Phóng viên VnExpress có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Kình (82 tuổi) - người đại diện cho dân xã Đồng Tâm khiếu nại về đất đai - một ngày sau khi ông ra viện. Ông bị thương hôm 15/4, trong quá trình cơ quan chức năng thực hiện lệnh bắt một số người để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng liên quan việc giải tỏa đất tại đồng Sênh (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
- Hơn nửa tháng nằm viện, ông được chăm sóc ra sao?
- Ngày 15/4, sau khi bị bắt, tôi được kiểm tra tại Bệnh viện 108 vì gãy xương đùi. Hôm sau, ông Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đến thăm có ý kiến phải đưa tôi sang Bệnh viện Việt Đức để được chăm sóc tốt nhất. Viện trưởng giao 3 giáo sư trực tiếp mổ, tôi rất ghi nhận điều này. Tôi được chăm sóc chu đáo, ăn uống đầy đủ.
Ông Kình (bên phải) trò chuyện với các cao niên trong thôn Hoành vào sáng 3/5, một ngày sau khi được xuất viện về nhà. Ảnh: Phạm Dự. |
Nửa tháng nằm viện, ông Chung đến gặp tôi khoảng chục lần. Ngoài ra, thứ trưởng công an, giám đốc công an TP Hà Nội cũng đến thăm và động viên mau chóng khỏe để hợp tác giải quyết vụ việc.
- Ông và lãnh đạo TP Hà Nội đã trao đổi những gì để tìm tiếng nói chung nhằm giải quyết căng thẳng ở Đồng Tâm?
- Khi chưa mổ, vì tuổi cao sức yếu, có lúc tôi xác định mình sẽ không còn đủ minh mẫn, tỉnh táo nên cố gắng tận dụng hết thời gian tiếp xúc để trao đổi về sự việc, mong muốn của người dân, bức xúc về đất đai suốt một thời gian dài.
Mấy năm qua, tôi chỉ mong một lần được gặp trực tiếp lãnh đạo thành phố nhưng không có cơ hội. Khi nằm viện cũng là lần đầu tiên tôi gặp ông Chung. Hôm 16/4, tôi trình bày nguyện vọng thả những người dân thôn Hoành, ông Chung đồng ý. Ông ấy cũng thông báo việc người dân giữ 38 cán bộ, công an sau khi tôi bị đưa đi.
Từ đó, ông Chung liên tục trao đổi, gặp trực tiếp hoặc gọi điện để thông báo lẫn nắm tình hình. Tôi vẫn liên lạc với gia đình, có con cháu vào thăm và nắm được diễn biến ở Đồng Tâm.
Khi vào viện, Chủ tịch Chung hứa sẽ về Đồng Tâm để giải quyết. Tôi nói với ông ấy rằng trong bối cảnh ở Đồng Tâm có nhiều thành phần phức tạp xâm nhập nên có lực lượng bảo vệ đi cùng vì Chủ tịch là linh hồn của thành phố. Còn bản chất người dân ở đây là ứng xử có văn hóa.
Tôi nằm viện nhưng vẫn biết bà con ở nhà mua giò, bánh mì cho các chiến sĩ cảnh sát ăn. Chính ông Chung cũng nói với tôi những người bị giữ được đối xử tốt, không ai bị đánh đập, lăng mạ.
- Ông phản ứng thế nào khi hay tin 38 cán bộ, công an bị người dân giữ?
- Tôi nói với Chủ tịch Chung rằng người dân làm thế cũng có lý do, vì tôi bị bắt không minh bạch. Hôm 15/4, đoàn cán bộ mời một số người trong thôn đi chỉ mốc giới đất quốc phòng và đất nông nghiệp. Thời điểm bị bắt, chúng tôi không hề được nghe lệnh bắt hay quyết định khởi tố.
Khi nằm viện, tôi làm việc nhiều lần với công an, ký một số giấy tờ nhưng nội dung, theo tôi nhớ, đều là thông tin về nguồn gốc đất đai. Quyết định tạm giam cũng chưa bao giờ được đọc trước mặt tôi.
- Ông đánh giá thế nào về cuộc đối thoại của Chủ tịch Chung với người dân thôn Hoành ngày 22/4, trong đó có bản cam kết gồm 3 điều là làm rõ đất tại khu vực đồng Sênh có phải đất quốc phòng, không truy cứu hình sự với toàn thể người dân trong sự việc ngày 15/4 và điều tra đúng sai việc bắt ông?
- Bản cam kết có chữ ký, không có con dấu mà điểm chỉ, đây là một quyết định vì dân của ông Chung, bởi không ai ép được một vị chủ tịch thành phố làm việc đó. Đây chính là tinh thần vì đại cuộc.
Tôi cũng như người dân Đồng Tâm tôn trọng việc ông Chung cam kết không truy cứu trách nhiệm đối với toàn thể người dân xã Đồng Tâm và chúng tôi tin tưởng vào cam kết của Chủ tịch Hà Nội sẽ có hiệu lực tới khi nào vụ việc ở Đồng Tâm được giải quyết xong.
- Điều ông mong chờ sắp tới là gì?
- Tôi đợi ngày 20/6 để nghe kết luận thanh tra về toàn bộ đất đồng Sênh. Chủ tịch Chung hứa giải quyết công tâm, truy đến cùng nguồn cơn sự việc. Tôi đồng ý với ông Chung rằng việc nào đi việc ấy. Lãnh đạo thành phố khi vào thăm đều nói rằng "tiếng nói của cụ quan trọng với người dân Đồng Tâm nên sau khi ra viện cố gắng ổn định tinh thần người dân. Còn những việc khác vẫn phải giải quyết theo trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật. Đó mới là việc làm cần thiết của những người có hiểu biết, được nhân dân tin tưởng".
Qua sự việc của Đồng Tâm, có thể thấy cần đảm bảo quyền lợi khiếu nại, tố cáo của người dân. Nhưng người khiếu nại tố cáo cũng cần thu thập chứng cứ thuyết phục để không tốn công sức mà đạt hiệu quả cao. Một điều nữa là không nên manh động sẽ dễ biến cái đúng thành cái sai.
Việc chúng tôi khiếu nại về đất đai kéo dài, thứ nhất là để làm trong sạch Đảng bộ xã Đồng Tâm, hai là đòi quyền lợi cho nhân dân. Đất đai là tư liệu sản xuất của nông dân nhưng bị xâm phạm thì phải đấu tranh. Cuối cùng là để củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền. Phòng và chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân chứ không chỉ riêng ai, không có vùng cấm, quan với dân bình đẳng.
Ngày 15/4, ông Lê Đình Kình chấn thương nhập viện khi bị bắt gần đồng Sênh cùng một số người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm (Mỹ Đức). Cùng ngày, người dân giữ 38 cán bộ, cảnh sát cơ động. 7 ngày sau, những người thi hành công vụ được thả khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết làm rõ đất tại khu vực đồng Sênh có phải đất quốc phòng - mấu chốt trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của dân Đồng Tâm; điều tra đúng sai việc bắt ông Lê Đình Kình; không truy cứu hình sự với toàn thể người dân trong sự việc ngày 15/4. |