Trong thời gian ngắn ngủi này, vị chủ nhân mới của Điện Kremlin đã đặt được những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp chấn hưng nước Nga như ông đã cam kết.
Trở lại Điện Kremlin lần này, Tổng thống Putin phải đối mặt với làn sóng xuống đường phản đối của những người Nga không đồng tình với kết quả bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) khóa 6 và cuộc bầu cử tổng thống mới hồi tháng Ba vừa qua cũng như tình hình chính trị-xã hội trong nước.
Điều đáng chú ý là tham gia phong trào phản đối không chỉ có phe đối lập, mà còn có một số đại diện của ba chính đảng đã lọt vào Duma khóa 6 gồm Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Đảng Tự do-Dân chủ và Đảng "Nước Nga Công bằng. Trong khi đó, đảng cầm quyền "Nước Nga Thống nhất" (UR) lại mất đa số lập hiến và chỉ chiếm đa số trong Quốc hội khóa mới (238 ghế so với 315/450 ghế tại Duma khóa năm).
Tổng thống Vladimir Putin.
Tuy nhiên, với cương lĩnh tranh cử nhằm vào việc phục hồi và chấn hưng Liên bang Nga, tân Tổng thống Putin và Chính phủ mới do tân Thủ tướng Dmitry Medvedev đứng đầu đã thực thi những biện pháp cần thiết đầu tiên nhằm cải cách hệ thống chính trị như đơn giản hóa thủ tục đăng ký, hoạt động và tranh cử của các chính đảng; tạo điều kiện thuận lợi để đại diện các chính đảng đối lập có thể tham gia chính quyền lập pháp và hành pháp các cấp; áp dụng bầu cử trực tiếp lãnh đạo các tỉnh-thành với nhiệm kỳ không quá năm năm và mỗi người không được giữ cấp lãnh đạo này quá hai nhiệm kỳ liên tục.
Kết quả đầu tiên được thể hiện qua thông báo đầu tháng Tám này của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga rằng ra tranh cử lãnh đạo chính quyền các cấp địa phương vào tháng 10 tới sẽ có các ứng cử viên của 28 chính đảng thay cho bảy chính đảng trước đây. Duma quốc gia Nga cũng đã thông qua ba đạo luật mới quan trọng nhằm góp phần giữ gìn an ninh-trật tự trong nước. Tình hình chính trị trong nước những tháng qua khá bình ổn với phong trào xuống đường của phe đối lập đã dần suy yếu và đang đi vào giai đoạn thoái trào.
Ngoài cuộc cải cách chính trị, Tổng thống Putin đã thành lập các cơ cấu mới và chỉ thị áp dụng những biện pháp đầu tiên về phát triển kinh tế theo hướng giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất khẩu nhiên-nguyên liệu, ưu tiên phát minh-sáng chế, tăng năng suất và hiệu quả để đến năm 2020 Nga có thể lọt vào tốp năm cường quốc kinh tế thế giới.
Một hướng ưu tiên khác trong hoạt động của chính quyền được ông Putin nêu ra là củng cố và hiện đại hóa quân đội nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và sự ổn định chiến lược trên thế giới.
Ông Putin cho biết trong thập kỷ tới, Chính phủ Nga sẽ chi 772 tỷ USD để chế tạo 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, 2.300 xe tăng thế hệ mới nhất, 600 máy bay chiến đấu hiện đại, ít nhất 100 vệ tinh phục vụ mục đích quân sự; tám tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân, 50 tàu chiến, pháo, hệ thống phòng không và khoảng 17.000 xe thiết giáp mới chở quân.
Tân Tổng thống Putin đã nêu ra những chỉ tiêu cụ thể như đến năm 2015, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được đổi mới mạnh mẽ theo hướng sử dụng các chuyên gia giỏi và có sự tham gia của đại diện các lực lượng chính trị khác nhau. Nhà nước đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu việc làm chất lượng cao và đến năm 2020, tiền lương trung bình cần được tăng 60-70% và đạt 25.600 rúp/tháng (khoảng 850 USD). Tuổi thọ trung bình của người Nga sẽ được tăng lên mức 75 năm sau khi đã đạt mức 70 tuổi vào cuối năm 2011 (tăng 2,4 năm so với năm 2008).
Về chính sách đối ngoại, tân Tổng thống Putin chỉ thị các bộ-ngành, trước hết là Bộ ngoại giao Nga, phải bảo vệ các lợi ích quốc gia trên cơ sở của các nguyên tắc thực tế, công khai và đa phương-đa dạng.
Ông nêu rõ Nga trước sau như một coi Liên hợp quốc phải đóng vai trò trọng tâm trong các công việc quốc tế, chủ trương thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Nhóm các nước phát triển và có nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), Nhóm tám nước phát triển (G-8) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga là Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), trong đó, Liên minh với Belarus và liên kết với Kazakhstan, với quá trình liên kết Âu-Á trong khuôn khổ Liên minh Hải quan và Không gian kinh tế thống nhất cũng như kế hoạch thành lập Liên minh kinh tế Âu-Á trước năm 2015, đều được coi là những ưu tiên mang tính chiến lược.
Bên cạnh đó, Nga chủ trương chú trọng cải thiện và thúc đẩy quan hệ với Mỹ, phát triển hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Chuyến thăm Nga cuối tháng Sáu qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã kết thúc thành công với việc hai bên ra Tuyên bố chung nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga.
Một trăm ngày cầm quyền đầu tiên nhiệm kỳ này của Tổng thống Putin cũng được đánh dấu nổi bật bởi lập trường cứng rắn của Nga trong các quan hệ quốc tế, trước hết liên quan đến kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ ở châu Âu và việc Mátxcơva kiên quyết phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình căng thẳng tại Syria cũng như vào tình hình Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
Thời gian 100 ngày mới là bước khởi đầu của nhiệm kỳ sáu năm lần này để Tổng thống Putin thực hiện phương châm chính mà ông đề ra trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình là chấn hưng nước Nga, góp phần cho ổn định, an ninh và hòa bình quốc tế.