai. Vào một quán nước nhỏ, cô bé trông quán bảo: “Mời ông uống nước, ông tự rót nước hộ cháu, cháu bị liệt hai chân, hôm nay cháu trông hàng cho bố mẹ cháu đi làm đồng”. Nghe thế, ông Định kể về công việc mà mình đang làm, cô bé liền ôm lấy túi đồ của ông lão không cho đi, bắt ông cụ phải chờ bố mẹ cô đi làm đồng về để xin đi học nghề. Mới đó mà đã 11 năm, cô bé bại liệt bán nước năm nào giờ làm chủ cơ sở khảm trai, giúp đỡ những người khuyết tật khác, cô cũng đã có gia đình hạnh phúc với con trai kháu khỉnh. Việc làm của ông Định không chỉ mang lại hạnh phúc cho trẻ em thiệt thòi mà thực sự đã tạo ra một “nguồn nhân lực” hợp lý cho ngành nghề truyền thống khảm trai, sơn mài tại Phú Xuyên, khi nghề đòi hỏi người thợ phải hết sức tỉ mẩn, ngồi một chỗ suốt thời gian làm việc. Chính vì vậy, hiện nay, không chỉ HTX sơn khảm Ngọ Hạ mà rất nhiều các cơ sở sơn khảm khác tại Phú Xuyên và các địa bàn lân cận đang rất có nhu cầu tìm người khuyết tật về dạy nghề để sau đó, họ trở thành công nhân tại chính các cơ sở này. Như vậy, sau này khi Dự án dạy nghề cho trẻ khuyết tật của tổ chức phi chính phủ kết thúc, vẫn sẽ có một môi trường dạy nghề và thị trường lao động rộng lớn dành cho những người khuyết tật. Hiện đã ở tuổi 85, ông Hà Xuân Định vẫn cứ đều đặn một tháng, đôi ba lần khoác cái túi đã sờn, đội chiếc mũ cối bạc màu và leo lên chiếc xe đạp đã cũ đi khắp nơi… tìm trẻ khuyết tật, mồ côi về cho các cơ sở sơn khảm dạy nghề, tạo việc làm, giúp lũ trẻ vượt qua bóng tối của sự tự ti. Nhiều người bảo, ông không phải là ông Tiên, ông Bụt với phép màu ngay lập tức giúp người ta thoát khỏi khổ đau, nhưng lòng tốt ở ông đã thắp lên trong tâm hồn nhiều đứa trẻ thiệt thòi một nghị lực để thay đổi số phận.
![]() Ông Hà Xuân Định với chiếc xe đi cùng ông suốt hành trình giúp đỡ trẻ khuyết tật. |