Cuộc nhậu hóa cuộc bắt cóc 18h ngày 30/11, Gia đánh xe hơi hạng sang đến mời đứa cháu đi nhậu, trên xe còn có một thanh niên khác. Khi đứa cháu nhận lời và cùng lên xe được khoảng 500m, ông Gia cho xe dừng lại đón thêm một người khách khác để “đi đông nhậu mới tới bến”. Khi hai người thanh niên đã ngồi kẹp hai bên đứa cháu, ông quay sang tuyên bố: “Hôm nay tao chính thức bắt mày đi Campuchia” rồi lái xe chạy tuốt về hướng Tây Nguyên. Rạng sáng hôm sau, xe tới một khu rừng sâu giáp biên giới Campuchia thuộc tỉnh Đăk Nông. Cả nhóm bắt cóc đưa nạn nhân vào một ngôi nhà hoang giữa rừng; trói tay, bịt mặt và đánh đập nhằm ép anh phải gọi điện về, yêu cầu gia đình phải trả thay anh 3 tỷ tiền nợ đã vay ông Gia mấy năm trước. Khoảng 9h ngày 2/12, chúng để nạn nhân gọi điện cho mẹ thông báo việc mình bị bắt, và liên tục những ngày sau đó chúng điện thoại bắt bố Dũng (đang ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) phải trả nợ thay cho con với những lời lẽ hăm doạ: “Hiện nay con mày đang ở Campuchia, cách biên giới 8km. Đúng ngày mai mày phải nộp một tỷ đồng, hôm sau phải nộp tiếp hai tỷ. Hôm đầu nếu không nộp tao sẽ cắt hai tai; hôm sau tao sẽ cắt tiếp hai chân thằng Dũng”. Gia đình nạn nhân bàng hoàng lo sợ khi chẳng biết con trai mình làm ăn kiểu gì mà lại bị bắt cóc, rồi tự dưng mình lại phải trả thay. Biết lấy đâu số tiền khổng lồ như vậy để cứu người thân, ngày 02/12/2011 vợ nạn nhân đã viết đơn lên Công an tỉnh Đồng Nai trình báo sự việc. Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, nhận thấy sự việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, công an tỉnh đã báo cáo Cục C45B (Bộ Công an) và tổ chức điều tra truy bắt đối tượng. Công an một mặt yêu cầu gia đình nạn nhân vẫn giữ liên lạc và khôn khéo khất nợ để đảm bảo sự an toàn cho con tin, mặt khác cảnh sát khoanh vùng những khu vực nghi vấn con tin đang bị giam giữ. Bằng biện pháp nghiệp vụ, trinh sát xác định anh Dũng đang bị các đối tượng giam giữ tại địa bàn thôn Hai, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil (Đăk Nông). Đây là khu vực có địa hình khá phức tạp, lại là khu giáp ranh với biên giới nước bạn nên rất khó tiếp cận. Nhóm bắt cóc đã khá ranh ma khi chọn địa điểm này làm nơi giấu nạn nhân bởi chúng có thể dễ dàng tẩu thoát ra nước ngoài nếu thấy có động. Phương án giải cứu nạn nhân được nhiều lần đặt lên đặt xuống nhưng cách nào cũng thấy những hạn chế. Địa hình miền rừng này không thể huy động lực lượng dễ dàng như đồng bằng, việc chỉ đạo phối hợp giữa các trinh sát cũng bị hạn chế do khu vực này sóng điện thoại di động rất chập chờn. Hơn nữa, nếu phát hiện công an tiếp cận, nhóm bắt cóc có thể sẽ hại đến tính mạng của nạn nhân. 3 ngày sau khi vụ bắt cóc xảy ra, khi công an vẫn chưa tìm ra phương án giải cứu nạn nhân hiệu quả nhất thì từ tin báo của gia đình bị hại, được biết đối tượng chủ mưu vụ bắt cóc là Hà Xuân Gia (SN 1957, ngụ khu phố 3, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, Tp. HCM) đang di chuyển ra Vĩnh Phúc để gặp cha của nạn nhân nhận tiền. Thông tin này được báo ra ngoài Hà Nội và các trinh sát của C45 và công an tỉnh Vĩnh Phúc đã vào cuộc hỗ trợ, phối hợp với công an Đồng Nai truy bắt đối tượng. Ngày 04/12, khi đối tượng Gia đang gặp bố của nạn nhân, yêu cầu viết giấy nhận nợ 3 tỷ cho con trai thì cảnh sát ập vào bắt tại trận. Một trong những việc đầu tiên mà công an yêu cầu với đối tượng bắt cóc là phải gọi điện cho các đối tượng đang giam giữ con tin, vờ thông báo đã nhận