Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Phạm Thế Duyệt: Hành động của Trung ương XII ngày càng thuyết phục

theo VOV
Chia sẻ Zalo

"Những vấn đề lớn Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu ra, Trung ương cần làm việc hết sức thận trọng, công tâm, đặt lên lợi ích của nhân dân, của Đảng trong xử lý cán bộ vi phạm".

VOV.VN phỏng vấn ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. 
 PV: Thưa ông, từ thời điểm ra Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đến nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, những hạn chế nào được nêu ra những chậm được khắc phục nhất?
Ông Phạm Thế Duyệt: Quyết tâm của Trung ương đã rõ. Sau nhiều năm đã triển khai thực hiện chưa tốt Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII năm 1999) nếu quyết tâm làm thì giờ khác nhiều rồi. Tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao Trung ương khóa XI, khóa XII đặt vấn đề rất rõ ràng phải làm tiếp xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đó là điều rất đúng.
Nghĩ đến Bác Hồ thì càng thấy có lỗi vì mấy chục năm nay rồi mà vẫn làm lúng túng, làm không dứt khoát, không rõ ràng quan điểm của Đảng cầm quyền trong việc lãnh đạo một dân tộc cách mạng trong việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Việc gương mẫu cho nhân dân và tiền phong cho đất nước còn nhiều day dứt.
 Ông Phạm Thế Duyệt
So sánh giữa Trung ương XI và Trung ương XII thì rõ ràng ràng Trung ương XII có nhiều tiến bộ, đã triển khai tốt nhiều việc, giữa Nghị quyết và hành động, giữa nói và làm, giữa chỉ đạo trên và dưới. Hành động của Trung ương XII ngày càng có sức thuyết phục đối với Đảng bộ các cấp, đảng viên nghỉ hưu và nhân dân.
Rõ ràng Trung ương XI có nhiều quyết tâm nhưng còn thể hiện sự thiếu thẳng thắn trong nội bộ, cho nên có những lúc biết sai nhưng cũng không dám nói thẳng. Khi bỏ phiếu, khi công bố có nhiều biểu hiện trong Đảng thiếu tinh thần chân thành, thẳng thắn. Khi thiếu sự nghiêm túc trong nội bộ, nhất là nội bộ cấp cao thì sẽ ảnh hưởng đến lòng tin, đến suy nghĩ của đảng viên và người dân.
Rõ ràng Trung ương XI có nhiều cố gắng nhưng tôi cho rằng nhược điểm trên còn lớn.
Sang Trung ương XII thì những nhược điểm này được khắc phục rõ hơn, biểu hiện ở việc từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều việc kể cả những vụ việc xảy ra ở Trung ương, địa phương, việc cũ, việc mới đều được đề cập và nhiều cán bộ cũng có vị trí, trách nhiệm ở các tỉnh, thành phố, Trung ương và các bộ ngành cũng đã được đề cập đến để xem xét đúng sai và xử lý đúng mức.
Tôi cũng rất đồng tình với việc kể cả những người về hưu đừng nghĩ là “hạ cánh an toàn” mà ai có khuyến điểm đều được làm rõ. Đây không phải là sự moi móc, mà là sự công bằng trong đánh giá để giữ gìn kỷ cương của Đảng. Còn xử lý đến đâu và mức độ nào, căn cứ vào tính lịch sử và tiến trình của thời gian để xử lý đúng mức, rõ ràng công tội, không ngoại trừ một ai.
Một vấn đề nữa kể cả các lãnh đạo của các Bộ ngành, các Ủy viên Trung ương, các đồng chí đã nghỉ hưu, rồi cả những đồng chí đương chức có trọng trách lớn khi có sai phạm đều được chỉ rõ và xử lý.
Tôi cho việc thẳng thắn như vậy là rất tốt, nên làm và làm sẽ được tuyệt đại bộ phận nhân dân và các đảng viên đã nghỉ hưu, những người có công với cách mạng đồng tình.
Phải thẳng thắn nhìn rõ hạn chế để khắc phục
PV: Thưa ông, trong Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua, Đảng ta đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng đạo đức chính trị và nhận định đây là nguy cơ trực tiếp đối với sự tồn vong của Đảng và của chế độ. Đây không phải là lần đầu tiên Đảng ta cảnh báo sự suy thoái này. Theo ông, vì sao sau nhiều năm tình trạng này không giảm mà ngày càng nghiêm trọng?
