“Vùng cấm trước đây cũng có, nhưng vừa qua “khui” được nhiều thứ, đó là bước mạnh mẽ của Trung ương, của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư. Chính cái đó thể hiện sự kiên quyết, giờ đang phải làm và nghiên cứu tiếp tục làm” - Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh khi trả lời báo chí.
Cán bộ tốt có khi thành xấu nếu không kịp uốn nắn
PV: Vừa qua, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có nhiều kết luận, kỷ luật và đề nghị xử lý cán bộ vi phạm. Ông có suy nghĩ gì?
Ông Lê Khả Phiêu: Từ khi có Đảng ta đã có các Nghị quyết về công tác cán bộ và đã thấy công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, sự lựa chọn để đào tạo trở thành cán bộ cũng lại là một bước vô cùng quan trọng. Bồi dưỡng rồi nhưng khi vào thực tiễn cuộc sống mới thể hiện bố trí người cán bộ đó có đúng và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hay không.
Có người tốt nhưng không phù hợp với công việc được bố trí. Chính quá trình theo dõi, giám sát cán bộ chưa thật sát nên có khi bố trí ở vị trí đáng ra ở cấp thấp lại vượt vài cấp hay chưa hợp lý nên mới có vấn đề nọ, vấn đề kia.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Muốn đánh giá sát nhất cán bộ phải thông qua thực tiễn, phải dựa vào quần chúng nhân dân |
Tuy nhiên, cũng có tình huống người cán bộ được đánh giá đúng, bố trí đúng, nhưng khi vào thực tế thì người đó không phát huy được, thậm chí mắc sai sót. Như thế cũng tức là đánh giá chưa sát, chưa chắc.
Muốn đánh giá sát nhất cán bộ phải thông qua thực tiễn, phải dựa vào quần chúng nhân dân và các tổ chức, các cấp.
PV: Liệu có tiêu cực trong công tác cán bộ dẫn đến những sai sót không, thưa ông?
Ông Lê Khả Phiêu: Có nhiều cái ta đánh giá đúng, đưa cán bộ phù hợp, nhưng cũng có lần ta đánh giá sai, chưa sát để tìm ra yếu tố đánh giá chính xác về con người nên bố trí không đúng.
Bản thân cán bộ là một chuyện, nhưng tổ chức quản lý cán bộ phải chặt chẽ, phải hiểu được quá trình trưởng thành của cán bộ, có ưu nhược điểm gì. Chỉ thấy vài thành tích tốt rồi tâng lên ghê gớm khiến họ tự kiêu, trở thành người thành tích, rồi sau đó lại thoái hoá dần dần, nên người tốt cũng có khi thành xấu.
Cái quan trọng nhất khi nói đến công tác cán bộ là bản thân cán bộ phải tự bồi dưỡng, rèn luyện, tự phấn đấu, nhưng tổ chức phải biết được cái mạnh, cái yếu của họ. Chưa kể đến tiêu cực, nể nang mà chỉ cần những người có thành tích nhiều nhưng nảy sinh vài cái yếu mà tổ chức không thấy hoặc bỏ qua thì cái yếu nảy sinh khiến cái mạnh giảm đi, dẫn đến người cán bộ ban đầu tốt nhưng về sau phải loại. Mất cán bộ là rất đau, vì để bồi dưỡng được một cán bộ đòi hiểu rất nhiều vấn đề, mất một cán bộ là thiệt hại cho tổ chức, cho cách mạng.
Theo dõi con người cán bộ phải có quá trình, có bản lĩnh của cơ quan tổ chức và phải dựa vào quần chúng. Như gieo hạt giống, phải theo dõi xem nó phát triển thế nào. Cán bộ khi ở trên Trung ương và đi xuống thực tiễn, vào miền núi hay đồng bằng lại thể hiện rất khác nhau. Khi vào hoạt động thực tế thì anh muốn giấu cái xấu cũng rất khó, người ta biết cả. Khi anh làm việc, cái xấu của anh người ta biết cả chứ. Do đó, đánh giá đúng thì người cán bộ biết mình tốt thế nào, mình có tật gì để sửa, nhờ thế mà có người trở thành giỏi.
Cán bộ là cái gốc, công tác cán bộ là vấn đề cơ bản, nên cái gốc phải phát huy mới phát triển.
Có sai có kỷ luật, dứt khoát phải làm
Nghị quyết của Đảng nhấn mạnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhiều trường hợp cụ thể thời gian qua cũng cho thấy quyết tâm xử lý tập thể, cá nhân sai phạm là không có vùng cấm. Theo ông, có thể hài lòng với kết quả đó chưa?
Ông Lê Khả Phiêu: Vùng cấm trước đây cũng có, nhưng vừa qua “khui” được nhiều thứ, đó là bước mạnh mẽ của Trung ương, của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư. Chính cái đó thể hiện sự kiên quyết, giờ đang phải làm và nghiên cứu tiếp tục làm.
Vừa qua là bước đi tốt, nhưng không phải như thế là xong mà làm sao để mọi Đảng viên tự giác để mình không vi phạm pháp luật, giữ con người mình trong sáng. Sức đề kháng của mỗi Đảng viên, dù ở cấp thấp hay cấp cao đều phải có dũng khí giữ gìn cho đúng. Còn có sai thì có kỷ luật, dứt khoát phải làm.