đủ tiền để thả nạn nhân đi. Nhận được điện thoại của Gia, những tên bắt cóc đã chở nạn nhân ra thả tại vườn cao su cách Quốc lộ 14 khoảng một km rồi vứt xuống trong tình trạng nạn nhân bị trói và bịt mặt. Đến 18h cùng ngày, nạn nhân tháo được dây trói, lê lết đến một nhà dân gần đó nhờ điện thoại cho gia đình biết. Hai giờ đồng hồ sau, các điều tra viên đang “trực chiến” tại Đăk Nông đã tìm được nạn nhân, đưa về Đồng Nai làm việc. Cháu lèm nhèm gặp cậu côn đồ Tại cơ quan điều tra, nạn nhân khai nhận là cháu gọi đối tượng bắt cóc bằng cậu họ. Đầu năm 2009, ông cậu có đến nhà Dũng và hùn vốn 300 triệu đồng cùng cháu, đổi lại đứa cháu sẽ trả ông lãi suất 10%/tháng. Đến tháng 7/2009. ông cậu tiếp tục mang giấy tờ nhà của mình và ủy quyền cho cháu vay một ngân hàng số tiền 2,2 tỷ đồng. Số tiền này ông Gia lấy lại 1,2 tỷ để sử dụng cá nhân; số 1 tỷ còn lại thì tiếp tục làm ăn cùng cháu. Một thời gian sau, thấy số tiền mình hùn vốn cho cháu khá lớn mà mình ngoài nhận tiền lãi thì chẳng có chức danh gì, ông cậu đòi đứng điều hành công ty và giữ luôn con dấu, giấy phép kinh doanh. Từ đó, hai cậu cháu từ lúc thân thiết nay chuyển sang ghét bỏ hậm hực nhau, thường xuyên bất đồng quan điểm trong việc kinh doanh và điều hành công ty. Tuy nhiên, những lời khai của đối tượng bắt cóc thì lại lộ ra một sự thật hoàn toàn khác phía sau vụ án. Ông cậu họ khóc lóc: “Nó lừa tiền tôi không trả nên tôi mới bắt nó để ép gia đình trả tiền”. Theo ông cậu, đứa cháu đã lợi dụng lòng tin, xúi mình thế chấp nhà lấy 2,5 tỷ để làm ăn rồi “quên luôn không trả”. Nhiều lần đòi tiền thậm chí nói thẳng vào mặt “Vay thì phải trả. Mày đừng có lèm nhèm về tiền bạc” nhưng đứa cháu vẫn giở trò chầy bửa nên ông cậu càng nuôi lòng ấm ức. Kế hoạch bắt cóc đòi tiền nợ đã được nghĩ ra khi ông Gia gặp một người khác cũng đồng cảnh ngộ cho Dũng vay tiền mà mãi chưa đòi được. Đó là Vũ Thế Hiền (SN 1967, HKTT thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc; tạm trú tại Đồng Nai), là người chuyên bán cao ngựa và bị Dũng mua số cao hơn 60 triệu nhưng không chịu trả tiền. Khi ông Gia ngỏ ý: “Thằng Dũng nợ tao tiền, mày có giải quyết được không”, Hiền nhiệt tình đồng ý: “Nó cũng nợ tiền cao ngựa của em, để giải quyết vụ này thì bắt cóc nó rồi bố nó phải trả thay”. Để thực hiện kế hoạch, Hiền rủ thêm hai đối tượng, một tên Hùng (quê Quảng Ninh) và một người nữa chưa rõ tên tham gia vụ bắt giữ người trái phép. Cũng theo lời khai của đối tượng Gia, hành động bắt con nợ chỉ nhằm hù doạ đòi được nợ nên Gia đã dặn các đối tượng: “Chúng mày giữ nó để nó viết giấy nợ cho tao rồi thả, chứ cắt tay cắt chân nó làm gì, dọa vậy thôi”. Phó Trưởng phòng PC45, công an Đồng Nai cho biết, với những chứng cứ lời khai thu thập được trong vụ án này, công an nhận thấy bản thân đối tượng Gia vừa là người phạm tội, nhưng ở một khía cạnh nào đó cũng là nạn nhân. Nếu không có việc đứa cháu lừa tiền của ông cậu, sự việc bắt cóc đã không xảy ra. “Nếu bị lừa tiền thì phải trình báo tới cơ quan chức năng chứ không được phép bắt giữ người trái phép. Vụ án này là bài học cho những người có ý định sử dụng “luật rừng” thay cho luật pháp. Còn nếu thấy hành vi của Dũng có đối tượng lừa đảo, công an sẽ tách ra riêng một vụ án để xử lý”, vị cán bộ công an này bình luận. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cũng kêu gọi đối tượng Hiền và hai đối tượng còn lại đã tham gia vụ bắt giữ người trái phép trên nhanh chóng đến công an tỉnh đầu thú để nhận sự khoan hồng của pháp luật.