Ông Phạm Thế Duyệt: Nguyên nhân khách quan, chủ quan có thể nói đến, nhưng tôi cũng đã là người có trách nhiệm trong Đảng, trách nhiệm trong lãnh đạo, tôi cho rằng lỗi ấy chính là ở lãnh đạo, ở Trung ương đã trậm trễ, đã không kiên quyết, đã không nêu gương, đã không thẳn thắn trong xem xét, trong kiểm tra, trong đánh giá đội ngũ, trong xử lý cán bộ có sai phạm, không làm cho cả hệ thống chính trị mạnh lên để thực hiện chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đặt ra từ lâu.
Nếu nhìn ở dưới, nói triển khai kém thì cũng đúng nhưng trách nhiệm chính của việc sau nhiều năm tình trạng này không giảm mà ngày càng nghiêm trọng là của Trung ương, của lãnh đạo chủ chốt gánh vác những nhiệm vụ quan trọng. Tôi cho rằng việc này phải thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục chứ đừng nên tránh né.

PV: Trong 27 biểu hiện được Đảng ta điểm mặt gọi tên, theo ông những biểu hiện nào là nghiêm trọng và khá phổ biến trong tình hình hiện nay?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi thấy Trung ương đã nêu ra khá kỹ lưỡng như vậy để mọi người cùng liên hệ xem mình vấp phải những biểu hiện suy thoái gì, sai gì để tự sửa. Nhưng tôi thấy quan trọng nhất của người lãnh đạo là đạo đức và lối sống.
Bác Hồ thường nói cán bộ phải có đức và tài, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, nhưng có tài mà không có đức thì không thể làm được việc gì. Tôi cho rằng trong 27 biểu hiện mà Trung ương đã nêu ra, thì sự xuống cấp về đạo đức và lối sống là biểu hiện quan trọng nhất dẫn đến sự tha hóa. Cái đó là cái gốc của vấn đề. Tư lợi, cục bộ, coi trọng địa vị cá nhân, đề cao cá nhân, hãnh diện hão huyền nó cũng từ sự tha hóa phẩm chất đạo đức của người cách mạng.
Mỗi người cán bộ hãy tự soi mình vào cuộc sống của trên 90 triệu dân, tự soi mình vào hoàn cảnh của đất nước, tự thấy mình là người lãnh đạo, là người đảng viên thì phải sống thế nào cho đúng mực. Dù có đổi mới, hội nhập, nhưng là người cộng sản, là người thực hiện đường lối của Bác Hồ, đã hứa là phải làm theo những lời thề trước Đảng.
Toàn hệ thống vào cuộc thì người dân mới yên tâm
PV: Trong thời gian vừa qua, công tác cán bộ ở nhiều nơi có nhiều sai phạm ở nhiều cấp, nhiều ngành. Tuy chúng ta đã có những chỉ đạo, biện pháp nghiêm khắc xử lý vi phạm nhưng người dân vẫn lo lắng là chúng ta làm theo kiểu “hổng đâu, bịt đó” mà chưa thực sự giải quyết một cách bài bản, thậm chí có kết luận sai phạm nhưng chúng ta vẫn gặp khó khăn trong quá trình xử lý cán bộ. Thưa ông, ông có thể cắt nghĩa nguyên nhân và giải pháp để xử lý việc này?
Ông Phạm Thế Duyệt: Việc này đừng nghĩ là người dân nghĩ quá, mà phải nghĩ là  người dân nghĩ đúng. Đúng là vì mình chưa làm đúng những thực tế mà mình đã đặt ra. Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đã nói rõ, vấn đề này đang thách thức cả chế độ, thách thức cả với Đảng cầm quyền.
Từ những nhận thức đó nếu làm không kiên quyết, hiệu quả, đồng bộ, mà mới chỉ rõ được những việc mà do Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính làm. Nếu mới chỉ làm được như thế thì người dân chưa thể yên tâm được.
Nhìn xuống 61 tỉnh, thành, nhìn xuống hơn 20 Bộ, ngành, Mặt trận, các đoàn thể có sôi lên không, hay chỉ có đồng chí Tổng Bí thư cương quyết, hay chỉ trông chờ vào 8 đoàn kiểm tra do Tổng Bí thư thành lập kiểm tra giám sát việc xử lý tham nhũng tới đây?