PV: Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cũng đã được quan tâm hơn, hạn chế việc trách nhiệm cá nhân “trốn” trong tập thể, thưa ông?
Ông Lê Khả Phiêu: Vấn đề vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tương đối có bước tiến. Bộ trưởng một Bộ phụ trách để xảy ra vấn đề thì trước hết trách nhiệm anh thế nào, rồi cấp phó phụ trách, rồi Đảng bộ…
Vừa qua làm được như thế là đáng mừng, không phải hời hợt đâu, tiến bộ đấy, nhưng cũng không phải như thế là hết, mà vẫn còn. Qua thực hiện có kinh nghiệm và tiếp tục làm hơn nữa, cứ như thế nhân dân và trong Đảng ủng hộ để các đồng chí Trung ương và Tổng Bí thư làm mạnh mẽ.
Ưu điểm, khuyết điểm đến đâu phải chỉ rõ đến đó để có mức xử lý cho phù hợp. Hình thức kỷ luật phải được lòng người, cũng phải thấy trong từng điều kiện, hoàn cảnh, từng trường hợp, nhưng dứt khoát phải có xử lý.
Công tác cán bộ vừa qua tiến bộ, từ đó góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng tốt lên, cái đúng cái sai phân minh hơn, làm cho tính tích cực cách mạng, vai trò vị trí người cộng sản mẫu mực hơn, có răn đe và chắc chắn hạn chế bớt tiêu cực.
PV: Nhiều người đã về hưu cũng bị xử lý vì có vi phạm trước đó, không ít trường hợp bị xoá bỏ chức vụ từng giữ. Vấn đề này cần được nhìn nhận thư thế nào để thấy được sự răn đe, thưa ông?
Ông Lê Khả Phiêu: Tất nhiên về hưu rồi thì không còn giữ chức vụ, nhưng phải coi đó là án kỷ luật của Đảng cho nghiêm minh. Dù về hưu rồi vẫn là Đảng viên, vi phạm thì cũng phải xử lý. Tinh thần như thế là đúng, nên làm, phải chỉ ra và qua đó răn đe các Đảng viên khác đừng có như thế.
Đang làm tốt rồi và phải làm tốt hơn nữa
PV: Nói đến lựa chọn và bố trí cán bộ thì vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho chức danh thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, như cán bộ đó phải không tham vọng quyền lực, không tham nhũng... Ông có cho rằng những tiêu chí, tiêu chuẩn này sẽ giúp loại cán bộ không xứng đáng?
Ông Lê Khả Phiêu: Nó có tác dụng. Không phải trước đây không nói tới, nhưng giờ ta cụ thể hoá ra. Trước đây Bác Hồ đã nói nhiều lần câu không ham quyền lực, nhưng giờ anh “chạy chức, chạy quyền” là anh ham quyền lực chứ còn gì nữa. Hay trình độ văn hoá anh thấp mà khai cao lên để có vị trí này kia thì cũng là ham quyền lực.
Những người có vi phạm phải bị xử lý kiên quyết, mạnh mẽ. Vừa qua làm thế là có bước tiến quan trọng, cảnh tỉnh mọi Đảng viên, làm cho nhân dân hài lòng nhưng nói hết chưa thì nói thẳng là còn chưa hết vi phạm.
PV: Cán bộ vi phạm cũng được cho có nguyên nhân từ kiểm soát quyền lực chưa thật tốt. Vậy vấn đề này cần thực hiện thế nào, thưa ông?
Ông Lê Khả Phiêu: Trước hết phải là tinh thần tự giác của từng người, thứ hai là phải làm đúng điều lệ Đảng, tự phê bình và phê bình, sinh hoạt phải dân chủ, bình đẳng.
Tự phê bình và phê bình cũng phải rất tự giác, đấu tranh thẳng thắn, nói rõ với nhau, thấy sai thì nói sai, có khuyết điểm thì báo cáo chứ đừng có bao che, như thế Đảng mới trong sạch được. Khuyết điểm mà được chỉ ra thì người có khuyết điểm có thể sửa chữa, trở thành người tốt.
Cùng với đó tăng cường kiểm tra, thanh tra, nhưng cơ quan kiểm tra làm không đủ đâu. Anh có chức có quyền lo thu vén bản thân rồi đời sống, nguyện vọng của dân anh bỏ qua là rất nguy hiểm. Dân mất lòng tin, dân thờ ơ thì rất nguy hiểm!
Công tác cán bộ giờ ta đang làm tốt rồi nhưng phải làm tốt hơn nữa.
PV: Vâng, xin cảm ơn nguyên Tổng Bí thư!./.
Hội nghị Trung ương 6 khoá XII chuẩn bị khai mạc sẽ bàn về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết, vấn đề này đã từng làm nhưng chưa đạt hiệu quả, bộ máy không những không tinh giản mà cứ phình ra. “Lần này phải làm cho tổ chức bộ máy tinh gọn, chất lượng cao, nếu không làm được việc đó sẽ dẫn đến trì trệ, khiến bộ máy trở thành quan liêu thì rất nguy hiểm. Không làm không được nữa rồi. Tất nhiên phải có cách làm đúng nhưng trước hết phải đặt vấn đề kiên quyết làm, không làm thì không phát triển được” – nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói. |