Đội trưởng đội chuyên trách bắt chó thả rông phường Khương Đình, quận Thanh Xuân Lê Bá Mão. Ảnh: Vietnammoi |
Sau khi được UBND phường Khương Đình giao nhiệm vụ, ông Mão cùng 4 thành viên trong đội chuyên trách bắt chó thả rông phối hợp với các tổ phản ứng nhanh phòng chống bệnh dại và bắt chó thả rông ở các khu dân cư bắt tay ngay vào công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân. Sau nửa tháng tổ chức tuyên truyền công tác phòng chống bệnh dại và các quy định của pháp luật khi nuôi chó, đầu tháng 7/2018, đội chuyên trách bắt chó thả rông và các tổ phản ứng nhanh đã ra quân bắt chó thả rông không đeo rọ mõm, không có người dắt xích tại các ngõ, ngách, các điểm công cộng.“Công việc của chúng tôi diễn ra vào các buổi sáng sớm và chiều muộn. Thời điểm đó, một số người dân có thói quen dắt chó đi tập thể dục. Trước khi ra quân, đội chuyên trách của phường họp với tổ phản ứng nhanh ở các khu dân cư để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và nắm bắt thời gian, khu vực vẫn còn chó thả rông. Từ đó, có phương án thích hợp để mỗi buổi ra quân đạt hiệu quả cao” – ông Mão chia sẻ.Những ngày đầu ra quân, có buổi đội bắt được 3 - 4 con, những buổi tiếp theo bắt được 1 - 2 con và nhiều buổi không bắt được con nào. Từ đó, có thể thấy ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong việc nuôi chó của người dân đã ngày càng tốt hơn. Các trường hợp chó bị bắt giữ, chủ vật nuôi đến nhận bị xử phạt với mức 700.000 đồng/con. Khi chủ nhân của những con chó này mang các giấy tờ liên quan đến việc tiêm phòng dại cho chó, chứng minh Nhân dân, đồng thời nộp phạt theo quy định sẽ được trả lại chó. Các trường hợp là chó vô chủ, phường đã gửi về Trung tâm Nghiên cứu và Bảo vệ động vật nuôi. “Khi đội ra quân bắt chó thả rông, Nhân dân luôn đồng tình, ủng hộ. Thậm chí, có trường hợp chúng tôi bắt chó thả rông ngay trước mặt chủ, họ còn xin lỗi khi vô ý thả rông chó ra đường” – ông Mão kể.Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, đội bắt chó thả rông cũng gặp không ít những khó khăn. Nhân lực chủ yếu là những người làm công tác tự quản và ban bảo vệ dân phố dân phòng của phường làm việc kiêm nhiệm và phần lớn đã lớn tuổi. Dụng cụ vợt bắt thô sơ nên nhiều con chó vẫn có thể thoát khỏi vợt lưới của đội chuyên trách. Đây cũng là công việc gặp rất nhiều nguy hiểm khi gặp phải những con chó to, chó dữ.Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình Nguyễn Thị Hà Phương đánh giá, ông Lê Bá Mão cũng như những thành viên trong đội không có kinh phí cấp riêng. Mỗi buổi đội ra quân, phường hỗ trợ 50.000 đồng/người, nhưng ông luôn trách nhiệm, làm việc bằng sự tâm huyết, nhiệt tình cao. Hơn nữa, do sâu sát địa bàn nên gia đình nào nuôi chó, ông đều nắm rõ. Được phân công nhiệm vụ Đội trưởng, ông Mão đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn phường về quy định quản lý chó nuôi. “Do có sự tuyên truyền, vận động của ông Mão cũng như các thành viên trong đội chuyên trách bắt chó thả rông và các tổ phản ứng nhanh ở khu dân cư, ý thức của các hộ dân trên địa bàn ngày càng nâng cao, chấp hành nghiêm quy định nuôi chó trong khu dân cư nên vài tháng gần đây ghi nhận không có trường hợp nào vi phạm” – bà Phương chia sẻ.