Nếu là một cấp ủy, ở đâu chả có cấp ủy, còn nếu là chính quyền thì cũng toàn đảng viên được cử ra để làm việc ấy, thì những nơi này hãy làm đi, đừng ỷ lại vào các đoàn kiểm tra hỏi đến mới nói. Tôi tin nếu làm được như vậy thì dân sẽ phấn khởi, sẽ tin ngay.
Đáng lẽ ra các thanh tra của Nhà nước, của các bộ, Ban cán sự Đảng của các bộ, Bí thư và Thường vụ của các Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn của Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể, đâu cũng thể hiện những việc làm về trách nhiệm của mình thì dân sẽ vui, đảng viên sẽ tin. Nhưng mới chỉ làm theo cách chỉ trông chờ vào Ban Nội chính, Ủy Ban kiểm tra… thì người dân vui nhưng cũng chưa thể yên tâm coi đó đã là quyết tâm của toàn Đảng.
Cần phải làm rành rọt, căn cơ, công bằng trước dư luận
PV: Ông có bình luận gì khi trong thời gian gần đây, nhiều cán bộ cấp cao mắc phải những sai phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, bị đề xuất xem xét kỷ luật?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi nhìn chung thấy các đồng chí làm thận trọng, đánh giá một cách nghiêm túc. Kể cả đối với những người về nghỉ hưu cũng đã được kết luận, đánh giá thận trọng. Riêng bản thân tôi thấy rất đúng đắn và ủng hộ.
Chỉ có điều, trong vấn đề thông tin mang hiện nay lớn, tư duy trình độ của cán bộ đảng viên khác trước, nên không thể không đặt các dấu hỏi còn cấp này cấp kia, người này người khác có liên quan đến việc đó hay không?
Cho nên cần phải làm rành rọt, căn cơ, công bằng trước dư luận những vấn đề đã xử lý và đang xử lý. Cái đó rất cần.
PV: Quan điểm của ông như thế nào trong việc xử lý vi phạm đối với các cán bộ, tập thể sai phạm, nhất là những người giữ trọng trách cao mắc sai phạm?
Ông Phạm Thế Duyệt: Việc xử lý như thế nào cho đúng mức giữa công và tội, quá khứ và hiện tại là việc phải làm một cách thận trọng, công tâm.
Khi làm, mong Trung ương làm như thế nào cho sáng suốt, đúng sai đến đâu làm cho rõ, mức độ thế nào đánh giá cho đúng, xử lý thế nào để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, hợp với lòng dân, đúng với mức độ sai phạm. Việc này Trung ương và Bộ Chính trị phải cân nhắc làm cho tốt để giữ được lòng dân.
Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên trong xử lý cán bộ
PV: Hội nghị Trung ương 5 lần này đang họp và bàn nhiều nội dung quan trọng. Ông có mong mỏi gì vào Hội nghị lần này?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi chỉ mong đây là một quyết tâm triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, với tinh thần của Bộ Chính trị, của Trung ương đã đề ra, đã phát hiện ra các vấn đề như vậy thì Trung ương cần thảo luận thẳng thắn.
Những vấn đề lớn Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu ra thì Trung ương phải làm hết sức thận trọng, công tâm vì Đảng, vì chế độ XHCN, đặt lên lợi ích của nhân dân, của Đảng trong xử lý cán bộ vi phạm.
Xử lý ở đây vừa thể hiện tính nghiêm minh của Đảng, vừa thể hiện tính giáo dục đối với toàn Đảng, vừa nêu tấm gương cho tất cả các cấp phía dưới, vừa tạo được lòng tin của nhân dân với Đảng trong tình hình mới.
Qua những vấn đề này phải thấy đây là một bài học. Tuy đạt được những kết quả nhưng phải nhấn mạnh đây là bài học. Bài học là Đại hội XII mới chưa được một năm rưỡi, việc chuẩn bị Đại hội các cấp, việc chuẩn bị nhân sự, quyết định nhân sự những nơi quan trọng mà diễn ra như vậy thì cũng là vấn đề lớn đối với Đảng. Đây là bài học rất sâu sắc, cần phải tự nghiêm túc xem xét thật đúng mức.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.