Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông chủ sân khấu kịch 5B phải trả vé cho khán giả, nợ 4 tỷ, không đủ kinh phí trả tiền điện

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Kịch nói Việt Nam đang trong cơn khủng hoảng khi mất trắng khán giả. Loại bỏ yếu tố khách quan từ dịch Covid-19, kịch nói Việt Nam không có khán giả do đã đánh mất bản chất là sự đối thoại với đương thời.

Chạy theo thị hiếu rẻ tiền

Ngày 23/10, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam – Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”.

 Toàn cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: Lại Tấn.

Hội thảo diễn ra trong 4 tiếng, với nhiều tham luận được trình bày. Sau 2 tiếng diễn ra, NSND Lan Hương cắt ngang lượt phát biểu của một nghệ sĩ để đề xuất: “Tham luận của các đại biểu ai cũng đã có một cuốn và đọc rất kỹ, tôi nghĩ rằng chúng ta nên tập trung nói về vấn đề giải pháp để làm sao thu hút khán giả và phát triển sân khấu kịch hiện nay”.

Đề xuất của NSND Lan Hương nhận được sự ủng hộ của các đại biểu, sau đó, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung vào giải pháp nâng cao chất lượng, thu hút công chúng đến với sân khấu kịch.

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái đã đi thẳng vào vấn đề: “Kịch – thể loại hàng đầu của sân khấu Việt hiện đại đã mất trắng khán giả. Thử gạt bỏ lý do khách quan về đại dịch Covid 19- toàn cầu, xét kịch là thể loại chủ chốt, và cách sáng tạo vở diễn kịch, với nguyên lý tả thực thì việc mất trắng khán giả của thể loại kịch là do bản thân kịch đã đánh mất chính bản chất của nó - là sự đối thoại với đương thời. Ở sân khấu kịch 5B, hơn một lần phải trả vé vì không có người xem, không đủ tiền trả tiền điện, người chủ của sân khấu âm 4 tỷ đồng phải lấy tiền nhà ra để trang trải".
 NSƯT Xuân Bắc phát biểu tại buổi Hội thảo. Ảnh: Lại Tấn.

Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam – NSƯT Xuân Bắc cho rằng sự ảnh hưởng mạnh mẽ của các loại hình giải trí mới đã tác động đến sự thay đổi của nhiều đơn vị nghệ thuật để chiều theo thị hiếu người xem. Những chương trình sân khấu đã được dàn dựng nhanh chóng, đáp ứng theo nhu cầu của khán giả. Đã từng có một khoảng thời gian, khán giả đổ xô đi mua vé để xem hài kịch đơn giản hay những chương trình giải trí dễ dãi vào cuối tuần, với những tiếng cười đơn giản, thậm chí còn rẻ tiền, và đôi khi kèm theo yếu tố sốc – sex – kinh dị.

Tìm cách phục hồi sân khấu kịch

Trong bối cảnh, khán giả được tiếp cận nhiều phương tiện thông tin, đòi hỏi những người nghệ sĩ sân khấu không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ để dàn dựng những vở diễn đặc sắc, kết hợp hài hoà với các loại hình nghệ thuật và đặc biệt là phải biết ứng dụng khoa học kỹ thuật để vừa đảm bảo yếu tốt yếu tố mãn nhãn, vừa không mất đi nét đặc trưng của sân khấu kịch. “Chúng tôi hiểu nhu cầu và thị hiếu của khán giả để hoàn thiện mình, từ đó nâng cao chất lượng nghệ thuật của vở diễn, không phải để chiều theo thị hiếu khán giả. Những vở diễn của Nhà hát đề cập những vấn đề bức thiết trong cuộc sống” – NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.

Tuy nhiên, để thay đổi một thói quen của người trưởng thành là điều không hề dễ dàng. Vì vậy, việc tạo dựng thói quen và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật nên bắt đầu từ những chủ nhân tương lai của đất nước. Đó chính là nguồn khán giả vô cùng thiết thực, tiềm năng không chỉ trong tương lai của các đơn vị nghệ thuật, mà là ngay trong thời điểm hiện tại.

Theo NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội: “Bộ GD&ĐT hàng năm vẫn luôn tích cực tìm tòi, phát triển và trăn trở nhiều về vấn đề cải cách giáo dục. Thiết nghĩ, tại sao không đưa Nghệ thuật Sân khấu vào Chương trình chính khoá? Việc đưa nghệ thuật sân khấu vào chương trình giảng dạy chính khoá học đường chắc chắn sẽ là một cải cách hiệu quả cao đối với các em học sinh các cấp”.

Trên thực tế, các chương trình trải nghiệm sân khấu kịch nói, văn học, lịch sử, thực tế dành cho các cấp học đã được Nhà hát Kịch giới thiệu tới các trường công lập – tư lập trên địa bàn Hà Nội và nhận được sự hưởng ứng và phản hồi tích cực từ Ban Giám hiệu nhà trường, phụ huynh và đông đảo học sinh.

Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ đề xuất, ngoài những nhà hát, địa điểm biểu diễn cố định trước kia, có thể tạo dựng những sân khấu biểu diễn tại khu vực đông dân cư, đông du khách. Qua đó, sân khấu kịch, các buổi diễn đến gần hơn với khán giả. Tạo điều kiện thuận lợi để các Nhà hát, các chương trình nghệ thuật được biểu diễn tại các Nhà hát trọng điểm của Thủ đô và cả nước. Tổ chức nhiều hơn những chuỗi hoạt động biểu diễn nhằm tôn vinh các giá trị nghệ thuật truyền thống, tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật sân khấu cho Nhân dân.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông tán thành các ý kiến tâm huyết tại Hội thảo, trong đó khẳng định, 100 năm qua, sân khấu kịch nói Việt Nam có những giai đoạn gian nan hơn, nhưng bằng nỗ lực và sáng tạo, các thế hệ đi trước đã duy trì và phát triển sân khấu kịch nói. Vì vậy, để sân khấu kịch nói vượt qua giai đoạn khó khăn này, cũng như phát triển lên tầm cao mới, các nhà quản lý, đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ phải quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nhất là về viết kịch bản, diễn xuất.